(Thethaovanhoa.vn) - Với chuỗi triển lãm Đà Lạt mộng mơ 2022 tại 7 không gian chính và nhiều sự kiện tương tác khác, tuần lễ nghệ thuật đương đại Nổ cái bùm lần thứ 2 diễn ra tại Đà Lạt từ ngày 1 đến 5/4, với hơn 100 nghệ sĩ nội địa và quốc tế tham dự.
Ngoài chuỗi triển lãm và thảo luận, lần này còn có âm nhạc thể nghiệm, chiếu phim, nghệ thuật trình diễn, kịch nói, cải lương…
Sau tuần lễ lần đầu rất thành công tại Huế vào năm 2020, Nổ cái bùm dự kiến sẽ làm thường niên, nhưng do đại dịch Covid-19 nên phải tạm hoãn. Sau 2 năm mới trở lại, mà giờ có hơn 100 nghệ sĩ đăng ký tham dự, nhiều người trong số này rất nổi tiếng, quả là một tin vui cho nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Chương trình do Sao La, Hey Storm, Symbioses, NEST Studio và Mơ Đơ phối hợp tổ chức, được sự hỗ trợ nhiệt thành của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Chương trình cũng được sự ủng hộ của Nhà Sàn Collective, Sàn Art, A Sông, Morua Arts Project - MAP, Đom Đóm, DocLab, Bà-Bầu Air, Heritage Space, Phụ Lục, Then Café, các thành viên của Group of Ten và Gang of Five… Ngoài các không gian tư nhân, Nổ cái bùm nhận được sự tài trợ cởi mở về không gian của Đại học Đà Lạt, Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng, Nhà triển lãm Hòa Bình, Trung tâm VHNT tỉnh Lâm Đồng (dinh Tỉnh trưởng), Cung Văn hóa Thiếu nhi…
Phải chạy đua để thưởng thức
Khó mà liệt kê đầy đủ các sự kiện tương tác với Nổ cái bùm lần này, vì tính ngẫu hứng và ứng biến phong phú của nó. Nhìn vào lịch trình dày đặc, với dự kiến hơn 5.000 lượt khách tham dự, chắc chắn phải chạy đua mới kịp thưởng thức hết các sự kiện chính.
Vào lúc 15h ngày 2/4 tại Rạp Hòa Bình (Đà Lạt) chiếu phim Vào đời, đây là tác phẩm mới của nhà làm phim thể nghiệm Síu Phạm, vừa ra mắt tại Hà Nội vào tối 31/3. Sự kiện này dành cho khán giả trên 18 tuổi. Nội dung phim kể về hai thiếu niên phải vào đời sau cái chết đột ngột của cha mẹ mình, họ cũng mất luôn sự trinh trắng để trở thành người lớn.
Vào lúc 19h30 ngày 3/4 tại Phố Bên Đồi (10 Lý Tự Trọng) là sự kiện Nổ cái đom đóm, chuyên về âm nhạc thể nghiệm, với sự tham gia trình diễn của Trần Kim Ngọc, Hà Thúy Hằng, Tuấn Nị, Hoài Anh, Nguyễn Quốc Hoàng Anh… Điểm chung của họ là luôn nỗ lực tìm hiểu và thực hành nghiêm túc về âm nhạc thể nghiệm, với các phương thức biểu đạt độc đáo và độc lập.
Trước đó một chút, vào lúc 17h ngày 3/4 tại Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, ngôi sao nhạc thể nghiệm là Trí Minh sẽ có buổi trình diễn cá nhân mang tên Ánh trăng. Trên nền giao hưởng phương Tây, Trí Minh mang đến một sự kết hợp táo bạo, quyến rũ với âm nhạc truyền thống Việt Nam và cả những thanh âm của đời sống tự nhiên, của sinh hoạt đời thường.
Vào ngày 5/4, lúc 13h30 tại Rạp Hòa Bình sẽ chiếu các phim Lễ trưởng thành của Ê-đi-xơn (2019, 21 phút) của Phạm Hoàng Minh Thy và Hai thế giới (1953, 61 phút) của Phạm Văn Nhận, cũng như trò chuyện cùng đạo diễn Việt Linh. Đây là hoạt động có tính liên kết về tư duy làm phim trong hành trình lịch sử điện ảnh gần 70 năm, từ 1953 đến 2019.
Với hơn 100 nghệ sĩ và người làm sáng tạo đăng ký tham gia Nổ cái bùm, chương trình nhận thấy có 66% nghệ sĩ dưới 35 tuổi và chưa có nhiều dịp được tiếp cận công chúng. Ngoài đưa tác phẩm đến với công chúng, việc họ cọ xát với những gương mặt kỳ cựu, giàu kinh nghiệm như Phạm Văn Nhận, Nguyễn Thị Minh Ngọc, NSƯT Hải Phượng, Nguyễn Trinh Thi, Síu Phạm, Việt Linh, Trần Kim Ngọc, Nguyễn Mạnh Hùng, Le Brothers, Trí Minh, Nguyễn Như Huy, MPK, Nguyễn Trần Ưu Đàm… cũng sẽ giúp cho tay nghề, bản lĩnh sáng tạo của họ được phát huy nhiều hơn.
Tương tác nhiều loại hình
Về mặt thể loại, có hơn 57% số tác phẩm được thực hiện dưới hình thức âm nhạc/trình diễn thể nghiệm và video. Bên cạnh một số triển lãm và chiếu phim như đã đề cập, còn có tuồng cải lương Bóng người xưa (kịch bản - đạo diễn: Nguyễn Thị Minh Ngọc), kịch nói Giấc mơ người coi chim (đạo diễn: Tây Phong) để tạo sự tương tác về loại hình, học hỏi lẫn nhau.
Tất cả triển lãm và sự kiện của Nổ cái bùm đều do nghệ sĩ tự làm chủ nội dung, cách trình bày. Họ cùng làm việc, trao đổi và thỏa thuận với các đồng nghiệp khác trong chương trình. Giám tuyển không đóng vai trò quyết định về chủ đề chính, về danh sách nghệ sĩ hoặc tác phẩm triển lãm.
Đồng thời, lịch trình của 5 ngày lễ hội cũng vô cùng phong phú với nhiều hoạt động thể thao, workshop, trò chuyện nghệ thuật, tìm hiểu sinh thái, di tích… Nói chung, đây là một chương trình xuất phát từ nhu cầu của chính nghệ sĩ, nơi họ muốn tìm kiếm cơ hội thực hành với nhau, để cùng tổ chức một tuần lễ nghệ thuật thật sự ưu tiên cho sáng tạo và đổi mới.
Phần lớn kinh phí tổ chức Nổ cái bùm là do cộng đồng góp sức. Ngoài ra, có các Mạnh Thường Quân, các nhà sưu tập, quỹ và doanh nghiệp địa phương cũng đứng ra hỗ trợ chỗ ở và một phần chi phí tổ chức. Tất cả chương trình gần như không bán vé, không bán tác phẩm và cũng chưa có kế hoạch bán trong tương lai. Nếu các nghệ sĩ muốn bán tác phẩm để gây quỹ cho Nổ cái bùm thì đó là chủ ý của riêng họ.
“Tình bạn giữa các nhóm nghệ sĩ là một trong những yếu tố tiên quyết để phát triển nền nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Chúng tôi cởi mở với tất cả nghệ sĩ trong nước. Hầu như chưa có một tuần lễ nghệ thuật nào quy tụ được đông đảo các nghệ sĩ và collective (nhóm nghệ sĩ) đương đại đến từ nhiều vùng miền với thực hành đa dạng và tự do như vậy ở Việt Nam” - giám tuyển Lê Thiên Bảo (của tổ chức Symbioses) cho biết.
Vài con số ấn tượng Hơn 100 nghệ sĩ tham dự. 7 điểm triển lãm chính. 10 buổi văn nghệ quần chúng (chiếu phim, ca nhạc, múa, cải lương, trình diễn…). 2 workshops và trò chuyện với người làm nghệ thuật. 1 chuyến điền dã cho nghệ sĩ. 1 trại nghệ sĩ. Dự kiến sẽ có hơn 5.000 lượt người đến xem. |
Văn Bảy
Tags