(Thethaovanhoa.vn) - Tôi gặp Đại tá Đặng Xuân Hải từ khi anh đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khóa VII và tái đắc cử khóa VIII đương nhiệm trong nhiều cuộc họp về văn hóa, văn nghệ. Cảm nhận đầu tiên của tôi về anh là sự giản dị, điềm đạm, chân thật, hồn hậu, có phần lặng lẽ và còn khá kiệm lời. Hình như nụ cười nhủm nhỉm, ánh mắt thân thiện từ anh đã thay cho ngôn ngữ giao tiếp. Chỉ khi trao đổi chuyên môn, mới thấy anh hồ hởi bộc lộ chính kiến, quan điểm rất thẳng thắn đậm chất lính.
Không phải ai cũng biết, anh là người ghi chép sử bằng phim tài liệu, từng có mặt ở nhiều mặt trận ác liệt, nóng bỏng nhất vào những giờ phút lịch sử trọng đại nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thực hiện nhiều bộ phim điện ảnh tài liệu có giá trị lịch sử, văn hóa.
Khởi nghiệp năm 1966 với nhiệm vụ phóng viên quay phim chiến trường, tính đến năm 1997, nghệ sĩ Đặng Xuân Hải là tác giả, đồng tác giả của hơn 10 bộ phim tài liệu điện ảnh có giá trị ở cả vai trò người quay phim và đạo diễn điện ảnh tài liệu.
Những tác phẩm phim tài liệu của anh là nguồn tư liệu đã được lưu trữ; đã vinh dự có mặt trong hầu hết các kênh phim truyền hình nhân các sự kiện lịch sử của đất nước thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như: Tập ảnh Thừa Thiên, Vài hình ảnh chiến thắng xuân 1968, Chiến thắng lịch sử Xuân 1972, Quân dân Trị Thiên tấn công và nổi dậy, Chiến thắng lịch sử xuân 1975, Cuộc đụng đầu lịch sử, Thị xã vẫn yên tĩnh, Nước mắt nụ cười, Đường mòn Hồ Chí Minh - Đường Trường Sơn, Mùa Xuân toàn thắng, Cột mốc vàng Điện Biên Phủ… Những bộ phim điện ảnh tài liệu do anh quay và đạo diễn có giá trị lịch sử, gắn với từng chặng đường đất nước và đoạt nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.
Từ chiến trường Trị Thiên - Huế khói lửa
NSND Đặng Xuân Hải sinh ngày 19/10/1944 ở thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tháng 4/1963, chàng trai làng Hành Thiện Đặng Xuân Hải nhập ngũ khi vừa bước vào tuổi 19. Sau thời gian huấn luyện ở miền Bắc, năm 1964, anh vào chiến trường Trị Thiên - Huế.
Đơn vị nhận thấy tố chất nghệ sĩ ẩn trong vẻ ngoài hiền hậu, điềm đạm, ít nói. Trước yêu cầu đào tạo phóng viên quay phim chiến trường, năm 1966, đơn vị cử chiến sĩ Đặng Xuân Hải theo học lớp quay phim cấp tốc tại mặt trận Trị Thiên - Huế do nhà quay phim Tô Cương trực tiếp hướng dẫn. Anh chăm chỉ học hành, tiếp thu nhanh, luôn khao khát quay được những thước phim chiến trường nóng hổi tính thời sự.
Chiến trường là môi trường thử lửa, thử sức người chiến sĩ - nghệ sĩ. Con đường nghệ thuật của anh bắt đầu từ đó (năm 1966). Bộ phim tài liệu đầu tay Tập ảnh Thừa Thiên do anh quay với bút danh Nam Hải. Hoàn thành năm 1967, chất liệu chiến trường Thừa Thiên được thu vào ống kính hết sức chân thực. Bộ phim đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ I (năm 1970).
Sau bộ phim Tập ảnh Thừa Thiên với những bước đi chập chững ban đầu, phóng viên Đặng Xuân Hải không ngừng rút kinh nghiệm, vượt qua sự ghi chép đơn thuần để những thước phim anh thực hiện có chiều sâu về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật. Sự mở đầu có thể còn non lép, nhưng chính điều đó cho anh thêm trân quý thực tiễn và càng có ý thức tích lũy kinh nghiệm để hiện thực hóa nó trong những tác phẩm sau.
Những cảnh quay trả bằng máu ở Đại nội Huế
Về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Xưởng phim Quân đội tiên phong để có bộ phim tài liệu đầu tiên Vài hình ảnh chiến thắng đầu Xuân 1968 (kịch bản và đạo diễn Dương Minh Đẩu) do Đặng Xuân Hải với bút danh Xuân Thảo cùng tổ quay phim quay. Anh trực tiếp cầm máy quay cảnh kéo lá cờ ở Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), quay những trận đánh trên đường phố nội thành Huế...
Cuộc chiến ngày càng ác liệt, chiến sĩ quay phim Đặng Xuân Hải luôn trong tư thế sẵn sàng nhanh chân chạy, dẻo tay máy để quay những thước phim sống động nhất. Sau sau 7 ngày quay cật lực đến cảnh quay bộ đội tấn công vào sân bay Tây Lộc ở nội thành Huế thì chiến sĩ quay phim Đặng Xuân Hải bị thương nặng ở trong Đại nội Huế. Lúc đó, trên tay anh chiếc máy vẫn quay cho đến khi người chiến sĩ ngã ngất.
