(TT&VH Cuối tuần) - Hơn nửa thế kỷ gắn với sân khấu, nơi ông đã gặt hái đủ mọi vinh quang. Nhưng phải tới ngày 14, 15/5 này, “đệ nhất danh hài”, NSƯT Bảo Quốc mới thực hiện live show đầu tiên và cũng là duy nhất mà ông gọi là “một tiếng cười góp với nhân gian”.
* Năm 2009, live show 50 năm vui cười cùng sân khấu trên đất Mỹ của ông đã được khán giả hải ngoại rất ủng hộ. Nhưng đến hôm nay, ông mới quyết định tổ chức live show trong nước, so với những bạn bè đồng nghiệp cùng thời thì live show này đến hơi trễ…
- Live show 50 năm mà bạn nói, thực ra tôi không xem là live show chính thức của mình. Lần đó tôi sang Mỹ thăm các con nhằm ngay dịp Father’s Day (Ngày của cha), con gái tôi, Hồng Loan, muốn tổ chức một chương trình biểu diễn cho tôi xem như là một món quà báo hiếu. Tôi cũng nhân chương trình để cám ơn ba má mình, cám ơn chị Thanh Nga - những người thân trong gia đình đã sinh thành, dạy dỗ, vun đắp cho tôi, cám ơn sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga là sự nghiệp của cả gia đình.
Còn lần này mới thực sự là live show đúc kết chặng đường hơn 50 năm đã qua. Đây xem như là live show “để đời” vì sẽ chỉ diễn ra duy nhất lần này mà thôi.
* Một live show với ý nghĩa đặc biệt như vậy chắc hẳn ý tưởng dàn dựng cũng phải đặc biệt?
- Tôi cho rằng đây là một live show lạ. Không đơn thuần là một chương trình biểu diễn bình thường mà thông qua trải nghiệm của bản thân tôi muốn gửi gắm những thông điệp, rằng: một nghệ sĩ muốn tồn tại lâu dài, muốn được khán giả yêu thương thì ngoài tài năng còn phải có những phẩm chất gì, phải làm gì để giữ được tài năng đó cũng như tình cảm của khán giả; tôi cũng gợi lại sân khấu cải lương ngày xưa như thế nào và thực trạng bây giờ ra sao, từ đó hy vọng người nghệ sĩ cải lương có thể rút ra kinh nghiệm nào đó nuôi hy vọng đưa cải lương trở lại như xưa… Hình thức sân khấu trở về cách dựng cảnh trí như cải lương xưa chứ không dùng màn hình LED thay thế cảnh trí như nhiều live show cải lương gần đây.
NSƯT Bảo Quốc (sinh năm 1949, quê ở Tây Ninh) là con trai của ông Lư Hòa Nghĩa, tức danh ca Năm Nghĩa, và bà Nguyễn Thị Thơ, vẫn được quen gọi là “bà bầu” Thơ chủ gánh Thanh Minh (sau đổi lại là Thanh Minh - Thanh Nga) - một trong những “đại bang” của cải lương miền Nam, nổi tiếng với những vở diễn: Tấm lòng của biển, Con gái chị Hằng, Bên cầu dệt lụa, Thái hậu Dương Vân Nga… NSƯT Bảo Quốc được xếp vào hàng những danh hài hàng đầu của sân khấu cải lương qua những vai diễn khó ai thay thế như: Chương Hầu (Tiếng trống Mê Linh), Bùi Kiệm (Kiều Nguyệt Nga), Y “xì ke” (Bóng tối và ánh sáng), Hai Xiên (Bàn thờ Tổ của một cô đào)… Nhưng năm 1967 Bảo Quốc đoạt giải Thanh Tâm với một vai… kép mùi là Kiếm sĩ mù trong vở diễn cùng tên. Live show Bảo Quốc - 52 năm góp với nhân gian một tiếng cười sẽ diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) vào hai đêm 14 và 15/5.
* Tại sao ở một live show đúc kết 52 năm sự nghiệp, ông lại chọn vở cải lương Đi biển một mình làm điểm nhấn, trong khi ấy lại thiếu những vai diễn làm nên “thương hiệu” Bảo Quốc?
- Tôi không muốn làm lại những vai cũ, như Chương Hầu (Tiếng trống Mê Linh) hay Y “xì ke” (Bóng tối và ánh sáng)… chẳng hạn, vì đã diễn quá nhiều, ai cũng biết cả rồi. Tôi chọn những tiết mục mới, ngoài sự mới lạ cũng đều có lý do hết: Đi biển một mình là vở cải lương thành công của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga trong thời điểm khó khăn của sân khấu cải lương những năm 1960 - 1970. Đặc biệt, vở chỉ một màn một cảnh nhưng rất thu hút người xem. Lữ Bố hí Điêu Thuyền là lớp diễn hay trong vở Phụng Nghi Đình, một trong những vở cải lương đầu tiên của sân khấu miền Nam sau năm 1975, và những người tham gia vở diễn đều gắn bó và có công ơn với tôi: NSND Ba Vân và Phùng Há là thầy, rồi chị Thanh Nga nữa… Nhan Tấn của Nỏ thần là nhân vật mà tôi có được thành công nổi bật gần đây. Với kịch hài Thị Mầu thì xã trưởng là nhân vật sở trường, nhưng cũng qua đó khán giả có thể cảm nhận được một thực trạng rằng hiện nay rất nhiều nghệ sĩ cải lương tồn tại được là nhờ kịch nói và phim ảnh. Đó cũng là một trăn trở lớn của tôi.
* Vậy theo ông điều gì đã giúp Bảo Quốc đứng vững trong lòng công chúng 52 năm qua?
- Tôi cho rằng điều đầu tiên phải là đạo đức của một người nghệ sĩ từ sân khấu đến cuộc đời. Người nghệ sĩ có đạo đức sẽ giữ được tài năng, sẽ giúp khán giả yêu thương mình, bạn bè đồng nghiệp quý mến. Tôi rất vui và tự hào khi live show này được bạn bè đồng nghiệp rất ủng hộ, hầu như các danh hài đều muốn tham gia với mình.
* Nổi danh trên sân khấu cải lương rồi lại gặt hái nhiều thành công từ kịch nói. Ông không gặp trở ngại gì khi chuyển sang môi trường mới sao?
- Tôi tham gia nhiều lĩnh vực nghệ thuật: cải lương, kịch nói, điện ảnh và nhìn chung đều làm tròn vai. Khi sân khấu cải lương gặp khó khăn, ít hoạt động thì sàn diễn kịch lại sáng đèn thường xuyên. Nghệ sĩ muốn tồn tại thì phải có nơi hoạt động để nuôi nghề. Sân khấu kịch đã cho tôi và nhiều nghệ sĩ cải lương cơ hội tiếp tục gắn bó với nghiệp diễn. Tuy cùng thuộc lĩnh vực sân khấu nhưng chuyển từ cải lương sang kịch nói cũng không đơn giản. Trước hết là sự khác biệt ở cách thoại. Thoại của cải lương thì phải theo dây đờn nên cũng “bổng trầm” hơn. Diễn kịch mà thoại kiểu cải lương thì không đồng “rơ” và cũng không giống ai nên cần phải tập cho chuẩn lời thoại. Cái này rất khó vì nếu cứ lo chỉnh thoại không khéo sẽ hư diễn. Buổi đầu tôi cũng phải vất vả luyện tập để theo những đặc trưng của sân khấu kịch. Thành quả đạt được đều là nhờ sự rèn luyện chứ không phải tự dưng mà có.
* Là một danh hài nhưng thời gian gần đây khán giả lại thường thấy ông trong những vai cá tính trái với sở trường mà nổi bật là Nhan Tấn (Nỏ thần). Ở cái tuổi mà nhiều người đã tính đến chuyện nghỉ ngơi ông vẫn muốn có thêm trải nghiệm mới?
- Khi xuất hiện ở một chương trình tôi luôn thích được giới thiệu là nghệ sĩ - danh hài Bảo Quốc hơn chỉ là danh hài Bảo Quốc. Nếu chỉ là danh hài thì tôi chỉ chuyên về hài, chọc cười khán giả. Nhưng là nghệ sĩ thì phải làm được tất cả, có thể làm người ta cười được và cả khóc được, vẫn làm tốt khi đảm nhận vai không đúng sở trường. Với tôi, đó là nhờ nền tảng từ những bài học bên cánh gà từ thuở nhỏ, nhất là khi sân khấu Thanh Minh của gia đình tập hợp toàn những tài danh bậc nhất của Việt Nam: Năm Châu, Ba Vân, Phùng Há, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Thành Được, Hữu Phước… Tôi đã học được rất nhiều ở những người đi trước từ đó giúp bản thân thêm tiến bộ.
* Đã bao giờ ông có ý định sẽ gây dựng lại đoàn Thanh Minh của gia đình?
- Cũng có thời gian tôi suy nghĩ đến vấn đề này nhưng với tình trạng sân khấu cải lương yếu như hiện nay thì rất khó. Nếu có làm thì phải làm tới bến, làm thật rình rang như thời ba má tôi thì mới làm chứ làm ra mà không giữ được sân khấu, chỉ duy trì một thời gian rồi lại tiêu thì chỉ phí công và cũng hổ danh với gia đình.
* Nhìn lại chặng đường đã qua ông cảm thấy như thế nào?
- Rất hài lòng vì những gì mình suy nghĩ, mong muốn đều diễn ra theo ý mình và giữ được tới ngày hôm nay. Là nghệ sĩ ai mà không muốn được khán giả yêu thương. Và tôi có thể tự hào khi thấy rằng có lẽ phải đến 70 - 80% người Việt Nam đều yêu thương mình. Tôi có một gia đình hạnh phúc, ổn định đã giúp cho sự nghiệp mình rất nhiều. Có một bà xã lý tưởng gánh vác mọi chuyện gia đình và xã hội để mình chuyên tâm cho nghệ thuật. Các con đều khôn lớn thành nhân và thành đạt. Tôi cũng hãnh diện khi đã xóa bỏ được định kiến ban đầu của gia đình vợ, vốn không thích cho con có chồng là nghệ sĩ. Nhưng khi về làm rể thì tôi lại được yêu mến nhất trong các chàng rể của gia đình. Đến bây giờ, ở tuổi 62 tôi vẫn tiếp tục lao động, vẫn làm việc nghiêm túc và luôn đến đúng giờ.
Ninh Lộc (thực hiện)