Thật bất ngờ, thủ khoa Văn thi vào lớp 10 chuyên Trường Hà Nội - Amsterdam lại giành cú đúp giải Nhất môn Hóa học, Khoa học cấp thành phố năm 2016.Nền tảng gia đình trí thức yêu văn chương, sống nề nếp, nhân hậu đã sinh dưỡng nên em, một thiếu nữ biết sống sâu sắc và phong phú.
Phan Hà Linh chơi piano hàng ngày. Ảnh: Nguyễn Khắc Cường
Yêu thích môn Văn và mê đọc sách từ nhỏ, cấp 3 học chuyên Văn và có 20 năm sáng tác văn chương, chính tôi chưa lần nào làm bài thi Văn dài 14 trang trong 150 phút và viết tới 33 trang cho một bài tập tháng với đề tài giả tưởng như Phan Hà Linh.
Những năm qua, báo chí truyền thông nói mãi nạn: xã hội giảm sút văn hóa đọc, học sinh không ngoại lệ. Các em phải học quá nhiều, liên miên và liên tục những cuộc đua chen thi vào trường chuyên lớp chọn; tốt nghiệp các cấp, thi đại học... ngày một phức tạp với những cải cách, thí điểm, thay đổi khó hiểu, mệt mỏi.
Người ta kêu nhiều về chuyện các em không thích học môn Văn, Lịch sử, các em học vì thành tích, chọn trường vì thực dụng để kiếm việc làm bằng nghề thời thượng, đa số không xuất phát từ sở thích, phấn đấu vì tri thức.
Những hiện tượng này hoàn toàn không có ở Phan Hà Linh. Gặp em và tiếp xúc thành tựu mà em đạt được, tôi mang phức cảm: ngạc nhiên, bất ngờ và cảm động. Vốn "sợ" các môn khoa học tự nhiên, tôi vẫn biết sự thú vị và giá trị của chúng trong đời sống.
Tuy nhiên, đó không phải là sở trường nên tôi không bàn đến. Trong thời đại siêu bão truyền thông như ngày nay, nhiều lời khen được tuôn dễ dàng, thậm chí dễ dãi, nhất là ở những cuộc thi giọng hát và nhan sắc đầy trên truyền hình. Sự dễ dãi khi khen gây nên ảo tưởng, làm đảo lộn sự thật và giá trị, tôi cũng không cả tin để bị choáng ngợp về các giải thưởng, danh hiệu.
Nghệ thuật là khắc nghiệt trong lao động và định giá, không chấp nhận rởm, giả. Tôi không bao giờ phát biểu, nhận định khi không xem tác phẩm, và tôi không đặt ngoại lệ cho Hà Linh.
Phan Hà Linh bên ông bà nội và bác ruột Phan Ngọc Tiến. Ảnh: Nguyễn Khắc Cường
Đúng là một trường hợp hiếm, trong lứa tuổi mới lớn hiện nay, nhất là trong bối cảnh ở các đô thị, thiếu niên được sống tiện nghi và hưởng thụ tốt thì lại có phần thực dụng và lười biếng. Phan Hà Linh học giỏi bằng sự đam mê tri thức chứ không phải "học gạo", cũng không chỉ biết cắm cúi học và ngây ngô trước sự đời theo kiểu "mọt sách", được chiều chuộng rồi lười, ỷ lại.
Em sống lành mạnh, sinh động mà rất nội tâm. Nữ sinh thích và học giỏi môn Hóa đã ít, lại đồng thời giỏi Văn, càng hiếm. Quy định trường Amsterdam không cho phép học cùng lúc 2 môn chuyên, nên Phan Hà Linh buộc phải chọn Hóa. Không phải do điểm tổng kết môn Văn gần 9,0, điểm thi vào khối chuyên trường Amsterdam đều là 8,5 cho 2 môn Văn và Hóa mà tôi tin Phan Hà Linh giỏi Văn.
Tôi đề nghị em đưa bài viết 33 trang còn giữ bản photo, một bài tập tháng được giao làm ở nhà cho tôi đọc. Đề bài: "Hãy tưởng tượng 30 năm sau, em và các bạn trở về trường cũ dự Đại lễ mừng ngôi trường tròn 60 năm, hãy kể lại sự kiện ấy bằng bài văn có sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực và cảm hứng lãng mạn". Tôi đã tiếp nhận và thẩm định văn bản hoàn toàn trong sáng, không do bất cứ thông tin làm nền nào.
Đọc kĩ bài tại phòng viết của mình, tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi giọng văn hoạt, câu chữ khá hoàn chỉnh và xuất sắc vượt mức với trình độ học sinh cuối cấp 2. Tách biệt Phan Hà Linh khỏi khuôn khổ đào tạo, em là một cây bút trẻ đủ điều kiện theo đuổi văn chương nếu muốn. Phải đọc nhiều sách mới sở hữu từ vựng dồi dào và sự đặc biệt ở bài văn này không ở mức độ dào dạt, say mê cho bài văn giả tưởng, mà ở năng lực và biên độ tưởng tượng, khả năng hư cấu và miêu tả sống động, chín chắn.
"Đọc đến trang 33 này, cô cứ ngỡ con đã là người lớn, Hà Linh ạ".Tôi không đồng ý với nhận xét của cô giáo Văn của Hà Linh. Thiếu gì "người lớn" rất nghèo nàn, nông cạn. Phan Hà Linh viết như một người lớn hiểu đời. Tư duy chín sớm của cô bé 15 tuổi thể hiện khi vào vai Bộ trưởng Bộ Ngoại giao rất "ngọt". Qua câu chuyện của em, thấy em biết suy nghĩ thấu đáo trước sau, rất tự tin về bản thân, về ước mơ của mình. Sự tự tin toát ra từ câu nói, câu thoại trong bài: "Tớ nhất định sẽ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao!", còn ở hình dung rành mạch, sống động về vai trò, chức phận, chức trách, sự thành đạt ở 30 năm sau, khi trở về thăm trường cũ, gặp lại thầy cô giáo, bạn bè.
Sự sẵn có của công nghệ làm người ta lười viết tay, rèn chữ với học sinh ngày nay không được xem trọng, song Phan Hà Linh lại viết rất đẹp, em được kế thừa từ ông nội - nhà văn Phan Đào Nguyên (giám đốc NXB Lao Động năm 2000 - 1/2008). Tuổi 70, niềm vui của ông Nguyên là đánh máy, đóng quyển các bài văn hay, làm khung giấy khen giải thưởng của các cháu. Ông Phan Đào Nguyên kể, từ nhỏ 3 con trai của ông đã được bố nhắc rèn viết đẹp, đẹp từ nét, kiểu chữ, đẹp từ ý nghĩ: "Nét chữ - Nết người". Viết đẹp nhất là người con trai trưởng - Nhà báo Phan Ngọc Tiến - Trưởng Ban sản xuất các chương trình thể thao, Đài Truyền hình Việt Nam. Hà Linh vẫn gọi bác ruột bằng "Ba" thân thương.
Linh kể: "Em vẫn nhớ, lúc nhỏ xíu, ba Tiến mỗi lần đến là bón cho em ăn. Quà của ba không chỉ đồ chơi mà luôn có sách, đồ dùng học tập. Phần thưởng thủ khoa mà ba Tiến muốn tặng em là markbook, em từ chối bởi đang dùng laptop Dell". Nếu iphone đời mới - món quà ưa thích đầu bảng với thế hệ trẻ, Phan Hà Linh lại "cố thủ" dùng Nokia cũ 1280. Hàng ngày đi học, có ôtô riêng đón, gia đình khá giả, Phan Hà Linh lại sống giản dị, chan hòa, thương người. Khi rảnh em chơi đàn, còn đọc sách thì tranh thủ mọi lúc có thể.
Linh học đàn từ năm lớp 3 và biết bơi tốt từ cuối lớp 5. Cô nàng mắt cận bơi đều đặn tại khu The Garden, nơi mẹ Thanh Ngọc của em vẫn đến tập yoga. Các chị em họ của Phan Hà Linh thường cùng đi bơi, tập yoga. Bác ruột là Trưởng Ban tổ chức giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV, Phan Hà Linh lại chơi tốt cầu lông và thích học bóng rổ.
Cao 1m63, cô bé cận 5 độ này nói chuyện già giặn, hiểu biết vượt tuổi. Không thích học Văn kiểu bị bắt học thuộc, không viết theo khuôn mẫu, Linh ưa suy luận, nảy nở ý tưởng, những liên tưởng khai triển độc đáo vì coi học là đam mê nên không bị áp lực và coi đọc văn chương là để đồng sáng tạo. Cô bé chỉ học thêm 3 buổi chiểu trong tuần cho 3 môn điều kiện: Toán, Văn, Anh.
Học tiếng Anh khi xem phim Mỹ qua kênh Star World, biết cách học, dung nạp kiến thức, không lệ thuộc SGK nên Hà Linh vẫn hồn nhiên. Về hiện tượng xã hội, bằng cấp, học hàm tràn lan, Hà Linh bộc lộ quan điểm: "Em thất vọng khi thực phẩm bẩn khắp nơi, cây xanh và môi trường bị xâm hại, và mọi người dường như bất lực, chấp nhận sống chung, coi đó là chuyện... thường. Chất lượng sống hôm nay và tương lai, tất cả do chúng ta phải bảo vệ sự sống Trái đất từ mỗi hành vi nhỏ. Chị em em vẫn thường thu gom rác quanh khu nhà, nhắc nhở các bạn cùng lứa bảo vệ cây xanh, tiết kiệm điện".
Em gái Hà Linh cũng được học dương cầm, bé Hà Châu hơi gày và nhút nhát, học giỏi, được chị kèm tiếng Anh và piano. Hè này, trước khi chị vào lớp 10 và em lên lớp 6, hai chị em kín lịch hoạt động: Đi làm từ thiện, trồng rau ở mảnh đất sau nhà, chăm sóc cây lộc vừng và chị chia sẻ những cuốn sách hay cho em... Gia đình định hướng khi Hà Linh lên học đại học, sẽ du học tại Mỹ, song ngành Hóa mĩ phẩm thì Pháp là lựa chọn hàng đầu. Đây cũng là nơi Hà Linh muốn trở lại để viếng nhà bác học Ba Lan Marie Curie, người đã tỏa sáng sự nghiệp tại Paris, và yên nghỉ trong điện Panthéon.
"Hóa học gần gũi cuộc sống, vẻ đẹp của các màu sắc, kim loại, phi kim, các chất phản ứng khác nhau. Quan sát đời sống và ứng dụng Hóa học mới thấy môn khoa học này thật thú vị. Du học xong, dù công việc tốt ở nước ngoài em vẫn trở về Việt Nam vì em yêu và muốn cống hiến trên đất nước mình, bởi tưởng tượng trong bài tập làm văn kia là đích phấn đấu", Hà Linh chia sẻ.
"Nếu hoàn cảnh nhà em không được như bây giờ, em phải lao động phụ giúp cha mẹ, không có thời gian để tập trung học và được học thêm như hiện nay, liệu em học giỏi và dám ước mơ làm Bộ trưởng không?" Nghĩ một lúc, Hà Linh đáp nhẹ nhàng mà rắn rỏi: "Gia cảnh khó khăn sẽ tôi luyện em phải kiên cường chịu đựng và quyết tâm hơn. Hoàn cảnh thế nào, em vẫn học tốt và dám ước mơ, dù sẽ chật vật hơn nhiều".
Có "ích kỉ' không khi tôi muốn Hà Linh sẽ còn là nhà văn? Tôi nói với em điều này, Hà Linh cười và nhẹ nhàng bước tới dương cầm, mọi ồn ào, nhọc mệt của cuộc sống nằm ngoài cánh cửa kính cách âm của biệt thự nhà em trong khu The Manor, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Là học sinh giỏi 9 năm liền từ trường Lê Văn Tám, Quốc tế VIP (tiểu học), lên cấp 2 vào trường Hà Nội - Amsterdam, Phan Hà Linh 3 năm được nhận học bổng của trường. Năm 2015, Phan Hà Linh đoạt giải Nhất thi học sinh giỏi cấp quận môn Hóa học. Năm 2016, Linh đoạt giải Nhất cuộc thi HS giỏi môn Hóa học cấp thành phố, được tuyển thẳng vào Trường ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Trong “Lễ tri ân và trưởng thành giành cho học sinh khối 9 - Nineternal” năm 2016 của trường Ams, Linh được chọn để thay mặt 200 học sinh khối 9 phát biểu, dự “Lễ tuyên dương và khen thưởng học sinh giỏi Thủ đô năm 2016”. Cô bé đã chọn học lớp 10 chuyên Hóa, trường Hà Nội - Amsterdam. |