NSND Ngô Mạnh Lân: Một đời thành đạt

Thứ Năm, 15/05/2014 08:45 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: PGS-TS, NSND Ngô Mạnh Lân được xem là cây đại thụ trong làng hoạt hình Việt Nam. Với 60 năm làm nghề, ông đã dành khá nhiều công sức cho đồ họa và điều này được thể hiện trong triển lãm Tranh đồ họa Ngô Mạnh Lân đang diễn ra tại Nhà triển lãm mỹ thuật (16 Ngô Quyền, Hà Nội)  kéo dài đến 23/5.

TT&VH giới thiệu bài viết của họa sĩ Đỗ Đức về NSND Ngô Mạnh Lân.

1. Có một chuyện bất ngờ là tôi không biết Ngô Mạnh Lân là họa sĩ được đào tạo thiết kế điện ảnh ở Liên Xô cùng lứa với Lê Thanh Đức, Trần Lưu Hậu (tuy Lê Thanh Đức sinh năm 1925, nhưng Ngô Mạnh Lân lại sinh năm 1934).

Tôi đã xem những bức sơn dầu ông vẽ tại Nga những năm đầu 1960 đẹp choáng luôn. Hứa hẹn một cây bút hội họa có hạng. Vậy mà khi về nước từ 1962 ông đã nhập ngay vào ngành phim hoạt hình non trẻ vừa mới thành lập trước đó một năm. Và rồi gắn bó sự nghiệp của mình ở đó cho đến lúc nghỉ hưu.

Số phim ông đã làm là 17, số truyện tranh ông vẽ là trên 30 cuốn. Đó là những đóng góp chính từ nghề của ông suốt thời bao cấp. Nhớ là thời ấy, công việc “thổ mộc” là chính, không có sự trợ giúp của thiết bị nào, mới thấy số lượng đó không nhỏ.


Tranh Ông Gióng trong triển lãm

Hỏi ông về kỷ niệm nghề nhớ nhất thì đó là phim hoạt hình Ông Gióng. Từ kịch bản phim của Tô Hoài năm 1964 mà 4-5 năm sau mới hoàn thành. Năm ấy đất nước bắt đầu vào chiến tranh. Vì làm đạo diễn, ông được một thứ trưởng Bộ Văn hóa gợi ý: nên đưa thêm hình ảnh về hầm chông và những cạm bẫy mà quân giải phóng đã sử dụng đánh Mỹ vào cho hình ảnh phim phong phú, thêm sức mạnh cho Ông Gióng.

Là đạo diễn, ông không nghĩ thế, dù là dã sử nhưng câu chuyện về Gióng, tầm thật lớn nhưng chiến đấu cũng thật giản dị. Lớn là ở chỗ ấy. Chỉ cây tre thôi cũng góp phần diệt giặc, cây tre Việt Nam chính là ý chí của dân tộc, thế là quá đủ, còn cần thêm thắt gì nữa! Nếu đưa những cái mẹo vặt của chiến tranh nhân dân hiện thời vào thì phim trở nên thô thiển, phá vỡ hết không gian huyền thoại. Nghĩ vậy mà không dám cãi ý kiến chỉ đạo.

Vì cái nhùng nhằng chưa thông đó, cộng thêm vụ 5/8 vịnh Bắc Bộ, mở đầu chiến tranh không quân của Mỹ ra miền Bắc, phim tạm gác lại. Trong thời gian đó ông cũng kịp làm những phim như Con sáo biết nói, Cái Tết của mèo con chiếm được cảm tình của cả một thế hệ tuổi thơ. Gần 4 năm sau, hồ sơ phim Ông Gióng được lật lại thì một đồng chí cao cấp trong Đảng gọi đạo diễn lên dặn: Dù là dã sử nhưng khi làm trang phục đám giặc cũng đừng lấy y phục giống họ, “cục bướu” của họ cũng to lắm đấy.

2. Nhắc lại những kỷ niệm như vậy để thấy những “chiến sĩ trên mặt trận nghệ thuật” cũng chưa hẳn dễ dàng dùng vũ khí toàn năng, mà vẫn luôn phải dè chừng từ chỉ đạo. Mới thấy cái khó khăn của sự sáng tạo nhường nào.

Tuy vậy, bộ phim Ông Gióng do ông làm đạo diễn sau đó đã được giải Bồ câu vàng Liên hoan phim quốc tế tại Leipzig 1971 và Bông sen vàng Liên hoa phim toàn quốc 1973.

Triển lãm lần này, vào tuổi 80 như là sự nhìn lại con đường lớn ông đã đi qua. Với 60 năm làm nghề đeo đẳng với phim hoạt hình là chính, ông còn tham gia vẽ tem, làm tranh khắc gỗ, áp-phích cổ động, minh họa, làm bìa sách, vẽ tranh  truyện, rất đa năng.

Ông sống thật hiền từ, luôn luôn cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Ông cũng rất ít nói. Lúc nào trên môi cũng mủm mỉm một nụ cười hiền hậu. Cuộc sống trên những tác phẩm ông tạo ra cũng giống như tính cách ông. Thấy một loạt tranh vẽ Ông Gióng bày trong triển lãm tôi tưởng vẽ phân cảnh, nhưng hỏi ra mới biết ông vẽ đi vẽ lại nhiều hình ảnh đó chỉ vì thích nhân vật Ông Gióng. Tôi ngắm những tranh ông bày trong triển lãm, thầm kính phục sự miệt mài cẩn trọng trên từng nhát bút, kỹ lưỡng đến từng chi tiết, điều đầu tiên mà họa sĩ đồ họa phải nghĩ đến. Ông đã rất xuất sắc về chuyện này.

Để chúc mừng triển lãm đánh dấu một đời làm nghề, tôi chỉ biết gửi lời cảm phục chúc mừng ông qua bài viết và trân trọng sự vẹn toàn sự nghiệp của ông. Thực sự Ngô Mạnh Lân đã có một sự nghiệp đầy đặn, mà chỉ có chí cốt với nghề mới có thể có được!

Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›