Mỗi khi nhắc lại sự kiện Mậu Thân 1968, ký ức hiện lên trong anh như cuốn phim đang tua lại: “Ở Huế, quân và dân ta hoàn toàn làm chủ thành phố, đánh lui hàng trăm đợt phản kích của địch. Chúng tôi cố gắng vừa di chuyển theo những cánh quân, vừa phải bấm máy liên tục. Gian khổ, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Nhưng nhiệt huyết tuổi 20 khiến chúng tôi quên hết mệt nhọc, chỉ tập trung vào nhiệm vụ của phóng viên chiến trường là làm sao ghi được những hình ảnh quý giá nhất về sự kiện lịch sử này. Cảnh quay trong nội thành Huế là khó khăn nhất. Rất tiếc là tôi đã bị thương nặng tại Đại Nội Huế...”
Đồng đội anh lại cầm máy quay lên quay tiếp để cuối cùng tập hợp tư liệu đã có bộ phim tài liệu điện ảnh giàu hình ảnh chân thực, phản ánh một sự kiện lịch sử lớn lao của dân tộc.
Thành công ban đầu của bộ phim thể hiện nỗ lực, sáng tạo của từng thành viên trong ê kíp làm phim, trong đó phải kể đến chiến sĩ quay phim Đặng Xuân Hải. Bộ phim Vài hình ảnh chiến thắng Xuân 1968 đã đoạt giải Bông sen Vàng và giải Nhất cho người quay phim tại LHP Việt Nam lần thứ II (năm 1973) tổ chức tại Hà Nội. Tác phẩm được nhận giải thưởng, nhưng là người cầu thị, anh chân thành nhận thấy còn có nhiều điều tiếc nuối, giá như có kinh nghiệm, giá như không bị thương, giá như… thì… Vì thế, ê kíp thực hiện bộ phim đầu tiên và duy nhất về cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968 đặt tựa đề khá khiêm tốn “vài hình ảnh”: Vài hình ảnh chiến thắng Xuân 1968.
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, nâng cao trình độ chuyên môn, năm 1968, đơn vị cử Đặng Xuân Hải ra Hà Nội học quay phim tại Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Sau khi hoàn thành khóa học, năm 1972, anh trở lại chiến trường Quảng Trị và cùng đồng đội thực hiện bộ phim tài liệu phóng sự: Quân dân Trị Thiên tấn công và nổi dậy và phim tài liệu Chiến thắng lịch sử Xuân 1972.
Bộ phim Chiến thắng lịch sử Xuân 1972 ghi lại hình ảnh chân thực chiến dịch Quảng Trị và cuộc chiến đấu ác liệt kéo dài suốt 81 ngày đêm (từ ngày 28/6/1972 đến 16/9/1972), giành giật với kẻ thù từng tấc đất.
Chiến thắng lịch sử Xuân 1972 đã được nghệ sĩ Đặng Xuân Hải và đồng nghiệp thể hiện bằng những thước phim chân thực, sống động phải đổi bằng xương máu mới có được. Bộ phim đã đoạt Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ II (năm 1973).
Hình ảnh chiến thắng lịch sử xuân 1975
Người nghệ sĩ - chiến sĩ Đặng Xuân Hải có một vinh dự lớn được nhận một nhiệm vụ đặc biệt tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Anh vẫn bồi hồi, xúc động mỗi khi nghĩ lại giờ phút trọng đại, thiêng liêng được cầm máy quay cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn.
“Khi chúng tôi về đến Dinh Độc Lập là 12h30 ngày 30/4. Do bị trễ thời gian nên không quay được cảnh xe tăng húc đổ cửa Dinh Độc Lập. Mặc dù rất tiếc không quay được cảnh này, nhưng đạo diễn Trần Việt đã liên hệ với Ban phụ trách quân quản của Dinh Độc Lập bố trí cho chúng tôi quay toàn bộ nội các Dương Văn Minh. 1 máy quay chính của tôi và của anh Bùi Xuân Viện được huy động để quay những cảnh này… Hơn 6h chiều ngày 30/4, mặt trời đã lặn, không đủ ánh sáng để tiếp tục quay, tổ làm phim mới dừng công việc. Lúc đó, mọi người mới nhớ ra đã nhịn đói từ đêm hôm trước” (Dẫn theo bài Đại tá, NSND Đặng Xuân Hải - người “chép sử bằng hình” ngày 30/4/1975 trên báo Quân đội Nhân dân).
Những thước phim quý giá quay trên đường tiến về thành phố Sài Gòn, quay toàn bộ nội các Dương Văn Minh đầu hàng trong Dinh Độc Lập, đã trở thành nguồn tư liệu vô cùng quý giá về sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975. Sản phẩm quay phim của nghệ sĩ Đặng Xuân Hải cùng các đơn vị của Điện ảnh Quân đội đã là nguồn tư liệu sinh động, chân thực để sau này ê kíp làm phim đã sử dụng làm nên thành công của phim tài liệu Chiến thắng lịch sử Xuân 1975. Đây là bộ phim tài liệu có giá trị lịch sử vô giá, khái quát toàn bộ quá trình diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu trận mở màn Phước Long tiến về Sài Gòn; tổng kết, đánh giá cả một giai đoạn chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt của quân dân ta đi đến thắng lợi vẻ vang. Bộ phim Chiến thắng lịch sử Xuân 1975 xứng đáng nhận giải thưởng Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ IV (năm 1976) tổ chức tại TP.HCM.
Mỗi khi nhớ lại thời điểm vào nghề, anh vẫn tự hào mình là người may mắn có mặt ở cả 3 mốc quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, mặt trận Quảng Trị đỏ lửa năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 và được cầm máy quay cả 3 sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags