(Thethaovanhoa.vn) - Nhụy Kiều tướng quân là vở cải lương nổi tiếng đã để lại một dấu son tuyệt đẹp cho NSƯT Diệu Hiền. Bà chuyên đóng vai đào võ với giọng ca khỏe khoắn, ngân vang. Và đường dây kịch bản bà mở ra cho nhân vật Triệu Thị Trinh cũng trở thành kinh điển cho các thế hệ sau đi theo, học tập.
1. Trong Nhụy Kiều tướng quân, NSƯT Diệu Hiền đóng vai Triệu Thị Trinh và nghệ sĩ Hoài Thanh đóng vai Lê Minh, tướng giỏi của Bà Triệu. Lê Minh tình nguyện dùng khổ nhục kế, trá hàng giặc Ngô, trà trộn vào hàng ngũ giặc tìm cách giúp cho quân của Bà Triệu đánh thắng.
Một kế sách đầy nguy hiểm, bởi thân làm nội gián một mình hoạt động không có đồng đội bên cạnh, nếu bị giặc phát hiện thì coi như chết thảm. Chính vì vậy, Lê Minh phải thuyết phục rất nhiều thì Triệu Thị Trinh mới đồng ý. Và buổi tiễn đưa giữa 2 người đã để lại một khoảnh khắc quá đẹp. Sau đó là lớp diễn lúc Lê Minh tử trận, Triệu Thị Trinh tới nơi chỉ còn kịp vuốt mắt viên tướng trẻ.
2 lớp diễn tuy cách nhau một đoạn nhỏ khoảng vài phút lúc chiến trận xảy ra, nhưng người xem vẫn có cảm giác tiếp nối liền mạch, vì vậy rung động vẫn chưa nguôi, và đẩy cảm xúc lên đỉnh điểm để trào ra nước mắt. Nhiều khán giả như tôi xem trích đoạn này tới vài chục lần, từ lúc tóc xanh cho tới khi tóc bạc, mà mỗi lần Diệu Hiền cất tiếng ca vọng cổ là tự dưng nước mắt không cầm được.
Lớp diễn trước, Triệu Thị Trinh đặt chiếc ghế mời Lê Minh ngồi, rồi rót rượu kính cẩn trao tay, tạ ơn người dám hy sinh bước vào hang ổ giặc. Diệu Hiền với tư thế uy nghi của chủ tướng, nhưng bỗng chốc mềm mại dịu dàng trong tâm thế của một người con gái tuổi cập kê, đặc biệt người con gái này là thanh mai trúc mã với Lê Minh từ thuở ấu thơ.
Tình bạn sâu nặng, tình chủ tướng trung hiếu tỏa vào ly rượu và tiếng ca, nhưng kỳ thực vẫn không giấu nổi một thứ tình len lén hòa vào. Dường như đó là tình yêu, một mối tình thầm lặng mà không ai dám bày tỏ bởi vận nước còn ngửa nghiêng.
Triệu Thị Trinh cũng là nữ giới, cũng biết mộng mơ, nhưng bà quá lo việc nước nên mộng mơ ấy đã bị nén lại, cất giấu rất kỹ, và chỉ bật ra trong phút cuối cùng đưa tiễn. Nhưng nghệ sĩ Diệu Hiền đã xử lý tình cảm ấy rất khéo, bà chỉ cho nó thoáng qua thôi, không quá yếu đuối. Tuy rằng tư thế và giọng ca có mềm mại hơn nhưng vẫn không đến mức thường tình nhi nữ, vẫn lấy tình nước làm chủ đạo. Giỏi ở chỗ đó. Khi tình riêng chỉ phảng phất như một bóng mây thì trái tim khán giả lại thổn thức hơn, bởi họ biết người trong cuộc đã phải nén nỗi niềm như thế nào, và càng nén thì người ta càng thương cảm. Nghệ thuật không hẳn cái gì cũng phải show ra cho rõ, gào thét lâm ly, mà người nghệ sĩ giỏi biết tiết chế chỉ cho tâm lý thoắt ẩn thoắt hiện đã đủ chinh phục khán giả, lại còn chinh phục một cách sâu sắc hơn.
