(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, trong thập niên 1960, 1970 anh đã chuyển ngữ lời Việt cho hơn 100 bài hát nước ngoài và cũng là người gắn bó khá mật thiết với giai đoạn âm nhạc này (nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng cũng là chủ Phòng trà Văn nghệ, sau đó là Phòng trà Tiếng xưa ở TP.HCM được khá nhiều người biết đến).
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với anh, như một “vĩ thanh” của loạt bài “Những ca khúc nhạc Pháp nổi tiếng một thời” đã đăng ở mục Câu chuyện âm nhạc trên Thể thao và Văn hóa, để bạn đọc hiểu rõ hơn về bối cảnh và sinh hoạt âm nhạc của giai đoạn thịnh hành những ca khúc nhạc Pháp lời Việt nói riêng và nhạc nước ngoài lời Việt nói chung…
Như chúng ta đã biết, phong trào “lời ta điệu Tây” diễn ra từ thập niên 1920: Ở Hà Nội, học sinh trường Bưởi thường hát những bài nhạc Pháp được đặt lời Việt như Nàng Ma-đơ-lông (La Madelon) Mác-xây-e (La Marseillaise) để mở màn và đóng màn cho các vở ca nhạc kịch của họ; ở Sài Gòn, 2 bài hát này cũng được hát trước và sau khi diễn ra các tuồng cải lương. Có thể nói đó là những bản nhạc nước ngoài lời Việt đầu tiên được biết đến khá rộng rãi ở Việt Nam. Thời gian tiếp sau đó có khá nhiều bài hát nước ngoài với phần lời Việt được biểu diễn độc lập với các buổi diễn ca kịch, cải lương, chiếu phim…
- Tiếc thương nhạc sĩ Văn Ký - Cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam
- Vĩnh biệt nhạc sĩ Văn Ký: 'Cho mãi mãi bầu trời xanh Hà Nội'
- Nhạc sĩ Văn Ký: Người chắp cánh những bài ca hy vọng
Tuy nhiên, từ giữa thập niên 1960 đến giữa thập niên 1970, tại Sài Gòn lại sôi động với những bản nhạc nước ngoài lời Việt, đặc biệt là những bản “nhạc Pháp” lời Việt. Phong trào này cũng gắn liền với sự phát triển của “nhạc trẻ” ở Sài Gòn thời đó.
Như một nỗ lực “Việt hóa” nhạc nước ngoài
* Thời mà anh viết lời Việt cho những bản nhạc nước ngoài, nghề chính của anh là gì, anh có tham gia một ban nhạc nào ở Sài Gòn lúc đó không?
- Nói chính xác thì tôi làm công việc “chuyển ngữ” lời Việt, nội dung lời ca trung thành với bản nhạc gốc, khác với viết lời Việt, nghĩa là đặt lời mới hoặc phóng tác lời mà một số người khác cũng đã làm với các bản nhạc nước ngoài.
Thời đó tôi là “giáo sư” Anh văn, tôi biết thêm tiếng Pháp, Đức, Italy, nên có nhiều thuận lợi trong việc chuyển ngữ lời Việt các bản nhạc nước ngoài. Tôi là người tự học nhạc, biết chơi guitar, piano, tuy nhiên tôi không tham gia một ban nhạc nào ở Sài Gòn thời ấy cả.
* Vậy thì động lực nào thúc đẩy anh chuyển ngữ lời Việt các bản nhạc nước ngoài?
- Thời đó, tôi có tham gia làm việc ở một tờ báo chuyên về nghệ thuật điện ảnh và âm nhạc ở Sài Gòn, từ đó tôi lập bàn tròn nghệ sĩ, quy tụ một số nghệ sĩ, ban nhạc để thảo luận về nghệ thuật, trong đó đáng nói là việc khởi động những chương trình nhạc trẻ ở trường La San Taberd (nay là trường chuyên Trần Đại Nghĩa), ở Sân vận động Hoa Lư, những hoạt động có vai trò khá quan trọng trong việc hình thành “nhạc trẻ” Sài Gòn trước đây.
Tuy nhiên, thời đó, những ban nhạc trẻ của Sài Gòn đại đa số là lấy tên nước ngoài, các bài hát được trình diễn cũng là nhạc nước ngoài, đa số hát tiếng nước ngoài. Tôi chợt nghĩ tại sao không chuyển ngữ các bản nhạc nước ngoài sang lời Việt để đông đảo công chúng có thể hiểu được nội dung trong các bài nhạc ngoại rất hay thời đó, đó là lý do mà tôi bắt tay vào chuyển ngữ nhiều bản nhạc nước ngoài. Ngoài ra, tôi và các nhạc sĩ Phạm Duy, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Kỳ Phát, Nguyễn Duy Biên cũng đã cùng nhau nỗ lực chuyển ngữ, viết lời Việt như một hình thức Việt hóa nhạc nước ngoài.
“Cánh bướm vườn Xuân” là “quán quân”…
* Tại Sài Gòn thập niên 1960, 1970, trong trào lưu viết lời Việt cho các bản nhạc ngoại quốc ai là người viết đầu tiên? Ai là người viết nhiều nhất? Ai là người có nhiều bản nhạc được công chúng đón nhận nhất?
- Những người chuyển ngữ, viết lời Việt cho các ca khúc nước ngoài thời đó khá nhiều, có thể kể như: Trường Kỳ, Nam Lộc, Kỳ Phát, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Trung Hành… tôi không thể nói được ai là người viết đầu tiên, nhưng người viết nhiều nhất có thể nói là nhạc sĩ Phạm Duy, còn tôi tạm gọi là người chuyển ngữ nhiều nhất, khoảng hơn 100 bài, còn nếu tính cho đến hôm nay thì khoảng hơn 200 bài.
* Anh có kỷ niệm nào đáng nhớ đối với những bài hát ngoại quốc mà mình chuyển ngữ sang lời Việt không?
- Không có kỷ niệm nào đáng nói, nhưng bất ngờ thì có. Đó là những bản chuyển ngữ tôi rất tâm đắc như: Mong manh (De Plus En Lpus Fragile), Lãng du (L’Aventura)… lại không nổi tiếng, nhưng những bản chuyển ngữ mà bản thân tôi không thích lắm, lại rất nổi tiếng như: Búp bê không tình yêu (Poupee De Cire Poupee De Son), Anh thì không (Toi jamais)…
* Thời đó có bản nhạc ngoại quốc lời Việt nào rất thịnh hành, kiểu đi đâu cũng nghe hát không?
- Cũng có chứ, bài Cánh bướm vườn Xuân do nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt từ bài hát Cerisier Rose Et Pommier Blanc (nhạc Louiguy, lời Jacques Larue) là bản nhạc mà ai ai cũng biết, đi đâu cũng nghe hát. Hoặc bài Bambino, dưới tựa đề Việt là Mối tình đầu, phần lời Việt được xem là khuyết danh, bản nhạc này được rất nhiều người yêu thích và có rất nhiều lời “chế” để hát cho vui…
* Ca sĩ hát nhạc ngoại lời Việt thời ấy theo anh biết, những người nào là nổi tiếng?
- Có khá nhiều ca sĩ, nhưng những người hát đầu tiên và rất nhiều theo tôi biết đó là ca sĩ Bạch Yến (vợ GS Trần Quang Hải, con dâu GS Trần Văn Khê) và ca sĩ Lệ Thu, tuy rằng sau này công chúng biết đến Lệ Thu là một giọng ca nhạc trữ tình. Khánh Ly cũng hát nhạc ngoại dù sau này Khánh Ly nổi tiếng với những bài hát của Trịnh Công Sơn. Sau đó thì có Thanh Lan, đặc biệt là với những bài nhạc Pháp, nhạc Pháp lời Việt.
Ca khúc Việt theo “phong cách” nước ngoài
* Khá nhiều ca khúc lời Pháp nhưng không phải của nhạc sĩ Pháp sáng tác, thế nhưng ngày xưa và cả sau ngày giải phóng chúng cũng được gọi là nhạc Pháp lời Việt? Theo anh lý do vì sao?
- Ngày xưa chúng tôi tiếp cận với nhạc ngoại quốc chủ yếu qua băng đĩa, những bản nhạc in trên giấy thì rất hiếm hoi và vì việc tìm hiểu lai lịch của tác giả cũng khó khăn, không như bây giờ có sự hỗ trợ của Internet. Có lẽ vì vậy mà một số nhạc phẩm dù không phải của tác giả người Pháp nhưng được người Pháp thu âm, ca sĩ Pháp hát bằng tiếng Pháp nên mọi người nhầm tưởng đó là nhạc Pháp. Ví dụ như: L’amour C’est Pour Rien (Tình cho không) tác giả là Enrico Macias (tên thật là Gaston Ghrenassia) người Do Thái, sinh ở Algeria, hoặc Histoire D’un Amour (Chuyện tình yêu) là của Carlos Almaran người Panama gốc Tây Ban Nha, hoặc Scarborough Fair (Giàn thiên lý đã xa) là dân ca Anh…
* Nhạc nước ngoài và nhạc nước ngoài lời Việt thời đó có chiếm một tỷ lệ đáng kể trong đời sống âm nhạc không?
- Thật khó nói một cách chính xác, tuy nhiên có thể nói rằng, đối với nhạc nước ngoài thì thập niên 1960, 1970 nhạc Mỹ, nhạc Anh chiếm tỷ lệ nhiều nhất (bởi lúc đó tại Sài Gòn có một đài phát thanh của Mỹ chuyên phát ca nhạc 24/24 giờ), sau đó là nhạc Pháp. Nhưng nhạc nước ngoài và nhạc nước ngoài lời Việt chủ yếu là giới trẻ, sinh viên học sinh thưởng thức. Còn binh sĩ và giới bình dân thì chủ yếu vẫn là loại nhạc “bolero”, mà đối tượng này thì rất đông đảo.
* Anh có nhận định như thế nào về vai trò, sự tác động của nhạc nước ngoài (lời nước ngoài và lời Việt) đối với đời sống âm nhạc Sài Gòn thập niên 1960, 1970?
- Một nhìn nhận chung, thập niên 1960, 1970 là những thập niên có nhiều ban nhạc với nhiều bài hát nổi tiếng thế giới. Tiêu biểu có thể kể như: Bob Dylan, các ban nhạc The Doors, The Beatles, Rolling Stones… Nhạc sĩ Việt Nam thời đó thì có Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng… Vì vậy những bài hát ngoại quốc lưu hành ở Việt Nam thập niên 1960, 1970 được xem là những “tuyệt tác”. Ngoài việc đem đến sự thưởng thức cho người nghe, nó cũng có tác động đáng kể đến việc hình thành “nhạc trẻ” Sài Gòn. Một số nhạc sĩ Việt Nam sáng tác giai điệu Việt, lời Việt nhưng theo phong cách, tinh thần “nhạc trẻ” của nước ngoài như: Bài hát Sầu Đông của nhạc sĩ Khánh Băng, Mặt trời đen của Nguyễn Trung Cang, Tôi muốn của Lê Hựu Hà… Các ca sĩ cũng có phong cách biểu diễn trẻ trung, sôi động hơn, trang phục cũng trẻ trung “hiện đại” hơn…
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
HỮU TRỊNH (thực hiện)
Tags