(Thethaovanhoa.vn) - Từ những ngày đầu về Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Trịnh Quang Tùng đã tự xác định là phải nghiêm túc học hỏi, vừa thừa kế những truyền thống làm phim tài liệu của thế hệ đi trước, vừa đổi mới, phát huy trong điều kiện mới của thời đại công nghệ 4.0. Không dừng lại ở mảng phim tài liệu với những Bông sen vàng, Bông sen bạc, anh còn thử sức với thể loại phim truyện và gặt hái được nhiều thành công.
Đạo diễn NSƯT Trịnh Quang Tùng sinh năm 1975 tại Thanh Hóa. Cơ duyên điện ảnh bắt đầu từ người cha học Trường Điện ảnh Việt Nam (khóa 2, chuyên ngành máy chiếu bóng) truyền cảm hứng. Anh từng theo cha đi nhiều nơi chiếu phim và tình yêu điện ảnh cứ thầm lặng lớn lên cùng năm tháng.
Tốt nghiệp phổ thông trung học, thi đỗ cả 2 trường: Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam (chuyên ngành kỹ thuật video), Quang Tùng đã chọn theo nghề của cha. Tốt nghiệp chuyên ngành dựng phim và kỹ thuật video Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, anh về công tác tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Đây là môi trường thuận lợi để Quang Tùng có điều kiện đi nhiều nơi, học hỏi nhiều đoàn làm phim và được tiếp xúc với những nghệ sĩ nổi tiếng, như: Đạo diễn, NSND Ngọc Quỳnh, NSND Lương Đức, NSND Đào Trọng Khánh, NSƯT Vương Khánh Luông, NSND Nguyễn Như Vũ, NSND Nguyễn Thước, NSƯT Nguyễn Văn Hướng…
Năm 2007, Quang Tùng lại trở về trường học tiếp đạo diễn điện ảnh - truyền hình. Hai công việc quay phim và đạo diễn đã hỗ trợ Trịnh Quang Tùng rất nhiều trong công việc. Uy tín năng lực chuyên môn, Quang Tùng đã sớm được bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách Nghệ thuật của Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.
Công việc của người vừa làm quản lý, vừa làm nghề bận rộn là thế, nhưng đạo diễn trẻ vẫn dành thời gian tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội.
Hành trình đến Giải thưởng Bông Sen vàng phim tài liệu
Tính đến nay, Trịnh Quang Tùng đã đạo diễn nhiều bộ phim tài liệu khoa học ghi dấu ấn sự nghiệp đạo diễn phim tài liệu của mình. Năm 2005, phim Âm thanh thực dự LHP Báo chí quốc tế tại Đức đã vượt qua 387 phim lọt vào tốp 13 phim hay nhất, đồng thời được đề cử là nhà làm phim độc lập quốc tế.
Phim Khi không thể vượt qua chính mình đoạt Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam (2009) là bộ phim khoa học nói về căn bệnh tâm thần. Để thực hiện bộ phim này cho có sức thuyết phục phải nói là rất khó và vô cùng gian nan. Khó từ tìm nhân vật, khó từ sự đồng thuận của gia đình, khó vì nhân vật có thể “nổi đóa”, “tức giận”, “ném đá” người thực hiện bất cứ lúc nào.
Quang Tùng chia sẻ: “Em vẫn còn ám ảnh về quá trình làm bộ phim này. Tìm được nhân vật, chúng em về Hà Nam thực hiện và nhận được lời căn dặn của bà con gần nhà nhân vật rằng là phải cẩn thận kẻo bị ăn… gạch. Nghe thế cũng thấy choáng, nhưng chúng em đã bảo nhau phải chủ động chuẩn bị tinh thần sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Em vào trước, máy quay sau và quay cả cảnh bị người tâm thần tấn công… Nhưng may quá… Cũng không dám nghĩ lại nữa, chỉ biết là ê kíp đã thực hiện đã thành công bộ phim này”.
Phim khoa học Bướm - côn trùng cánh vảy (đồng đạo diễn với Bùi Phương Thảo, đồng quay phim với Nguyễn Anh Tuấn) đã đưa đạo diễn Trịnh Quang Tùng đến Giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ XVII (năm 2011), giải Cánh diều bạc (năm 2010).
Phim đề cập vấn đề môi trường thông qua chuyện về các loài bướm - một mảng thiên nhiên hoang dã đầy bí ẩn và hấp dẫn. Chúng không những làm nên đa dạng sinh học phong phú ở nước ta mà còn biểu hiện chỉ thị cho sự cân bằng sinh thái đang rất cần bảo vệ. Để thực hiện bộ phim tài liệu với “nhân vật” đặc biệt này, đoàn làm phim đã rất vất vả từ chọn thời điểm bướm xuất hiện (tháng 5 đến tháng 8); kỳ công “săn nhân vật” ở một số không gian (Bảo Lộc - Lâm Đồng, rừng quốc gia Cúc Phương -Ninh Bình, Tam Đảo - Vĩnh Phúc); tìm đến các nhà cố vấn (GS Vũ Quang Côn, TS Vũ Văn Liên)…
Nhận kịch bản lúc Hà Nội đang lạnh (2/2010), đoàn đã lên đường vào Bảo Lộc (Lâm Đồng) để thực hiện bộ phim. Kiên nhẫn “săn”, bình tĩnh “chờ” và nhanh chóng chớp thời cơ khi “nhân vật” xuất hiện, Quang Tùng đã bấm máy và quay được cảnh bướm cắn kén chui ra ngoài. Thật kỳ diệu cú bấm máy dài chừng 15 phút anh đã theo dõi tỉ mỉ từng chuyển biến nhỏ của bướm cắn lớp vỏ bao bọc chui ra ngoài, từ sâu đã biến thành con bướm xinh đẹp, sặc sỡ sắc màu.
Đến rừng Tam Đảo, đoàn đã thỏa thuê cùng “nhân vật” của mình. Bướm ở Tam Đảo nhiều vô kể, đặc biệt là ban đêm bướm bay ra gấp 5-6 lần ban ngày, càng sáng đèn bướm lao vào càng mạnh. Lúc đó, người quay phải lựa, thay đổi góc máy, nằm xuống đất, để máy sát mặt đất. Nhờ thế, Quang Tùng đã quay được những thước phim sinh động nhất về bướm, biết được điều đặc biệt của bướm qua mắt, râu, cánh; cách bướm tìm thức ăn…
Quang Tùng hoan hỉ nói: “Chúng em đưa “nhân vật” về trường quay của Hãng, dùng máy quay phóng đại hàng ngàn lần (marco) mới thấy những lớp vảy xếp lên nhau rất tinh vi cùng nhiều màu sắc kỳ ảo và điều quan trọng ê kíp làm phim đã lý giải được câu hỏi tại sao lại gọi là “Bướm - côn trùng cánh vảy”…
Các bộ phim tài liệu: Chuyện dài ở bệnh viện đoạt giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ XVIII (năm 2013); phim nhựa 35mm Bác sĩ Trần Duy Hưng, một người Hà Nội đoạt giải B của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam; phim Trầm cảm sau sinh đoạt giải Cánh diều vàng và Đạo diễn xuất sắc của Hội Điện ảnh Việt Nam (2018); Ông đồ gàn đoạt giải C Báo chí quốc gia (2018), Lang thang như đám may trời nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô (2016); Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Người cộng sản kiên trung bất khuất, Giải thưởng Văn học học nghệ thuật Thủ đô (2018), Bùi Bằng Đoàn - chí sĩ đồng hành cùng lịch sử dân tộc; Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thùy Nguyên - Nhà virus học và chế tạo vắc-xin hàng đầu Việt Nam (đồng tác giả với Vũ Thị Thu Hiền) đoạt Huy chương bạc Cánh diều 2019 của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Tham gia Cuộc vận động sáng tạo văn học, nghệ thuật kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, NSƯT Trịnh Quang Tùng (cùng nhóm tác giả: Nguyễn Ngọc Tiến, Lê Quang Nga, Nguyễn Tuấn Anh) đã đoạt giải A với tác phẩm Đảng bộ Hà Nội 90 năm hình thành và phát triển…
Ở tư cách DOP, Trịnh Quang Tùng đã đạo diễn máy, ánh sáng, khuôn hình, chỉ đạo người quay phim thực hiện những khuôn hình đẹp, chất lượng cao, đảm bảo thành công cả hai mặt kỹ thuật và nghệ thuật qua nhiều bộ phim tài liệu nhựa màu 35mm: “Thành phố bên sông Hồng”, “Trầm tích” (Giải Cánh Diều của Ban Giám khảo, 2009), “Bản anh hùng ca quan hệ Việt- Lào”, “Người Thắp Lửa” (Giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, 2009)…
Cảm xúc trong từng khuôn hình phim truyện điện ảnh
Không dừng lại ở phim tài liệu, Trịnh Quang Tùng say mê thử sức phim truyện. Theo anh, quay phim có 2 phần rất rõ rệt là kỹ thuật và nghệ thuật. Kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận công nghệ hiện đại. Còn nghệ thuật thì phụ thuộc vào cảm xúc sáng tạo của con người. Nói điều đó mới thấy việc học cả 2 chuyên ngành quay phim, đạo diễn điện ảnh đã hỗ trợ Trịnh Quang Tùng rất nhiều trong chuyên môn để có tầm nhìn bao quát, tổng hợp, tư duy cộng hưởng cả hai cách làm phim tài liệu và phim truyện điện ảnh.
Là DOP (Director Of Photography) của phim tài liệu và phim truyện, Trịnh Quang Tùng có thế lợi phát huy cao nhất sự kết hợp giữa kỹ thuật, thiết bị công nghệ hiện đại dành cho điện ảnh (flycam, steadycam, grue, boom... quay trên máy black magic…) với cảm xúc sáng tạo của nghệ sĩ để tạo nên hiệu quả tốt nhất cho các bộ phim truyện điện ảnh.
Dù “Một mình em sắm cả hai vai chèo”, nhưng đạo diễn trẻ tư duy rất mạch lạc, phân thân rõ ràng, không chịu bất cứ áp lực, sự chồng lấn về thể loại. Đạo diễn biết tiết chế một cách thông minh, sáng tạo giữa kỹ thuật và nghệ thuật để có những khuôn hình đẹp nhất.
Là người chịu trách nhiệm cao nhất về toàn bộ hình ảnh trong một bộ phim, đạo diễn chia sẻ: “Tôi chỉ quay phim, hoặc đạo diễn khi thấy kịch bản gợi được một vấn đề, có ý nghĩa xã hội và câu chuyện khiến tôi thấy thực sự xúc động…”.
Có lẽ đó là lý do Trịnh Quang Tùng được mời tham gia làm DOP - họa sĩ khuôn hình trong nhiều bộ phim truyện 35mm và digital, như: Chuyện tình bên dòng Sêrepock (2006, đạo diễn Hồ Bá Thuần), Khi người tù trở về (2005, đạo diễn Xuân Sơn); Đêm vùng biên (đạo diễn Đặng Thái Huyền, đoạt 2 Giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ XV, 2007); 13 bến nước (đạo diễn Đặng Thái Huyền, đoạt 6 Giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ XVI, 2009); Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền - Bằng khen của LHP Việt Nam lần thứ XIX; phim Đất lành(đạo diễn: Đặng Thái Huyền, Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ XIX, 2015); Nơi ta không thuộc về (đạo diễn: Đặng Thái Huyền, Bằng khen Giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, 2018).
Ở vị trí DOP, đạo diễn Trịnh Quang Tùng luôn đầu tư, quan tâm, trau chuốt kỹ lưỡng, bài bản từng hình ảnh trong phim truyện nhựa và phim truyền hình.
Dâng đầy cảm xúc khi đọc kịch bản phim Người trở về của đạo diễn Đặng Thái Huyền, Tùng chia sẻ:
“Em và Đặng Thái Huyền là bạn học cùng khóa 1999 - 2003 của trường mình. Em cũng đã làm DOP nhiều phim của bạn ấy. Huyền là một đạo diễn giỏi, thể hiện tư duy rất mới của người trẻ làm phim chiến tranh cách mạng. Ê kíp làm việc của chúng em khá ăn ý. Khi đọc kịch bản Người trở về của nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung, em thực sự xúc động. Khi làm phim, em cảm nhận rõ tiếng đập từ trái tim về nhân vật Mây. Đó là hình tượng một người phụ nữ Việt Nam đẹp từ ngoại hình đến phẩm chất, tràn đầy sức sống, nhiệt huyết tuổi trẻ đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc… Nhân vật Mây đã ám ảnh em rất lâu. Em đã mang tất những cảm xúc ấy để làm bộ phim này. Bây giờ mỗi khi xem lại, em vẫn vẹn nguyên cảm xúc ấy…”.
Tôi tin con đường NSƯT Trịnh Quang Tùng đã chọn. Những tác phẩm xuất sắc của đạo diễn trẻ vẫn đang chờ ở phía trước.
(Còn tiếp)
Vài nét về ĐD Trịnh Quang Tùng Với hơn 45 tuổi đời cùng hơn 20 năm tuổi nghề, Trịnh Quang Tùng tràn đầy năng lượng đam mê, tâm huyết làm phim, là tác giả của nhiều tác phẩm điện ảnh và đoạt nhiều giải thưởng quan trọng: Giải Đạo diễn xuất sắc Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2018; giải Quay phim xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ XV năm 2017; giải Quay phim xuất sắc nhất LHP Việt Nam lần thứ XVI; giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHPViệt Nam lần thứ XVII năm 2011… Với những cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà, năm 2019, đạo diễn Trịnh Quang Tùng đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Các thế hệ làm phim tài liệu Việt Nam Trong những ngày đầu khởi dựng, các nhà quay phim dù chưa được đào tạo, xuất thân từ nhiếp ảnh, sống trong điều kiện vất vả của chiến tranh trang thiết bị thiếu thốn, chỉ với máy quay phim Ciné –Sept chạy bằng dây cót, số lượng phim ít ỏi thế mà đã ghi lại được những khuôn hình phim nhựa quý, như: Hồ Chủ tịch đi thăm Pháp trở về, Pháp tấn công phố Hàng Than, Trận đánh tại Ô Cầu Dền và những hình ảnh những ngày chiến đấu ở Hà Nội (rất tiếc những thước phim tư liệu quý chưa kịp in tráng đã thất lạc do chiến sự nổ ra). Khi Pháp trở lại xâm lược, nhiều nhà nhiếp ảnh - quay phim đã xung phong lên chiến khu Việt Bắc, vào bưng biền Nam Bộ dấn thân ở những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến, đổi mỗi thước phim bằng cả máu, nước mắt, hy sinh để có thể ghi được những hình ảnh chân thực, sinh động về lịch sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại; những vấn đề thiết yếu của cuộc sống lao động sản xuất của nhân dân ta. Đó thước phim tư liệu quý giá thấm đượm cảm xúc, tâm hồn, hơi thở, sức chiến đấu ở mũi nhọn cuộc sống. Từ những nghệ sĩ đầu tiên khởi dựng sự nghiệp điện ảnh cách mạng ở chiến khu Việt Bắc, Bưng biền Nam Bộ, Hãng phim đã hình thành và xây dựng được một đội ngũ các thế hệ làm phim tài liệu, hùng hậu, sung sức, các nhà quản lý mẫn cán, như: Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn, Nguyễn Đảnh, Lý Cương, Cao Thành Nhơn, Phan Nghiêm, Tiến Lợi, Hồng Nghi, Nguyễn Phụ Cấn, Quang Huy, Quốc Ân, Bùi Đình Hạc, Hiếu Dân, Hồng Sến, Ngọc Quỳnh, Ma Cường, Tô Cương, Phan Trọng Quỳ, Lương Sĩ Cầm, Nguyễn Thụ, Lương Đức, Trương Đình Lý, Thanh An, Đào Trọng Khánh, Lê Mạnh Thích, Trần Văn Thủy, Thu Vân, Nguyễn Như Vũ, Vũ Lệ Mỹ, Lê Hồng Chương, Nguyễn Thị Tuyết, Lê Huy Hòa, Nguyễn Thước, … Từ phim Trận Mộc Hóa do Điện ảnh Khu 8 thực hiện ghi dấu ấn khởi đầu cho thể loại phim tài liệu của nền điện ảnh cách mạng, khắc phục mọi hoàn cảnh khó khăn, các bộ phim tài liệu đã ra đời ở chiến khu và Bưng biền, như: Trận Đông Khê, Trao đổi tù binh tại Thất Khê, Chiến thắng Tây Bắc, Điện Biên phủ, Giữ làng, giữ nước, Dưới cờ quyết thắng… đến nay Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã thực hiện hơn 1.500 phim thời sự - phóng sự ngắn, trên 2.000 phim tài liệu, hơn 300 phim khoa học cùng hàng triệu mét phim tư liệu. Đây chính là tài sản vô giá của nhân dân Việt Nam và thế giới… |
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags