(Thethaovanhoa.vn) - Theo NSƯT Thành Lộc, Kịch IDECAF có khuynh hướng tôn vinh các anh hùng dân tộc, danh nhân, và những giá trị truyền thống đáng trân trọng của Việt Nam. Đó là lý do anh cùng anh em nghệ sĩ cứ vài năm dựng một vở kịch cổ trang, hoặc kịch lịch sử như Bí mật vườn lệ chi, Ngàn năm tình sử…
- Tượng sáp Hồng Vân, Thành Lộc... giống hệt người thật
- Quán quân The Voice ‘bung lụa’ trong trang phục cầu kỳ của Thành Lộc
Sau 4 năm ấp ủ, đến năm 2017, Thành Lộc mới đưa được truyện thơ Lục Vân Tiên của thi hào Nguyễn Đình Chiểu lên sân khấu, với thể loại nhạc kịch, có tên Tiên Nga. Lý do của việc này như sau: Văn chương Nam bộ có nhiều tác phẩm lớn nhưng cuộc sống đã vô tình làm công chúng quên dần những giá trị tốt đẹp này.
Tác phẩm này tôn vinh nhiều giá trị, như ca ngợi lòng hiếu đạo, sự thủy chung, tinh thần yêu nước... những thứ có vẻ như đang bị mai một dần trong bối cảnh xã hội hiện tại.
Kịch IDECAF chọn dựng theo thể loại nhạc kịch vì đây là phương cách chưa có ai làm với tác phẩm Lục Vân Tiên.
“Vở diễn của tôi có 3 vai nữ chính, đại diện cho 3 tính cách khác nhau. Kiều Nguyệt Nga (Lê Phương thủ vai) biểu tượng cho lòng chung thủy. Võ Thể Loan (Vân Trang) hình mẫu cho đối tượng trẻ tranh thủ cơ hội làm giàu và thích thụ hưởng. Kim Liên (Lê Khánh) đại diện cho những người phụ nữ vô danh nhưng yêu nước nồng nàn. Qua đó, tôi muốn kêu gọi giới trẻ hãy biết sống vì cộng đồng, biết cống hiến cho tổ quốc, thay vì chỉ tranh thủ cho riêng mình” - Thành Lộc bộc bạch.
Để thực hiện ý đồ nghệ thuật đó, Thành Lộc đã mở thêm đất diễn cho nhân vật Kim Liên. Nếu trong tác phẩm thơ, lẫn cải lương hoặc phim, Kim Liên chỉ là người hầu của Nguyệt Nga và xuất hiện thoáng qua. Trong nhạc kịch này, Kim Liên hóa thành nữ anh hùng liều chết với kẻ thù xâm lược, dám hy sinh thân mình.
Việc dàn dựng nhạc kịch về một tác phẩm quá nổi tiếng là thách thức. Biết rõ điều đó nên Thành Lộc có hơn 4 năm thai nghén kịch bản và chuẩn bị. Anh đã gửi kịch bản hoàn chỉnh cho nhạc sĩ Đức Trí nghiên cứu cách đây 1 năm. Sau 6 tháng, Đức Trí mới có thể hoàn thành phần viết nhạc.
Theo Đức Trí, phần nhạc làm mới hoàn toàn nhưng dựa trên hơi hướm ngũ cung, phảng phất cái hồn của âm nhạc truyền thống Nam bộ. Công sức của Đức Trí được bù đắp xứng đáng khi phần nhạc góp phần rất lớn vào sức hấp dẫn của vở diễn.
Điều đặc biệt, toàn bộ diễn viên tham gia đều hát trực tiếp, chứ không hát nhép, nên rất có hồn cốt, giàu cảm xúc. Đây là lần đầu tiên Kịch IDECAF cho diễn viên hát trực tiếp với ban nhạc.
Những ai đã có mặt trong buổi phúc khảo đều dễ thừa nhận rằng âm nhạc, phục trang, cảnh trí, ánh sáng biến sân khấu thành chốn lung linh.
Tại đó, diễn suất thăng hoa của các diễn viên gồm NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Lê Khánh, Đình Toàn, Vân Trang, Lê Phương, Bạch Long, Dương Cường, Lương Thế Thành, Hương Giang, Huỳnh Quý… đã biến Tiên Nga thành vở nhạc kịch của cảm xúc.
Nhạc kịch Tiên Nga sẽ bắt đầu công diễn từ ngày 14/12, với 24 suất tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM.
Tam Anh
Tags