(TT&VH) - Phải nói ngay rằng, trong 5-10 năm qua, tại Hà Nội hay TP.HCM đã mọc lên nhiều không gian nghệ thuật mới - có thể dùng chữ không gian nghệ thuật phá cách (alternative space) - với đường hướng hoạt động phong phú, góp phần tạo thêm nhiều chọn lựa cho nghệ sĩ và người thưởng thức nghệ thuật.
Tuy nhiều không gian sớm nở tối tàn, nhưng không phải tất cả đều như thế. Sau một thời gian, có thể điểm mặt một số sân chơi để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng.
Những sân chơi mới
Trong cái nhìn và ứng dụng có tính rộng mở về khái niệm “không gian phá cách”, TP.HCM hiện còn những địa chỉ sau đây: Sàn Art, Galerie Quỳnh, Himiko visual café, Ga 0, Khoan cắt bê tông, Địa, Cột điện... Đó là chưa kể tới các sân chơi sôi động dành cho nghệ thuật đương đại ở Hà Nội cùng vô số các địa chỉ có tính chất nhất thời như các hội thảo, workshop... về nghệ thuật, do nhiều nơi tổ chức. Nhiều sinh viên nghệ thuật thường tập hợp nhóm, hoặc là “khách ruột” của vài quán cà phê, nơi có thể dung chứa được các tác phẩm thể nghiệm của họ.
Thậm chí, theo quan điểm của Như Huy (trong vai trò giám tuyển nghệ thuật), những không gian có tính bền vững về thiết chế văn hóa như Viện Goethe cũng rất ủng hộ cho các mô hình không gian phá cách.
Lê Anh Hoài đang chuẩn bị cho tác phẩm trình diễn Cắt tại TP.HCM hôm 1/6/2011
Nhà văn, nghệ sĩ Lê Anh Hoài cho rằng các không gian phá cách có thể hình thành tự phát, nhưng rõ ràng họ có chủ ý. Trong lịch sử (tạm gọi như thế) hơn 10 năm qua của Việt Nam, các không gian này đã làm được hai việc chính yếu. Thứ nhất, dần thay đổi quan niệm của các nghệ sĩ, vì trước đây, phần nhiều trong số họ nghĩ đây là những trò ba lăng nhăng, thật khó chấp nhận như ngôn ngữ nghệ thuật hay tác phẩm, bây giờ thì đã khác. Thứ hai, các không gian phá cách, như Khoan cắt bê tông ở Thủ Đức chẳng hạn, không chỉ có nghệ sĩ, giới làm nghề đến xem, mà xích lô, bán bánh chưng bánh giò, gỏi cuốn, phụ nữ, trẻ em... cũng vào xem, một không khí khá cởi mở.
“Khoảng 10 năm trở lại đây các không gian trưng bày truyền thống dường như bị đóng băng, hầu hết các cuộc triển lãm chỉ toàn họa sĩ và người quen biết họa sĩ đi xem. Từ thực tế này, một số không gian trưng bày phá cách xuất hiện như Himiko visual café, Sàn Art... nhằm đưa nghệ thuật đến gần công chúng hơn. Loại hình trưng bày mới này khá mở, cộng với những nỗ lực quảng bá hình ảnh cho nghệ sĩ, nên được báo chí, giới làm nghề, người xem ủng hộ. Tuy nhiên, nhìn chung loại hình này vẫn hoạt động tự phát, thiếu những mạnh thường quân đầu tư, nên phải rất cố gắng mới phát triển được”, họa sĩ Lã Huy cho biết.
Gần gũi với công chúng và phi thương mại
Nhà biên kịch Lan Phương (quen gọi Mẹ Đốp) trong cuộc trình diễn đầu đời, mới diễn ra tại Khoan cắt bê tông (hôm 19/6), nói rằng những không gian như thế này dễ gần gũi với mình, nên cảm thấy khá tự tin. Nếu ở những không gian trang nghiêm như các hội, các trường... thì chắc chắn khó diễn ra những cuộc trình diễn như vậy.
Ngô Lực cho biết tiêu chí của Khoan cắt bê tông là “không có tiêu chí”, luôn để mở cho nghệ sĩ và cộng đồng tự kết nối với nhau.
Lê Hào, thậm chí còn muốn biến không gian tư gia thành nơi để các nghệ sĩ trong và ngoài nước đến lưu trú, làm việc. Anh cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào các không gian truyền thống, thì đường đi của nghệ thuật sẽ kém đa dạng, phong phú.
“Một trong những đặc trưng chủ yếu làm không gian phá cách khác biệt với hệ thống bảo tàng và hệ thống gallery thương mại chính là khả năng luôn gắn chặt với hiện tại, nơi mà nó đang hiện diện”, Như Huy nói.
Chính vì vậy, theo nghiên cứu riêng của Như Huy, 4 phẩm chất (cũng có thể là tiêu chí) của không gian phá cách được quy về ở những đặc điểm sau. Một, phi quan liêu, vì nó tiếp xúc trực tiếp với đời sống. Hai, phi thương mại, vì thực tế cho thấy mọi không gian phá cách cổ điển đều như vậy. Thời gian gần đây, một số không gian phá cách buộc phải có những hành vi mang tính thương mại để duy trì hoạt động của mình. Nhưng việc dính tới thương mại không phải là mục đích chính của không gian, mà là một thủ thuật để tồn tại. Ba, tương tác với các vấn đề địa phương, bởi nếu xa rời không gian - thời gian của địa phương, những hoạt động của nó chỉ còn là các thử nghiệm muộn màng hay những phiên bản thuần túy kỹ thuật, nối dài từ quá khứ của nghệ thuật phương Tây. Bốn, là cầu nối và có các chương trình trao đổi với các không gian phá cách khác trong khu vực.
Tuy nhiên, cũng theo Như Huy, các phẩm chất này không nên được nhận diện với tính chất đóng và tĩnh. Tùy địa phương và hoàn cảnh mà có cách ứng biến riêng, cho hợp lý.
Như Khoan cắt bê tông thì Ngô Lực và các nghệ sĩ tự góp sức để làm, thông qua tiền túi của mình. Himiko visual café, Cột điện... thì có bán cà phê, nước giải khát, đây là nguồn kinh phí chính để hoạt động. Sàn Art, Ga 0... thì dựa vào nhiều nguồn khác nhau, từ tài trợ, quỹ nghệ thuật, cho tới tiền túi.
Chính vì các lý do vừa nêu, việc nhận diện không gian nghệ thuật phá cách TP.HCM thật không dễ dàng, vì nó có nhiều “hình thù” khác biệt, nhiều nơi manh mún. “Đây là một thực-thể-rất-mới, nên cần có cái nhìn đa diện, phân tích, đối chiếu, nếu không sẽ định vị sai về nó, sẽ làm loạn chuẩn” - Như Huy khẳng định.
Như Hà