Lê Minh cũng vậy, ông cũng phải nén tình riêng cho việc nước, nhưng lớp diễn sau thì Lê Minh thể hiện rõ hơn, bởi ông sắp lìa trần. Ông gọi tên Triệu Thị Trinh trong nghẹn ngào, đứt quãng, và rất ngọt ngào, âu yếm. Còn Triệu Thị Trinh đã gọi tên Lê Minh vang vang khắp chiến trường, vừa hy vọng, vừa tuyệt vọng, và khi bà tới nơi thì ông đã ra đi.
2. NSƯT Diệu Hiền đã độc diễn một đoạn rất dài với câu vọng cổ viết tuyệt đẹp từng lời từng chữ. Bà cất giọng lên, nước mắt khán giả rơi xuống. Trong từng chữ ấy có cả chí tang bồng hồ thỉ, có cả tiếng khóc bạn rưng rưng, có cả cái nghẹn ngào của tình yêu ly tan. Và 3 lạy của bà lần này là vĩnh viễn chia xa. Cũng chia tay, nhưng lớp diễn trước đã chuẩn bị tâm cảm cho lớp diễn sau, từ tạm biệt cho tới vĩnh biệt, bàng hoàng và nuối tiếc.
Thật sự người xem đau thắt cả lòng và nuối tiếc cho đôi trai anh hùng - gái anh thư, cứ ước giá mà họ được bên nhau… Nhưng chính vì ly tan như thế mà cuộc kháng chiến của Bà Triệu trở nên hùng tráng. Lịch sử không biết có nhân vật Lê Minh hay không, nhưng cải lương đã tạo ra một nhân vật quá hay để khắc vào trái tim người xem một tượng đài lịch sử yêu mến vô vàn. Diệu Hiền và Hoài Thanh đã khiến người ta yêu lịch sử, yêu đất nước chỉ trong 2 lớp diễn ngắn ngủi. Sứ mệnh của người nghệ sĩ thật đáng vinh quang.
Mãi cho đến năm 65 tuổi, NSƯT Diệu Hiền vẫn được yêu cầu diễn lại trích đoạn này. Bà đã diễn nó suốt mấy chục năm, và khi vóc dáng đã không còn tươi trẻ nữa thì người ta vẫn không đòi hỏi, bởi người ta mê chất giọng của bà khi cất lên câu vọng cổ khóc Lê Minh. Câu vọng cổ viết quá hay, và giọng ca của Diệu Hiền quá đẹp, thổ pha kim, có nét trong trẻo, có nét khàn khàn, đặc biệt uy lực rất mạnh đúng chất con nhà võ, mà lại rưng rưng nghẹn ngào khó tả. Giọng ca ấy đã làm thăng hoa cho vai diễn, cho nên bất chấp vóc dáng thế nào người ta cũng bị giọng ca ấy hớp hồn.
“Lê Minh ơi ngày đưa tiễn năm xưa ta có hẹn khúc khải hoàn ca uống chung rượu đào thưởng công người dũng tướng. Sao người vội bỏ ra đi khi lửa đao binh vừa tắt lịm giữa sa… trường”. Khi đến câu “Da ngựa bọc thây cơn quốc biến, tang bồng hồ thỉ vẹn tình trai” thì bà chuyển hơi Bắc nghe thật tuyệt vời, có chất mạnh mẽ, bi tráng chen lẫn vào những câu ngọt ngào rơi nước mắt. Thật sự không bao giờ có ai diễn và ca hay như NSƯT Diệu Hiền trong vai Triệu Thị Trinh.
(Còn nữa)
Hoàng Kim
Tags