Nữ họa sĩ Nguyễn Oanh Phi Phi: Dựng “hang động nghệ thuật” giữa nhà triển lãm

Thứ Sáu, 04/12/2009 09:49 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Một “hang động” dài hơn 7m rộng gần 2,5m được thiết kế giữa Nhà Triển lãm để người xem chui vào trong và thưởng thức các bức bích họa sơn mài trên vách hang. Đó là triển lãm sơn mài Specula của nữ họa sĩ Việt kiều Nguyễn Oanh Phi Phi sẽ khai mạc lúc 17h chiều nay 4/12 tại Nhà Triển lãm thành phố Hà Nội, 93 Đinh Tiên Hoàng.

Specula được chị đầu tư thực hiện trong vòng hai năm và là một “hang động nghệ thuật” kích thước lớn, kết hợp chất liệu sơn mài truyền thống Việt Nam với kiến trúc và nghệ thuật tranh tường. Trước khi đưa người xem tạm thời tách mình ra khỏi cuộc sống đô thị ồn ào và bước chân qua một quãng đường hầm huyền bí, chị đã có cuộc trò chuyện với TT&VH.


Nữ họa sĩ Nguyễn Oanh Phi Phi

* Specula là gì vậy, thưa chị?

- Specula là một tác phẩm nghệ thuật bên trong một lối đi hẹp với chiều dài 7,2m, và chiều rộng 2,4m, mô phỏng không gian kiến trúc đặc trưng của Hà Nội được tôi thực hiện ngay tại Hà Nội trong vòng hai năm. Tác phẩm bao gồm những bức bích họa trên hai bức tường đối diện bên trong lối đi và một mái vòm cong. Tôi dùng chất liệu sơn mài tự nhiên của Việt Nam để tái tạo một vòm hang động.

Ngoài ra, cũng có thể hiểu, Speculum là một dụng cụ y học dùng khi kiểm tra những khoang, hốc trên cơ thể. Vì vậy, phần trong dựng lên một không gian tựa như vách hang tạo nên những ẩn dụ cho những suy tưởng nội tâm. Và, “speculum” cũng là một từ Latin mang nghĩa “cái gương”, cũng tương đồng với bề mặt bên trong của vách hang ảo này.


“Hang động nghệ thuật” đang được thi công

* Tại sao chị lại dùng sơn ta để sáng tác Specula?

- Sử dụng sơn ta - một chất nhựa từ cây sơn mài tự nhiên chỉ có ở miền Bắc Việt Nam. Bí hiểm và nhạy cảm, chất nhựa sơn mài có một đặc tính riêng biệt khiến nó trở nên vô song so với các loại chất liệu hội họa khác. Bản thân chất nhựa sơn, có màu hổ phách đậm hoặc màu mật mía, được hình thành từ đất. Các bức bích họa được hình thành trong quá trình sản xuất với tất cả những yếu tố: Nước, không khí, đất, gỗ, kim loại và khoáng chất, cũng giống như các yếu tố cấu thành của một hang động thực sự.

* Công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những gì bên trong “hang động nghệ thuật” mang tên Specula, thưa chị?

- Khi đi vào bên trong Specula, người xem sẽ ở trong một vòm hang với ánh sáng dìu dịu tỏa ra từ bên dưới mặt sàn kính mờ, lung linh trong bóng tối của hang động, và khắc họa những bóng hình của người xem, tạo sự chú ý tới chính sự hữu hình của bản thân. Khi mắt đã quen hơn với độ sáng dịu bên trong, người xem sẽ nhận ra những hình thể, hình tượng dần hiện lên trên mỗi bức tường.

Specula là một nhà hát phi thời gian nơi khán giả khám phá một thế giới bên trong gồm một mạng lưới những hình ảnh lấy dữ liệu từ suốt quá trình lịch sử loài người, khi trí tưởng tượng và nghệ thuật được triệu vời để giải đáp những thắc mắc siêu tưởng. Tái hiện nhiều lần các nền văn hóa và mốc thời gian khác nhau, hang động này là một nơi dành cho những suy tư cá nhân.


Mái vòm Specula nhìn từ bên trong khi đang được dựng

* Sau khi sáng tác Specula, chị có suy nghĩ gì về sơn mài Việt Nam?

- Sản xuất đồ sơn mài là một trào lưu phổ biến ở Việt Nam, nhưng hầu hết các bức tranh hay vật thể sơn mài đều được chế tác với chất nhựa polymer công nghiệp để sao chép lại chất nhựa sơn mài tự nhiên mà không có những đặc tính và chiều sâu vốn có của nó.

     Nguyễn Oanh Phi Phi, sinh năm 1979 tại Texas, cô từng học chuyên ngành Tranh vữa tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2005, cô nhận được học bổng Fulbright nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Triển lãm Specula diễn ra đến hết 31/12/2009.

Với Specula, tôi mong muốn có thể gìn giữ được trào lưu và hơn nữa là những kỹ năng bảo quản bằng cách khám phá những quy trình và chất liệu an toàn sinh thái.


Tôi thấy sơn ta Việt Nam là một chất liệu nghệ thuật đương đại vẫn còn đang biến chuyển, và tôi tự hào là một phần trong sự biến chuyển đó. Thực tế, giờ chính là thời điểm thích hợp cho lần phục hưng thứ hai của sơn ta! Tôi thích thú với việc tìm hiểu: Bằng cách nào, việc sử dụng và thực hành với sơn ta thực sự có ý nghĩa với những mối quan tâm đương đại.

Nguyễn Phạm

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›