PGS - TS Nguyễn Lân Cường, (sinh năm 1941), là nghiên cứu viên cao cấp, từng công tác tại Viện Khảo cổ học Việt Nam, nay là Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam, Ủy viên thường vụ BCH Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hình thái học người Việt Nam... Trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ Lân Cường là Ủy viên Ban kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban kiểm tra Hội Âm nhạc Hà Nội.
Từ bản hợp xướng giành giải Nhất
“Nhạc trưởng” Nguyễn Lân Cường trong một màn chỉ huy tại Nhà hát Lớn Hà Nội |
Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông về công tác ở Viện Khảo cổ học. Được đi đây đi đó trên khắp các nẻo đường của tổ quốc, nên mỗi ca khúc của ông như những trang nhật ký viết bằng nhạc: Tiếng hát bản Mường, Cô giáo bản Giàng, 2 viên “as-pêrin”, “Book” Hồ sống mãi với lũ làng, Chào Hà Nội tôi lên đường nhập ngũ, Về đây mái trường xưa, Bài ca người thợ bẻ ghi, Con về thăm nhà sàn của Bác, Chú bộ đội dạy cái chữ cho em, Tạm biệt Hà Nội của em... Có những sáng tác đã để lại trong ông những kỷ niệm sâu sắc.
Năm 1976, nhân cuộc viếng thăm Cuba của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông xúc động viết ca khúc Viva Cuba! Viva Việt Nam. Bài hát sau đó được chọn mở đầu cho chương trình ca múa nhạc của Đoàn văn công Việt Nam đi tham dự Festival ở La Habana (Cuba) năm 1978. Năm 1992, nhân cuộc vận động sáng tác ca khúc cho “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”, của tổ chức UNICEF và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông dự thi ca khúc Con búp bê của em. Bài hát đã được tặng giải Nhì, và đi vào đời sống âm nhạc của trẻ thơ qua nhiều thế hệ cho đến tận ngày nay.
Đến bài hát tặng cô gái 17 tuổi nghiện ma túy
Năm 2001 ông cùng các nhạc sĩ của Hà Nội lên thăm trại 05 và 06 thuộc Trung tâm bảo trợ xã hội 2, Ba Vì, Hà Tây (cũ). Xúc động trước những lời bộc bạch của một em gái 17 tuổi bị nghiện ma túy, nhạc sĩ đã viết ca khúc Về đi em và gửi cho em B.N. Ngay lập tức em gái 17 tuổi viết thư trả lời: “Cám ơn thầy về ca khúc đã gửi cho em. Chúng em vừa hát vừa ôm nhau khóc... Chị em chúng em đã thề với nhau sẽ từ bỏ “nàng tiên nâu” để trở về với gia đình và xã hội....”. Sau này bài hát đã được ca sĩ Trọng Tấn thể hiện và đoạt giải của Hội Âm nhạc và Sở Tư pháp Hà Nội.
Một trong những kỷ niệm không thể quên được đó là vào đêm 3/9/1998 - khi đội tuyển VN thắng đội tuyển Thái Lan trong giải Tiger Cup, lúc đó ông đang là Ủy viên BCH Liên đoàn bóng đá VN khóa III, ông được phân công đi chụp ảnh dòng người hâm mộ quanh bờ Hồ Gươm. Ghếch xe lên cạnh Tháp Bút, ông viết ca khúc Việt Nam chiến thắng. Nhưng thật éo le khi trận cuối cùng ta lại thua Singapore, tuột khỏi tay chức vô địch. Mãi 10 năm sau, tiếng còi của trọng tài vừa kết thúc trận đấu, thì trên sân Mỹ Đình, trên Đài Tiếng nói VN và quanh hồ Hoàn Kiếm, bài hát của ông mới được vang lên mừng đội tuyển VN vô địch AFF Cup..
Sáng tác nhiều bản nhạc và ca khúc hay, nhưng ông không tự cho mình là nhạc sĩ, vì đó là “nghề tay trái”. Ông phân bua với bè bạn: “Mình trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ VN là do nhạc sĩ Phạm Tuyên và Hoàng Vân giới thiệu với BCH Hội. Họ đã xét những tác phẩm âm nhạc của mình từ năm 1960 tới nay rồi bỏ phiếu kín. Mừng lắm vì được số phiếu gần như tuyệt đối. Có được thành tựu ấy cũng đâu phải chỉ có mình tự học mà do các thầy như: nhạc sĩ Vương Hữu Túc (Trung Quốc), Nguyễn Hữu Hiếu, Phạm Tuyên... đã dạy dỗ ngay từ năm 1951 ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc để dần đạt được thành quả...”. Như vậy, có thể nói con đường đến với âm nhạc của ông cũng chẳng phải là chuyện đơn giản. Nhạc sĩ cũng đã trải qua quá trình học tập, lao động không biết mệt mỏi mới đạt được thành công như ngày nay.
Những sáng tác gắn liền với khảo cổ, địa chất
Nhạc sĩ Lân Cường chỉ cho mình là người yêu âm nhạc và thích sáng tác những ca khúc viết về nhiều đề tài để thể hiện tình yêu đối với âm nhạc mà thôi. Một phần cũng là để giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi trong những công trình nghiên cứu khoa học phức tạp, tìm lại nguồn vui, tình yêu đối với thiên nhiên với cuộc sống và con người...
Là cán bộ của ngành khảo cổ học, trong những chuyến đi công tác ở miền rừng núi xa xôi, nhạc sĩ Lân Cường hay gặp các đoàn địa chất, có lẽ vì vậy mà ông đã ôm ấp cảm xúc bao nhiêu năm để rồi bản hợp xướng 3 chương Bài ca địa chất của ông đã ra đời và nhận được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với Thủ đô ngàn năm văn hiến, nhìn những hiện vật tìm được trong Hoàng thành Thăng Long, ông hình dung lại Thăng Long xưa hoành tráng biết bao. Ca khúc Cảm xúc Hoàng thành của nhạc sĩ được Đăng Dương thể hiện cũng nhận được giải thưởng của Hội Âm nhạc Hà Nội.
Năm nay đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng Nguyễn Lân Cường vẫn nhanh nhẹn và khỏe mạnh lạ thường. Hàng ngày ông vẫn làm việc không dưới 14 tiếng. Tới thăm ông tôi ngạc nhiên quá vì lịch trong tuần của ông kín đặc cả, khi thì đi với truyền hình, khi đi tới Viện Khảo cổ, khi lại đến Trường PTTH Thăng Long để... dạy hát.
Nhiều người không khỏi thắc mắc, lạ lẫm và đặt câu hỏi rằng: vì sao giữa một nghề tưởng chừng như khô khan và luôn phải tiếp xúc với các bộ xương, với các ngôi mộ cổ, các xác ướp, lại nuôi dưỡng được một tâm hồn nghệ sĩ đầy trữ tình trong ông như thế? Thật kỳ diệu và lạ lùng đến khó tin đối với mọi người, nhưng với ông thì lại không hề lạ lùng một chút nào. Để đến với âm nhạc và để trở thành nhạc sĩ thì trước hết phải có tình yêu đối với âm nhạc và phải có lòng ham học.
Từng trúng tuyển đi Moskva học diễn viên kịch
Học xong năm thứ nhất ĐH Tổng hợp Hà Nội, chàng sinh viên Nguyễn Lân Cường nghe nói Bộ Văn hóa có tổ chức thi tuyển diễn viên kịch nói đi học tại Moskva. Thế là anh bèn thử sức mình, mặc dù biết rằng khả năng trúng tuyển rất ít vì có tới mấy trăm thí sinh dự thi (mà chỉ lấy có 15 người) và phải vượt qua 3 vòng thi với các đề mục: Đóng một tiểu phẩm, đọc một đoạn thoại, hát một bài... và cái khó nhất là phải múa một điệu. Anh vui mừng được biết ban giám khảo là những bậc thầy về kịch nói như đạo diễn Đào Mộng Long, Va-xi-li-ep Mô-nakhốp (đạo diễn Liên Xô) - người đã dàn dựng những vở kịch nổi tiếng mà anh rất ưa thích như: Câu chuyện ở Yêc-cut, Platon-kre-sét.. Không ngờ qua 3 lần thi chàng sinh viên bé nhỏ trúng tuyển và anh sang học Trường Bổ túc ngoại ngữ (khoa tiếng Nga) ở Gia Lâm tròn 1 năm. Một tuần trước ngày lên đường sang Moskva, vì chủ trương của Bộ Văn hóa thay đổi, nên cả đoàn của anh bị hoãn vô thời hạn. Anh lại trở về học tiếp năm thứ 2 Đại học Tổng hợp cùng với những người khác. Chỉ riêng có một người bạn anh trong số đó, tiếp tục theo bộ môn kịch nói mà mấy chục năm sau anh lại trở thành GĐ Nhà hát Kịch Việt Nam, đó là NSND Trọng Khôi. |