(Thethaovanhoa.vn) - Trong kì họp diễn ra từ 16 tới 31/7 tại Phúc Châu (Trung Quốc), Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO sẽ thảo luận về việc có nên đưa Venice vào danh sách “Các Di sản Thế giới đang bị đe dọa” hay không.
Cần nhắc lại, trong nhiều năm, ưu và nhược điểm của việc để các tàu du lịch lớn vào Venice đã mở ra một cuộc tranh luận không hồi kết. Và từ ngày 1/8 tới, các tàu du lịch lớn sẽ không còn được phép đi qua hệ thống đầm phá của thành phố này.
Từ trường hợp của Venice...
“Các Di sản Thế giới đang bị đe dọa” vốn được gọi là bản “danh sách đỏ”, trong đó liệt kê các Di sản Thế giới của UNESCO gặp nhiều tác động tiêu cực, chủ yếu liên quan đến khai thác du lịch quá mức.
Vấn đề khiến cho Venice rơi vào tình trạng nguy cấp là do sự hoạt động của nhiều tầu hàng hải. Trong nhiều năm, UNESCO đã theo dõi rất sát sao việc khai thác những tàu du lịch lớn ra vào Venice. Không chỉ gây ô nhiễm không khí bằng khói thải, sự di chuyển của những con tầu này cũng làm tăng thêm áp lực nước đẩy lên các nền móng bị nhấn chìm của các tòa nhà lịch sử trong thành phố. Thêm nữa, chúng còn phá hủy hệ sinh thái nhạy cảm của đầm phá khi di chuyển.
Đối với người dân Venice, những con tàu du lịch khổng lồ này chỉ mang lại thiệt hại lâu dài cho thành phố của họ với những hành khách được cho là chỉ tiêu ít hoặc không tốn tiền vào các cửa hàng dịch vụ địa phương.
Thực tế, mực nước dâng cao đã đe dọa tính toàn vẹn của nhiều tòa nhà lịch sử ở Venice. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn do sự kết hợp của triều cường và bão lớn đã gây ngập lụt phần lớn thành phố vào năm 2019. Nhưng có một loại “lũ lụt” khác khiến những người bảo vệ Di sản Thế giới lo lắng: Số đông du khách đổ về những nơi như Vương cung thánh đường Thánh Mark vào mỗi mùa Hè.
Hồi năm 2019, khoảng 16 triệu du khách đã đến các con hẻm và kênh đào của Venice - nơi dân số địa phương của khu phố cổ trung tâm đã giảm xuống còn dưới 60.000 cư dân. Không rõ liệu điều này có thể thay đổi sau dịch Covid-19 hay không, nhưng thực tế Venice luôn là một điểm hút du khách toàn cầu. Nhiều người cho rằng lệnh cấm các tàu du lịch vào Venice có thể không đủ để đảm bảo rằng thành phố vẫn giữ được danh hiệu của UNESCO, khi nó luôn bị khai thác du lịch quá mức.
Danh hiệu Di sản Thế giới đã được trao cho Venice vào năm 1987 với lý do cả thành phố là “một kiệt tác kiến trúc đặc biệt, trong đó ngay cả những tòa nhà nhỏ nhất cũng chứa đựng các tác phẩm của các nghệ sĩ giỏi nhất thế giới, chẳng hạn như Titian, Tintoretto và những người khác”.
Thực tế, Chính phủ Italy rất muốn giữ vững danh hiệu Di sản Thế giới cho Venice và coi vấn đề này là một vấn đề cấp bách của quốc gia. Nếu Venice bị đưa vào “danh sách đỏ” của UNESCO, đó sẽ là “một vấn đề rất nghiêm trọng đối với đất nước chúng tôi” - Bộ trưởng Văn hóa Italy Dario Franceschini khẳng định.
Tuy nhiên, Chính phủ Italy lại không đưa ra một giải pháp khả thi cho vấn đề này và buộc lãnh đạo địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Hai năm trước, Thị trưởng Venice là Luigi Brugnaro thậm chí đã yêu cầu UNESCO đưa thành phố của ông vào “danh sách đỏ” vì ông cảm thấy bị Rome bỏ rơi. Lời cầu xin của ông được đưa ra sau khi một con tàu du lịch mất kiểm soát đâm vào một chiếc thuyền du lịch trên kênh đào Giudecca vốn đông như “mắc cửi”.
Không rõ mong muốn của Thị trưởng Brugnaro có sắp thành hiện thực? Tuy nhiên, tổ chức Di sản Thế giới nhấn mạnh rằng bất kỳ động thái tiềm năng nào nhằm đưa Venice vào danh sách các địa điểm nguy cấp sẽ “không phải là một hình phạt hay một cảnh báo – dù trên lý thuyết, các di sản này có thể bị tước bỏ danh hiệu cấp thế giới sau một thời gian đưa vào “danh sách đỏ”.
“Đó là một cơ chế để bảo tồn những địa điểm đặc biệt này cho các thế hệ tương lai” - Peter Martin thuộc Ủy ban UNESCO của Đức cho biết. Ông nói thêm, việc chỉ định danh sách đỏ chỉ đơn giản cho thấy rằng cần phải có hành động khẩn cấp để di sản được bảo tồn.
Ông lấy ví dụ về trường hợp của Nhà thờ Chúa giáng sinh ở Bethlehem (Palestine), nơi từng bị đe dọa do sự xuống cấp về kiến trúc, cũng như dự án xây dựng một đường hầm phục vu du lịch. Sau khi di sản này bị đưa vào “danh sách đỏ” của UNESCO, dự án xây dựng dưới lòng đất đã bị hủy bỏ và nhà thờ được trùng tu cẩn thận với sự hỗ trợ tài chính của Thụy Điển và Italy. Cuối cùng, nó đã được đưa ra khỏi “danh sách đỏ”.
Tới các “tiềm năng” của danh sách đỏ
Ngoài Venice đang trong tình trạng nguy cấp, bãi đá được gọi là Stonehenge ở miền nam nước Anh, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1986, cũng đang bị đe dọa.
Có niên đại hơn 4.000 năm, địa điểm này thu hút gần 1 triệu khách du lịch mỗi năm. Nhưng việc xây dựng đường cao tốc A303, đi qua ngay trước cấu trúc cự thạch Stonehenge và nối các thị trấn Berwick và Amesbury, có thể đưa Stonehenge vào “danh sách đỏ”.
Câu chuyện tương tự cũng đến với hồ Ohrid (thuộc Bắc Macedonia và Albania) – một trong những hồ lâu đời nhất ở châu Âu và thế giới. Năm 1979, UNESCO đã trao tặng danh hiệu Di sản Thế giới cho hồ cổ được ước tính có 1,36 triệu năm tuổi này. Tuy nhiên, đang có những ý kiến đề nghị đưa nó vào “danh sách đỏ” bởi việc khai thác các hoạt động du lịch quy mô lớn.
Tương tự, Auschwitz-Birkenau đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1979. Hơn 1,1 triệu người đã bị sát hại chỉ riêng tại trại tử thần này của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, Ủy ban Di sản Thế giới đang chỉ trích rằng các dự án cơ sở hạ tầng giao thông lớn gần đó có thể làm hoen ố nét trang nghiêm của khu tưởng niệm, đồng thời cho biết thêm rằng chính quyền địa phương đã không phản hồi về những lo ngại này.
- Những di sản thế giới bị 'giặc lửa' hủy hoại
- KTS Antoni Gaudi - Cha đẻ của những di sản thế giới “kỳ quặc”
Tại vùng viễn đông nước Nga, sau 25 năm được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, khu vực núi lửa trên bán đảo Kamchatka cũng có thể bị đưa vào danh sách đỏ. Có nhiều nguyên nhân cho nguy cơ này, từ khai thác bất hợp pháp các nguồn tài nguyên khoáng sản như vàng đến việc phá hủy môi trường sống của động vật hoang dã.
Tiếp theo là thị trấn Lamu của Kenya có tuổi đời khoảng 750 năm và khu phố cổ đẹp như tranh vẽ của nó. Được thêm vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO 20 năm trước, thị trấn này có nguy cơ bị đưa vào danh sách đỏ vì có vấn đề rác thải khổng lồ. Các dự án xây dựng theo kế hoạch như đường ống dẫn dầu và sân bay đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, cũng phải kể đến nữa là rặn san hô Great Barrier ở ngoài khơi biển Queensland, Đông Bắc Australia. Hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1981 với gần 3.000 rạn san hô riêng rẽ và trải dài khoảng 2.300km. Nhưng do biến đổi khí hậu và nhiệt độ nước tăng cao, di sản này đã mất hơn một nửa số san hô. Bão, nạn khai thác khí đốt và các xác tàu đắm cũng là những mối đe dọa đối với di sản này.
Tình trạng của rừng ngập mặn Sundarban cũng đang bị UNESCO cân nhắc. Khu rừng ngập mặn lớn nhất trên trái đất có diện tích hơn 10.000km2, 2/3 trong số đó nằm ở Bangladesh và 1/3 ở Ấn Độ và là nơi sinh sống của nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng như hổ Bengal. Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 1997, nhưng hiện nó có thể bị đưa vào “danh sách đỏ” do nạn săn trộm, ô nhiễm nguồn nước, phá rừng và mực nước biển dâng cao.
Hai di sản nổi bật trong “danh sách đỏ” Khu bảo tồn động vật hoang dã Tanzania cũng bị UNESCO chỉ trích ngay sau khi nó được trao danh hiệu Di sản Thế giới vào năm 1982. Khu bảo tồn động vật hoang dã có kiểm soát lớn nhất ở châu Phi này đã để xảy ra “nhiều hoạt động bất hợp pháp” và từng bị đưa vào “danh sách đỏ” từ hồi năm 2014. Tương tự, thành phố Cảng Liverpool cũng đang đối mặt với việc bị loại khỏi Danh sách Di sản Thế giới. Chỉ 8 năm sau khi được trao danh hiệu vào năm 2004, thành phố này đã bị đưa vào “danh sách đỏ” vì các tòa nhà không được bảo trì đầy đủ. Các dự án xây dựng ở các khu vực xung quanh cũng có tác động tiêu cực đến đặc điểm của khu vực này. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags