"Nobel kiến trúc" 2009: Nhà nguyện hay kho chứa tên lửa?

Thứ Bảy, 30/05/2009 09:48 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Hôm qua, kiến trúc sư (KTS) Thụy Sĩ Peter Zumthor đã nhận giải Pritzker 2009 tại Buenos Aires (Argentina). Nhưng cũng vì sự kiện này, cuộc tranh cãi về nhà nguyện Brother Klaus của ông lại nổi lên, bởi trong khi công trình kiến trúc táo bạo đó được giới chuyên môn đánh giá cao thì người dân địa phương lại chê rằng nó giống một kho chứa tên lửa.

 Kiến trúc sư Thụy Sĩ Peter Zumthor
Thật ra nhà nguyện nhỏ bé này đã gây nhiều ý kiến trái chiều từ khi mới xuất hiện ở làng Wachendorf, vùng ngoại ô Cologne (Đức), hồi năm 2007 và điều đó cũng góp phần khiến nó trở thành một điểm thu hút du khách. Giờ đây, công trình này lại trở thành tâm điểm tranh cãi sau khi Peter Zumthor (66 tuổi) đoạt giải Pritzker - được coi là Nobel của làng kiến trúc. Bởi trong số những tác phẩm giúp ông đoạt giải thưởng cao quý này dĩ nhiên có nhà nguyện nói trên.

Nhà nguyện “tư nhân” trở thành công trình công cộng

Tôn vinh Thánh Nicholas of Flue (vị thánh bảo hộ của Thụy Sĩ), người mà các môn đồ gọi là Brother Klaus, nhà nguyện này được một nông dân bản địa có tên Hermann-Josef Schedweiler ủy quyền cho Zumthor xây dựng. Năm 1999, Schedweiler đề nghị KTS người Thụy Sĩ thiết kế một nơi để cầu nguyện và coi đây như cách cảm ơn cuộc đời đã đem lại cho mình sự thành đạt. Nhưng sau đó, nhà nguyện “tư nhân” này đã biến thành một công trình công cộng khi cứ mỗi dịp cuối tuần lại có hàng trăm du khách từ xa tới Wachendorf để được chiêm ngưỡng tác phẩm kiến trúc độc đáo của Zumthor.


Nhà nguyện Brother Klaus
 
Cũng vì thế nó gây không ít phiền toái cho người dân nơi đây. Bà Sylvia Prast than phiền: “Trước khi nơi này có những bảng chỉ đường đến nhà nguyện, chuông cửa nhà tôi reo cả ngày vì người ta tới hỏi đường”. Chưa kể việc giờ đây Sylvia và chồng là Egon phải thay đổi thói quen đi dạo cùng những chú chó cưng vào dịp cuối tuần, vì những con đường xung quanh nhà nguyện quá đông đúc. “Sự yên bình trong ngôi làng đã thực sự bị phá vỡ. Việc đi xe máy ở đây cũng trở nên khó khăn khi du khách tràn ngập trên đường. Người ta chẳng thèm quan tâm tới các biển báo giao thông và cứ thế mà đi. Thật là lố bịch”, Egon Prast phàn nàn.

“Nên thơ” hay “dữ dằn”?

Britta Dubilier sống tại Cologne nhưng thường xuyên tới nhà nguyện này bởi ở đây, chị tìm được sự bình an, đặc biệt là những lúc không đông người. “Công trình này thật đặc biệt vì mái thông nên ánh sáng dễ dàng xuyên qua đó hoặc bạn có thể nghe được tiếng gió và mưa rơi. Bước chân vào nơi đây, tâm hồn ta trở nên tĩnh tại”.


Bên trong nhà nguyện  và nóc nhà nguyện nhìn từ bên trong

Ủy ban giải Pritzker đã ca ngợi công trình của Zumthor là “nên thơ” và “bất tận” khi họ quyết định trao giải cho ông. Nhìn từ bên ngoài, nhà nguyện này thật sơ sài và đơn giản, với những bức tường thẳng đứng bằng xi măng màu cát. Nhưng khi vào bên trong, một đường hầm xoắn sẽ dẫn du khách tới căn phòng cầu nguyện trông giống như chiếc hang, nơi phía trên hẹp lại và có giếng trời.

Một người đàn ông đã lái ô tô từ Brussels (Bỉ) tới thăm công trình này cùng con gái khi cô muốn có một chuyến đi ý nghĩa nhân ngày sinh của mình. “Chúng tôi đã nghe nói nhiều về nhà nguyện của Peter Zumthor. Con gái cả của tôi là một KTS và cháu khuyên tôi nên tới đây để thưởng ngoạn. Thật tuyệt vời”, người đàn ông này nói.

Nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy. Người dân địa phương kể rằng ban đầu gia đình Schedweiler muốn xây dựng nhà nguyện bằng đá với hình dáng quen thuộc, nhưng kết quả là một công trình trông thật “dữ dằn” đã ra đời. “Hầu hết người dân trong làng đều nói rằng trông nó giống một boong-ke hay kho chứa tên lửa. Có thể công trình này có giá trị đối với những người quan tâm tới kiến trúc. Nhưng với người dân thường thì thật lố bịch khi gọi đây là nhà nguyện”, bà Sylvia bày tỏ.

Lương Tuấn Vĩ
 

 

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›