(Thethaovanhoa.vn) – Xung quanh loạt bài "Nở rộ áo dài cách tân" đăng tải trên báo điện tử Thể thao & Văn hóa thời gian qua, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết quan điểm: "Tôi không phản đối hay ủng hộ cho dù tôi không thích những bộ trang phục đó" bởi thực tế việc lựa chọn bộ trang phục là sở thích của mỗi cá nhân.
- Chuyện về chiếc 'áo dài quyền lực'
- Người đẹp Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017: Hết nóng bỏng bikini, lại khoe dáng trong áo dài
- NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam mang áo dài Việt Nam đến Tuần lễ thời trang Paris
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nhìn nhận rằng đó là một thị trường, mà đã là thị trường thì không thể cấm được hay phán xét tiêu cực với những bộ áo dài cách tân đó.
Đỗ Trịnh Hoài Nam nói: "Bởi tôi vẫn muốn những bộ áo dài được đa dạng hơn thay vì những mẫu áo mặc nhầm nhầm ngoài đường như đồng phục. Đây là điều tất yếu bởi sự giao thoa văn hóa, tính thương mại và sự đa dạng của thị trường.".
"Xuân 2017, trước những ý kiến phản ứng rất gay gắt hay cay ghét khi nói về những bộ áo dài cách tân kiểu "nửa tây nửa ta" xuất xứ từ Trung Quốc, tôi cũng đã không phản đối ra mặt bằng cách chỉ trích, bởi tôi thấy rằng nó cũng tạo ra một thị trường và văn hóa truyền thống vẫn được cảm nhận nhiều hơn" - anh chia sẻ.
"Đặc biệt những mẫu áo dài cách tân đó chỉ nở rộ trong dịp Tết, còn sau đó người tiêu dùng vẫn lựa chọn về truyền thống, những giá trị của văn hóa áo dài Việt Nam vẫn được đón nhận”- NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nhấn mạnh.
"Chính vì thế, trong một năm qua tôi đã mở rất nhiều lớp về cách thiết kế áo dài cho các chủ cửa hàng may đo hay các NTK trẻ để tạo ra một lớp các NTK. Hay nói cách khác là tạo thêm các NTK áo dài để họ có chuyên môn cũng như thẩm mỹ, nhằm tạo ra nhiềubộ áo dài với mẫu mã đa dạng với nhiều kiểu dáng mang tính truyền thống, phù hợp với người Việt, nhưng đồng thời cũng có giá thành đa dạng để phục vụ cho nhu cầu của thị trường” - anh giãi bày với PV báo Thể thao & Văn hóa.
Tết 2018: Màu đỏ và style 'Cô ba Sài Gòn' sẽ lên ngôi
Theo Đỗ Trịnh Hoài Nam, Tết 2018 năm nay, những mẫu áo dài cách tân xuất xứ Trung Quốc vẫn sẽ xuất hiện trên thị trường. Giá thành rẻ, mẫu mã lạ mắt, đa dạng, nhưng thường chỉ là cho những người tiêu dùng ít tiền, như những bạn trẻ mới lớn hay những người ở khu vực có thu nhập thấp.
Còn những mẫu áo dài truyền thống đặc biệt theo xu hướng Cô Ba Sài Gòn -một bộ phim được truyền thông rất nhiều vì ngành áo dài cũng được mọi người rất yêu thích và ưa chuộng.
“Có lẽ năm nay sẽ nhiều người mặc áo dài truyền thống bởi những bộ phim thường tạo ra xu hướng một cách nhanh nhất và được nhiều người ủng hộ” - NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nhấn mạnh: "Đặc biệt, Tết 2018, áo dài màu đỏ sẽ vẫn là được ưu chuộng nhiều nhất, bởi theo quan niệm của nhiều người, áo đồng màu đỏ vẫn mang lại nhiều may mắn"
"Đúng là áo dài truyền thống khó mặc hơn áo dài cách tân, bởi áo dài được gọi là áo dài truyền thống thì sẽ mặc vào những dịp truyền thống như: lễ, Tết, cưới hỏi… mang tính truyền thống thì rất phù hợp.
Xu hướng hiện nay khi đi đám cưới chỉ có rất ít người mặc những bộ đầm mà đa số mọi người mặc áo dài nhiều hơn bởi nó phù hợp với văn hóa truyền thống.
Chính vì áo dài có chức năng riêng của nó, nên khi mặc cưới hỏi rồi thì không thể mặc nhiều thời điểm. Ví như chúng ta không thể mặc một bộ váy dạ hội sau đó vừa đi làm và mặc cả đi ngủ thì điều đó là…vô lý” – Đỗ Trịnh Hoài Nam trần tình thêm.
Báo điện tử Thể thao & Văn hóa khép lại loạt về "áo dài cách tân" với quan điểm mở. Bởi "gu" mặc và văn hóa sẽ quyết định bộ trang phục của mỗi người....
Hoài An (ghi). Ảnh: Internet
Tags