(Thethaovanhoa.vn) - Sau thời gian điều trị bệnh, tác giả của những ca khúc nổi tiếng về Hà Nội: nhạc sĩ Phú Quang đã qua đời vào lúc 8h45' ngày 8/12, hưởng thọ 72 tuổi.
Nhạc sĩ Phú Quang tên đầy đủ là Nguyễn Phú Quang, sinh tại Phú Thọ nhưng quê gốc ở Hà Nội (xã Trạng Bùng, huyện Thạch Thất, Hà Nội), ông từng sống ở phố Khâm Thiên.
Từ Phú Thọ, lên 5 tuổi ông mới về Hà Nội và năm 36 tuổi ông vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Ở tuổi 59 (2008) ông mới quay trở lại Hà Nội.
Theo lời kể lúc đương thời, Phú Quang không biết chính xác ngày sinh của mình vì sau 3 tháng chào đời, mẹ ông mới đi làm giấy khai sinh và lấy ngày 13/10/1949 làm ngày sinh cho ông. Sau này, ông viết ca khúc Sinh nhật đen để nói về sinh nhật của chính mình.
Không chỉ dừng ở con số hơn 600 ca khúc để đời, là tác giả của những ca khúc nổi tiếng viết về Hà Nội như Em ơi Hà Nội phố, Mùa Thu và em, Biển, nỗi nhớ và em, Dương cầm lạnh, Lãng đãng chiều Đông Hà Nội, Heo may, Tình khúc 24, Gửi đôi mắt, bâng quơ, Đâu phải bởi mùa Thu..., nhạc sĩ Phú Quang còn viết nhạc cho nhiều loại hình nghệ thuật khác, từ những thể loại lớn như thính phòng, giao hưởng mà ở các thể loại như sân khấu, điện ảnh (với hai bộ phim nổi tiếng là Bao giờ cho đến tháng Mười và Vị đắng tình yêu), múa, nhạc nền cho cải lương.
Đâu phải bởi mùa thu (1990), Những tình khúc Phú Quang chọn lọc (46 bài, 1995) là những tuyển tập về mảng ca khúc mà ông đã xuất bản. Trong khi đó, ông đã ra mắt 16 album phòng thu,17 album do ông biên tập, 3 album tuyển tập.
Ông cũng có 6 liveshow để đời là Mơ về nơi xa lắm (1998), Hà Nội và em khi thu chớm đông sang (2013), Phú Quang - Dương cầm lạnh (2014), Những nẻo đường anh đã đi qua (2015), Dương cầm lạnh & Phố cũ của tôi (2018) và Mùa thu giấu em (2019).
Theo đó, sự nghiệp của ông gắn liền với nhiều tên tuổi các ca sĩ, từ cố nghệ sĩ Lê Dung đến các thế hệ sau của "làng" thanh nhạc như Ngọc Tân, Quang Lý cho đến Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Ngọc Anh, Thu Phương.
Năm 2014, ông được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014" trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014).
Năm 2020, tại Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội' lần 13-2020 do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức, nhạc sĩ 'Hà Nội phố' Phú Quang được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng lớn.
Mặc dù được biết đến là nhạc sĩ của những ca khúc nhưng nhạc phẩm đầu tay của ông lại là tác phẩm Ballad Niềm tin viết cho violoncello và piano (năm 1967).
Và để có một sự nghiệp của hiện tại, nhạc sĩ Phú Quang đã có cả một tuổi trẻ phấn đấu không ngừng trong nghề, đặc biệt là tinh thần học tập, phát triển chuyên môn. Trong đó, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai nơi ông gắn bó hầu hết cuộc đời của mình ở đây.
Theo học hệ trung cấp kèn cor tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ năm 1967. Sau tốt nghiệp, ông về công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.
Năm 1978, ông quay trở lại nhạc viện để theo học ngành chỉ huy dàn nhạc.
Năm 1982 tốt nghiệp xong, ông về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Khi vào thành phố Hồ Chí Minh, ông từng làm việc ở phòng ca múa nhạc, Sở Văn hóa thông tin thành phố và Nhà hát Giao hưởng thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài âm nhạc, nhạc sĩ còn "lấn sân" sang lĩnh vực kinh doanh khi thành lập Công ty Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật Phú Quang với câu nói ấn tượng "Vui là chính, kiếm tiền là chủ yếu".
Nhạc sĩ Phú Quang trải qua 3 cuộc hôn nhân và có 3 người con. Trong đó, người con được nhắc đến nhiều nhất của ông là giảng viên piano Trinh Hương. Cô cùng chồng mình là nghệ sĩ violon Bùi Công Duy đã thường xuyên đồng hành cùng ông trong nhiều dự án âm nhạc. Xem thêm những câu chuyện về nhạc sĩ Phú Quang tại ĐÂY |
TT
Tags