Những giọt nước mắt của các bậc cha mẹ có con tự kỷ

Thứ Bảy, 01/04/2017 10:09 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà đã mất hơn một năm để lần theo những câu chuyện của các gia đình có con tự kỷ ở cả cả ba miền đất nước để thuyết phục họ mở lòng kể câu chuyện của mình.

Ngày mai 2/4 là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, cuốn sách Đánh thức ban mai (First News và NXB Tổng hợp TP.HCM) của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà vừa được ấn hành nhân dịp này để người đọc hiểu hơn hội chứng về tự kỷ.

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà từng là một biên tập viên sách, nhưng chị chấp nhận từ bỏ nhiều cơ hội hấp dẫn. Mất hơn một năm, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà lần theo những câu chuyện của các gia đình có con tự kỷ ở cả cả ba miền đất nước để thuyết phục họ mở lòng kể câu chuyện của mình.


Đánh thức ban mai - câu chuyện của những bậc cha mẹ có con tự kỷ, với mong muốn cộng đồng hiểu hơn về hội chứng này

Tập hợp những câu chuyện ấy lại, Đánh thức ban mai cho độc giả hiểu được nỗi niềm của những bậc làm cha mẹ đã vượt qua thời gian khủng khoảng khi đón nhận tin con họ mắc chứng tự kỷ. Họ đã phải làm gì, bằng cách nào, ruồng bỏ hay can đảm đối mặt, gục ngã hay đứng lên cùng con tìm một con đường tươi sáng hơn?

Đọc Đánh Thức Ban Mai, độc giả sẽ dễ dàng cảm nhận tiếng rung của những giọt nước mắt trong từng câu chuyện. Những giọt nước mắt của tột cùng đau khổ khi tiếp nhận con mình sẽ mang hội chứng tự kỷ suốt đời và nếu không can thiệp đúng hướng sẽ không có khả năng hòa nhập cuộc sống bình thường. Những giọt nước mắt bật ra từ niềm hạnh phúc khi đứa con tưởng chừng như câm lặng suốt đời kia cất tiếng gọi cha mẹ ơi và ánh mắt của con đã chịu dừng lại nơi ánh mắt cha mẹ đang trông đợi.

Theo Liên Hiệp quốc về tự kỷ: “Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần”.


Đánh thức ban mai với người đọc sẽ cảm nhận được sự tuyệt vọng, nuối tiếc, hối hận rồi lại gắng gượng, hy vọng của chính những người trong cuộc

Đáng tiếc, trong cộng đồng người Việt, vẫn chưa có nhiều người hiểu được điều này. Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, cho biết: “Tôi không kì vọng làm một siêu phẩm để có thể thay đổi quan điểm, sự đánh giá chưa đúng về tự kỷ đang tồn tại trong cộng đồng. Tôi đi từng bước nhỏ và cẩn trọng đối với mảng đề tài chưa được quan tâm khai thác và nhiều e ngại chỉ với hy vọng thay đổi sự kì thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người tự kỷ”.

Theo dõi tập sách nhỏ này, người đọc sẽ cảm nhận được sự tuyệt vọng, nuối tiếc, hối hận rồi lại gắng gượng, hy vọng của chính những người trong cuộc. Tất cả, đôi khi không tuân theo một quy luật diễn biến nào mà tựa như một dòng sông chảy qua mọi địa hình để đến cuối cùng vẫn tìm được ra biển cả.

Những đứa con dường như được sinh ra từ trái tim của những người mẹ. Và, khi đã làm mẹ, những người phụ nữ không được phép ốm đau, mệt mỏi, kiệt sức. Họ có sức mạnh của một siêu nhân, lòng bao dung như biển cả và sức chịu đựng như ngọn núi ngàn năm để đưa con mình đến bến bình yên. Đánh thức ban mai như một sự sẻ chia với những bậc cha mẹ không may có con mắc phải hội chứng này: Có thể, bất hạnh mang tên trẻ tự kỷ sẽ gõ cửa nhà bạn. Nếu buông xuôi, đó sẽ là nỗi buồn của cả cuộc đời. Nhưng, nếu chấp nhận cùng con chiến đấu, niềm vui sẽ ở đâu đó trong tầm tay.

 Hòa An

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›