(Thethaovanhoa.vn) - Tết, ngoài chuyện ăn còn là chuyện chơi, với những lễ hội trải dài khắp đất nước, tạo nên một không gian văn hóa rộng lớn. Nhưng đó cũng có thể là mầm mống của những hành vi phi văn hoá nảy sinh từ những đám đông. Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quốc Trung, một người có kinh nghiệm tổ chức những sự kiện lớn, quy tụ đông người.
- Nhạc sĩ Quốc Trung: Độ choáng chưa dừng lại ở Hoàng Thùy Linh, Tóc Tiên...
- Nhạc sĩ Quốc Trung: 'Monsoon' 2015 có thể làm mọi người... 'choáng'
- Nhạc sĩ Quốc Trung muốn diễn trên sân khấu RockStorm
- Những sự kiện như thế này mục đích đầu tiên là thu hút đám đông. Người tổ chức phải tiên lượng được số người tham gia, và tìm các phương án bảo đảm an toàn. Nhiều sự kiện hiện nay chưa làm được điều đó. Khi trực tiếp tham dự một số sự kiện tôi cảm thấy rất lo, chẳng may có sự cố gì xảy ra thì đám đông rất dễ hỗn loạn.
Nguyên tắc ở các sự kiện đông người là phải chia nhỏ đám đông, phải bố trí lối ra, vào hợp lý, tất cả lối thoát phải có an ninh, nhân viên y tế… Không tổ chức hợp lý thì người dân chen nhau dẫm lên hoa, không thì cũng phải nhảy xuống hồ thôi.
Mục đích của các sự kiện văn hóa là khi tham gia người dân cảm thấy vui vẻ, từ đấy ứng xử có văn hóa với nhau hơn. Còn khi tổ chức xong mà người Hà Nội trách người ngoại tỉnh, người ngoại tỉnh trách người Hà Nội thì sự kiện văn hóa đó mất đi ý nghĩa rồi.
Nhạc sĩ Quốc Trung
Tất nhiên, nói qua cũng phải nói lại. Tôi không muốn mình làm việc này, lại đi chê việc người khác làm. Tôi hiểu khó khăn của các nhà tổ chức. Festival ở nước ngoài, ngay cái hàng rào họ cũng phải làm loại không thể đẩy đổ được, giữa các hàng rào còn dán cả miếng mút đề phòng khán giả bị kẹt tay chân.
Còn ổ điện ngoài trời là nước mưa không thể ngấm vào được. Khi tổ chức Monsoon chúng tôi phải lên phương án rất kỹ, phải tìm kiếm các nhà cung cấp tối ưu, nhưng cũng không thể hoàn hảo. Ở Hà Nội có đơn vị cho thuê loại hàng rào tốt nhưng cũng chỉ có tối đa 300m thôi, vì nhập về là tiền tỉ. Để làm được như nước ngoài tốn kém lắm.
* Năm nào, Tết nào cũng tổ chức lễ hội và cũng có vấn đề, cho thấy ở ta việc rút ra kinh nghiệm và thay đổi là rất khó khăn?
- Vấn đề là chúng ta đang sống quá vội vàng, chộp giật. Năm đầu tiên có 1 cái sân khấu countdown thôi nhưng giờ Bờ Hồ có 3-4 điểm. Người ta đua theo phong trào, mà không quan tâm phát triển bền vững. Để tổ chức các sự kiện lớn thì phải học cách tổ chức. Đám đông có văn minh hay không xuất phát từ ứng xử của ban tổ chức.
Nếu lực lượng bảo an tại các show âm nhạc giơ dùi cui và thổi còi toe toét thì đám đông đương nhiên khó chịu. Nguyên tắc của lễ hội là không có bạo lực. Tôi đã làm nhiều chương trình Rock, ở đó các bạn trẻ rất văn minh. Nhiều khi mình chỉ cần nói các bạn nên giãn ra, nếu xô đẩy, ở phía trên rất nguy hiểm, các bạn ấy làm ngay lập tức.
Điều quan trọng là phải tạo ra không gian văn minh. Giả dụ lễ hội hoa chẳng hạn, nếu người ta biết cách tuyên truyền, giới thiệu công phu của người trồng hoa, thì những người đến sẽ phải tôn trọng. Đấy là cách giáo dục, mục đích văn hóa của các sự kiện
* Việc anh chia sẻ hàng ngày trên facebook cho thấy anh rất quan tâm các vấn đề văn hóa, xã hội, nhưng càng ngày càng thấy anh ít nhận xét về các vấn đề đó. Phải chăng, vào thời điểm này, cần hơn những câu chuyện hay về văn hóa ứng xử, cần hơn việc lan truyền cái tốt, cái đẹp, thay vì chỉ trích, chê bai?
- Trên mạng xã hội bây giờ tràn ngập các loại phong trào tẩy chay, chê bai, dèm pha. Một xã hội văn minh, thì người ta sẽ tôn trọng sự khác biệt của nhau, không quay ra chửi nhau chỉ vì mọi người không thích chung một thứ. Ở Việt Nam chúng ta vẫn có thói quen quy mọi thứ về một chuẩn và tranh cãi không dứt. Với nghệ thuật thì càng khó hơn, anh bảo đẹp, tôi bảo xấu, nếu cãi nhau cả đời chẳng hết.
Lễ hội hoa Đà Lạt 2016 là một không gian văn hóa đẹp. Ảnh: Dương Giang (TTXVN)
* Có hay không vì quá sốt ruột đến môi trường văn hóa, khiến anh có động lực để tạo ra Monsoon?
- Tôi đi dự festival âm nhạc nước ngoài từ năm 2006, năm 2008 tôi đi thực tập ở Đan Mạch, và bắt đầu mơ đến một lễ hội âm nhạc nhân ái, nhân văn. Đến 7-8 năm sau mới thực hiện được. Nó như một định mệnh vậy. Khi làm không thể tưởng tượng được mức độ, chỉ biết nhảy lên lưng hổ rồi. Monsoon ít nhất cũng xuất phát từ mong muốn cá nhân, giúp tôi tìm thấy cảm hứng, niềm vui.
Cả hai năm làm đều lỗ, nhưng mình không thể để lợi nhuận cản bước. Nếu không vượt qua được nỗi lo sợ đó dễ tổn thương lắm. Phải tỉnh táo để giữ cảm hứng cho bản thân. Tôi cũng thấy vui khi Monsoon đã được Bộ VH,TT&DL, UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa Hà Nội quan tâm, giúp đỡ.
* Từ bé sống trong gia đình làm nghệ thuật, cha của anh là NSND Trung Kiên đã có thời gian dài công tác lâu dài trong ngành văn hóa. Có hay không những ảnh hưởng từ ông, khiến anh cảm thấy có trách nhiệm xây dựng môi trường văn hóa cho cộng đồng?
- Hồi trẻ tôi cũng có ý nghĩ ngông cuồng muốn thay đổi đời sống âm nhạc, muốn tạo nên tác động nọ kia. Tuổi này tôi thực tế hơn. Tôi quan niệm làm bất cứ sự kiện nào, làm trọn vẹn là tốt rồi. Chứ bày nhiều mà làm không tới là dễ nản. Tôi có thăm dò sau Monsoon thì thấy khán giả rất vui vẻ, hài lòng, mong chờ tới năm sau, vậy là mình có động lực rồi.
* Quan sát anh một thời gian dài, thấy Quốc Trung vẫn miệt mài với các dự án giúp đỡ các tài năng trẻ. Anh có coi đó là một nhiệm vụ của mình không?
- Thực ra tôi cũng từng là người trẻ trước đây, tôi hiểu người trẻ cần môi trường để phát triển như thế nào. Làm việc với người trẻ thì việc đầu tiên là mình không được lợi dụng, không áp đặt họ, nếu giúp được họ hay bất kỳ ai cũng là niềm vui của tôi rồi.
Đi ra nước ngoài làm việc với các bạn trẻ chuyên nghiệp, tôi biết các bạn trẻ Việt Nam đang bị hạn chế ở tầm nhìn, kỹ năng, sự chuyên nghiệp. Để xây dựng dự án cần rất nhiều hiểu biết. Các em ở trong nước chủ yếu mày mò xem qua băng đĩa, tự làm tưởng thế là đủ. Những nền âm nhạc phát triển họ đã tự xây dựng các quy chuẩn, mình đi sau càng phải học hỏi. Nếu mình không có kiến thức như vậy thì làm việc rất vất vả, thậm chí còn cản trở sự phát triển.
* Ở Việt Nam hiện nay bắt đầu xuất hiện những nhân vật trẻ, nhìn họ đã thấy ngay tính nghệ sĩ, âm nhạc của họ cũng rất thú vị. Nhưng một thời gian sẽ thấy họ vẫn thiêu thiếu một cái gì đó, nhìn xa hơn, họ khó đi được đường dài…
- Hình dung thế này nhé, bạn có năng khiếu chạy, khi chạy 100m người bình thường chạy 17 giây, bạn chỉ mất 15 giây. Nếu bạn vào chuyên nghiệp, bạn sẽ giảm xuống còn 12 giây. Để xuống 11 giây thì phải luyện tập từ bé. Còn đạt được đẳng cấp thế giới dưới 11 giây thì phải luyện rất khủng khiếp. Ý tôi là, nếu được đào tạo bài bản thì đi được đường dài.
Ở mình bây giờ hay viện dẫn lý do không cần học vẫn làm được. Không đúng đâu, có thể người ta không học ở nhạc viện, nhưng tự học rất kinh. Không học thì lấy đâu ra kỹ năng để mở rộng sáng tạo. Để hát được như Adele, Maroon 5 thì cũng phải học. Đùng một cái làm được như họ chỉ có là Thánh thôi.
* Với con cái, anh muốn con ở trong môi trường Việt Nam, hay ra nước ngoài học hành?
- Tôi cho con đi rất nhiều festival để mở rộng tầm mắt. Tôi không muốn con bị giới hạn không gian sống. Khi có tầm nhìn thì đời sống sẽ phong phú hơn.
* Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags