1. Phạm Đức Sĩ được biết đến với tên gọi là Sĩ “Mộc” vì anh từng làm thợ mộc chuyên đóng khung tranh, làm bục tượng cho các bài thi tốt nghiệp và những triển lãm khác ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng “ông thợ mộc” này luôn gây bất ngờ, khi vào tháng 10 năm ngoái, cũng tại 42 Yết Kiêu, ông bày bộ sưu tập đặc biệt về tranh thờ Việt Nam được tuyển chọn từ gia tài khoảng 400 bức. Lần này, anh trưng bày 22 bộ tranh (83 bức) và 66 bức tranh lẻ đều là tranh Hàng Trống.
Chắc rằng, trong số 30 vạn bức tranh dân gian thống kê năm 1957 ấy, không chỉ có nguyên dòng tranh “phố” Hàng Trống, mà có lẽ còn cả dòng tranh Đông Hồ. Chỉ mới cách đây nửa thế kỷ “thị trường tranh” còn nhộn nhịp như thế. Vậy mà giờ đây, không còn một nhà nào làm tranh ở trên phố Hàng Trống. Nghệ nhân tranh dân gian còn làm việc cuối cùng là ông Lê Đình Nghiên (cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật) thì “dạt” ra ở tận gần phố Lý Nam Đế, ngay dưới đường tàu chạy qua, ngày ngày còn túc tắc làm một ít tranh với bộ ván còn lại. Xem thế mới thấy việc “xóa sổ” cả một nền đồ họa dân gian đã từng rất thịnh hành nó khắc nghiệt như thế nào.
Tranh Hàng Trống trong |
Ông đã cất công tìm và gom lại được hàng chục bộ tranh trang trí vẽ theo các tích truyện (Chiến quốc, Sơn hậu, Tam quốc, Hán Sở tranh hùng, Chiêu Quân cống Hồ...). Những tranh thờ Đạo giáo của người thiểu số đặt hàng thợ Hàng Trống chế tác (Tam Thanh - Tày Nùng; Hành say - Dao Tiền). Ngoài ra, còn rất nhiều những tranh lẻ vẽ các ông Hoàng, bà Mẫu để phục vụ tín ngưỡng đạo Mẫu (Ông Hoàng cưỡi cá; Ông Hoàng cưỡi lốt; Bà Chúa thượng ngàn; Bà Chúa thượng thiên...), tranh “trấn trạch” dán ở cửa và trong nhà để trừ tà ma. Và rất quý là những bức tranh Hàng Trống như nhật ký thời gian ghi lại cuộc sống của Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 (Hội Tây; Duyệt binh...). Lần này tuy ông chỉ trưng bày một phần trong số tranh sưu tập, nhưng cũng đủ làm người xem hình dung về cả một nền đồ họa Hàng Trống từng phong phú và hoành tráng như thế nào! Việc làm này càng có ý nghĩa khi người xem được thưởng thức bộ sưu tập này sát ngày diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
2. Phạm Đức Sĩ (SN 1967) hiện là chủ xưởng mộc đóng khung tranh danh tiếng tại Trường Mỹ thuật Hà Nội - 42 Yết Kiêu. Khoảng từ năm 1999, ông bắt đầu sưu tập đồ gốm cổ, đến năm 2001, bắt đầu chuyển sang sưu tập tranh.
Cho đến nay, ông đã có một bộ sưu tập khá dày dặn gồm 3 bộ sưu tập nhỏ: Bộ sưu tập gốm Đông Sơn, gốm Hán; Bộ sưu tập tranh cổ động trong thời kỳ chiến tranh; Bộ sưu tập tranh thờ cúng Đạo giáo - Phật giáo của một số dân tộc Việt Nam và tranh Hàng Trống. Tháng 10/2009, ông đã in sách và cho ra mắt triển lãm Bộ sưu tập Tranh thờ cúng Đạo giáo - Phật giáo Việt Nam.