09/10/2019 19:37 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Âm nhạc đại chúng Việt Nam phát triển tự phát, độc lập, chưa có định hướng. Để có thể tiến ra thế giới, chúng ta phải cùng nhau làm, phải tạo được cá tính và dấu ấn riêng cho nhạc Việt.
Các nhạc sĩ, nhà sản xuất và nghệ sĩ cùng trao đổi để tìm cách đưa âm nhạc tại Việt Nam tiến gần với thị trường của thế giới, trong buổi tọa đàm tại WMW Session Vietnam 2019 diễn ra cuối tuần qua.
Làm việc nhóm
Không chỉ quan tâm tới việc sáng tác những tác phẩm mới, chất lượng, các nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc còn trăn trở trong việc đưa âm nhạc Việt Nam đến gần hơn với thị trường âm nhạc quốc tế.
Theo nhạc sĩ Dương K, hiện nay, nền âm nhạc Việt Nam phát triển kiểu tự phát, độc lập với nhau. “Cách làm quen thuộc đó là ca sĩ đi đặt bài, nhạc sĩ viết, ca sĩ lấy bài đưa cho một nhạc sĩ khác phối khí, nghĩa là ca sĩ sản xuất cho chính mình. Theo tôi biết, ở nước ngoài, họ thường làm việc nhóm với nhau để bàn luận ca sĩ thế nào, chất giọng ra sao, cần bài thế nào… để cùng nhau tạo ra một sản phẩm” - Dương K cho biết.
Cũng theo Dương K, cách làm việc nhóm chính là “bí quyết” giúp cho các sản phẩm gần đây như Bùa yêu, Đi đu đưa đi đến gần hơn với công chúng.
Anh cho biết: “Cách chúng tôi làm có thể hơi lạ ở Việt Nam, đó là chúng tôi cùng suy nghĩ cả tháng trời, rồi khi bắt đầu làm việc sẽ ở chung với nhau khoảng vài ngày hoặc một tuần để thảo luận về ca khúc: chủ đề gì, ca khúc đem lại cảm giác vui hay buồn… chúng tôi sẽ viết lại những từ khóa chính, quan trọng nhất của ca khúc để đi đúng hướng. Nhạc sĩ Thanh Hà phụ trách âm nhạc, tôi phối khí để hiểu tinh thần bài và đưa ra bản demo, Tiên viết lời, bám sát nội dung từ đầu mình đưa ra, rồi cả nhóm bàn luận để ra được một sản phẩm. Làm như vậy thì sản phẩm đúng mục đích, có tính ổn định, chứ không tùy hứng”.
“Rất vui khi các hãng đĩa quốc tế vào Việt Nam”
Việc các hãng thu âm quốc tế “tấn công” thị trường nhạc Việt được cho là tín hiệu vui với với những nhà sản xuất và nghệ sĩ. Theo nhạc sĩ Huy Tuấn: “Chúng ta cứ nghĩ ở thời đại này ai cũng có thể sản xuất, ai cũng có thể làm nhạc và đăng tải, ai cũng có thể trở thành ca sĩ, nhạc sĩ. Nhưng hãy nhìn vào Mỹ - một trong những thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới hiện giờ, mỗi nghệ sĩ tên tuổi nhất, kiếm nhiều tiền nhất đều thuộc sự quản lý của một hãng thu âm”.
Bởi thế, anh thẳng thắn: “Tôi thấy rất vui khi các hãng đĩa quốc tế vào Việt Nam, bởi họ sẽ mang theo những kinh nghiệm trong việc phát hành bài hát, quản lý nghệ sĩ, bản quyền... sẽ rất tốt cho thị trường âm nhạc chúng ta hiện giờ”.
Dương K cho rằng: “Các hãng thu âm vào Việt Nam thì nền âm nhạc có nhiều sân chơi hơn, cơ hội chia đều cho tất cả mọi người”.
Còn Slim V thì khẳng định: “Các hãng đĩa quốc tế vào thì chúng ta sẽ nâng cao chất lượng các sản phẩm, chúng ta được tham gia một cuộc chơi khác. Và lúc đó, điều nghệ sĩ quan tâm là cần làm một sản phẩm thực sự chất lượng để có thể tiến xa hơn, đó là động lực lớn cho các nghệ sĩ”.
Âm nhạc Việt Nam cần tìm lối đi riêng
Khẳng định ai cũng mong muốn tiến ra thế giới, nhưng Triple D cho rằng: “Nếu đi một mình thì khó, bởi ngành công nghiệp âm nhạc trên thế giới rất phát triển, họ chuyên nghiệp ở các khâu. Nghệ sĩ chỉ tập trung vào chuyên môn, sản xuất, còn những vấn đề khác có bộ phận khác lo”.
“Để tiến ra thế giới thì việc các hãng đĩa lớn vào Việt Nam là một trong những cơ hội lớn. Điều quan trọng hơn là chúng ta phải nâng cao chất lượng âm nhạc để có cơ hội lọt vào mắt xanh của họ” – anh nhận định.
Bên cạnh đó, việc một số nghệ sĩ Việt Nam đang kết hợp với nghệ sĩ và ê-kíp quốc tế cũng là một tín hiệu rất khả quan. Slim V nhận xét: “Hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế là điều quá tốt, là cách nhanh nhất để chúng ta có thể học hỏi từ những người chuyên nghiệp về cách xây dựng sản phẩm và đưa sản phẩm đến gần với công chúng”.
Tuy nhiên, theo Slim V: “Âm nhạc Việt Nam mới đang trên đà phát triển, mới chỉ bắt đầu. Các thị trường âm nhạc lớn thế giới thường xác định hướng đi rất rõ ràng, còn mình thì chạy theo trend chứ không cố gắng tìm cho mình cá tính, hướng đi riêng”.
“Đến một lúc nào đó, nhạc điện tử sẽ bão hòa nếu chúng ta không tìm được lối đi riêng. Yếu tố văn hóa sẽ giúp các nghệ sĩ của chúng ta đi xa hơn bởi vì mình có giỏi đến mấy thì khi ra ngoài cũng không thể giỏi hơn những người có kinh nghiệm đi trước. Khi tham gia vào cuộc chơi lớn hơn, chúng ta cần có ngôn ngữ riêng của mình, việc tìm chất riêng với ngôn ngữ của âm nhạc Việt Nam sẽ đem lại thành công cho các nghệ sĩ” - DJ Slim V nhận định.
“Tôi thích hình thức nhóm như của Bích Phương” “Tôi rất thích sự cởi mở của các bạn trẻ bây giờ, tôi thích hình thức làm việc nhóm như Dương K và Bích Phương. Thực tế là trước đây, chúng ta làm việc nhóm rất kém nhưng các bạn trẻ đang làm rất tốt điều này, đó là điều văn minh, đáng để học hỏi”. |
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất