PGS-TS Phạm Văn Tình: 'Đánh vần' trong tiếng Việt - nhìn từ lịch sử và ngôn ngữ học

Thứ Tư, 05/09/2018 07:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bắt đầu từ một clip “đánh vần lạ” trong một lớp học, dư luận đang nổi sóng xung quanh việc dạy và học tiếng Việt ở bậc tiểu học.

Những đều cần biết trước khi 'lao' vào cuộc tranh luận về Công nghệ giáo dục

Những đều cần biết trước khi 'lao' vào cuộc tranh luận về Công nghệ giáo dục

Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục TV1-CNGD được sử dụng trong nhà trường gần 40 năm qua và đã trải qua nhiều bước thăng trầm, khi được mở rộng, khi bị thu hẹp.

Hãy khoan bàn về ưu, nhược điểm của cách đánh vần và học tiếng Việt “chính thống” trong SGK tiếng Việt lớp 1 hiện hành của Bộ GD&ĐT so với trong “tài liệu” là sách tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cách học tiếng của một số ngôn ngữ trên thế giới trong sự so sánh với tiếng Việt, ngõ hầu có thể tìm ra câu trả lời căn cơ cho cuộc tranh luận này.

Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam

Chú thích ảnh
PGS-TS Phạm Văn Tình

* Thưa ông, ở các nước dùng chữ viết ghi âm (như tiếng Việt) họ có dạy học sinh theo cách đánh vần không?

- Về cơ bản, chữ viết ghi âm là theo nguyên tắc "nói thế nào viết thế ấy". Tức là từ ngữ "đi qua tai" và từ âm thanh thu nhận được người ta "văn tự hóa" thành các từ trên văn bản. Và khi khôi phục lại, người ta phải đọc lại từ đó qua tự dạng.

Khi học tiếng Nga, học sinh phải nhận diện và đọc cho thuộc tất cả các ký tự trong bảng chữ cái tiếng Nga, phân biệt đâu là phụ âm (vô thanh, hữu thanh), đâu là nguyên âm, đâu là dấu cứng, dấu mềm, quy định đọc theo thanh điệu, v.v… Sau đó, khi học các từ cụ thể thì sẽ ghép các chữ cái và đánh vần giống như đánh vần tiếng Việt. Chỉ có điều, tiếng Việt phân tích tính (âm tiết rời, tiếng một) chứ không như nhiều tiếng Ấn - Âu (một từ có thể có nhiều âm tiết). Chẳng hạn, tiếng Nga, từ столица (thủ đô), chuyển tự là stolica sẽ đọc thành ba âm tiết (sta-lit-xa, theo cách đọc có trọng âm).

Với tiếng Anh - Anh và tiếng Anh - Mỹ, việc học đọc và viết có phức tạp hơn. Vì tuy là chữ ghi âm, nhưng qua lịch sử, giữa chính âm và chính tả có sự khác biệt khá lớn, nhiều khi lại không theo quy luật. Nguyên âm o đọc là [ô] nhưng nếu viết no (đọc là [noƲ = nâu]), viết now (đọc là [naƲ = nao]), viết non (đọc là [nɔn = non]). Vì vậy, cách dạy chữ cho học sinh ở Anh Mỹ cũng có khác.

* Cụ thể cách “đánh vần” và học tiếng của học sinh Anh - Mỹ ra sao?

Hiện tại, họ chia thành 3 giai đoạn:

1) Giai đoạn đầu, cho học sinh làm quen với các chữ cái với tư cách là các âm vị, sau đó thì hướng dẫn các em ghép lại thành từ và học cách đọc. Ví dụ, capital [kæpitl] (thủ đô) đọc thành 3 âm tiết: ke-pi-tôn. Như vậy, họ đi từ cụ thể đến khái quát. Cách dạy này khá giống với Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

2) Giai đoạn thứ hai, người ta cho học sinh làm quen và đọc cả khối âm tiết tạo nên một từ. Thí dụ, từ nation [neiʃl] (dân tộc), các em cứ đọc thành nây-sân cho quen rồi sau đó giáo viên sẽ phân tích từ này được viết bằng tổ hợp 6 chữ cái mà mỗi chữ cái có chức năng khác nhau. Như vậy là đi từ khái quát đến cụ thể.

3) Bây giờ, người ta đang có xu hướng "tích hợp" hai cách dạy này. Cũng bởi mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Nói chung, khi vận dụng họ cũng phân tích mặt được và chưa được của từng phương pháp và ứng dụng sao cho phù hợp chứ không bài xích cách dạy nào.

Chú thích ảnh
Sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục đang là tâm điểm gây tranh cãi

* Như vậy, xét từ góc độ ngôn ngữ học thì việc “đánh vần” tiếng Việt sẽ theo quy tắc nào đó chứ. Là các quy tắc nào vậy, thưa ông?

- Đánh vần là phát âm theo sự kết hợp các chữ cái (tức các âm vị). Thành phần đầy đủ của một âm tiết tiếng Việt gồm: Phụ âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu (âm vị siêu đoạn tính). Ví dụ, âm tiết “toàn” trong "hoàn toàn" thì t: phụ âm đầu, o: âm đệm, a: âm chính, n: âm cuối, huyền: thanh điệu. Mỗi âm tiết chia thành 3 phần chính: phụ âm đầu, phần vần, thanh điệu. Học sinh ghép vần trước (chẳng hạn với âm tiết “toàn” thì sẽ ghép: o-a-nờ oan, sau đó kết hợp với phụ âm đầu (tờ-oan-toan), thêm thanh điệu để hoàn chỉnh âm tiết (tờ-oan-toan-huyền-toàn).

* Nhìn lại lịch sử tiếng Việt, ông có thể cho biết, việc “đánh vần” chữ Quốc ngữ có từ bao giờ, và trong quá khứ được thực hiện ra sao?

- Không rõ là khi sáng chế ra chữ Quốc ngữ, các nhà truyền giáo (Pháp và Bồ Đào Nha) có cách dạy phát âm ra sao (vì tôi chưa tìm thấy sách dạy tiếng thời đó), nhưng có lẽ cách học chữ cũng giống với cách học truyền thống là ghép các chữ cái lại và đánh vần thành từng âm tiết. Lúc đó ngôn ngữ học và nhất là chuyên ngành ngữ âm học chưa phát triển nên không thể đem kiến thức này ra dạy học trò.

Hiện nay, ở trường phổ thông người ta vẫn dạy theo cách đánh vần như vậy. Dù ngôn ngữ học đã có những bước tiến xa thì việc dạy những tri thức ngữ âm học nhập môn (phân biệt hệ thống âm vị cùng hệ thống chữ cái) vẫn là một việc vô cùng khó với cả thầy và trò. Và cũng bởi cách dạy này mất nhiều thời gian không cần thiết trong khi học sinh lớp 1 bây giờ chỉ được dành một dung lượng thời gian thích hợp để học chữ và sau đó là học kiến thức ngay. Đó là điều cần phải cân nhắc xét từ góc độ khoa học truyền thụ.

* Để tránh viết sai chính tả (như phân biệt “cái cuốc”, “tổ quốc”, “cính yêu” hay “kính yêu”, “ngi ngờ” hay “nghi ngờ”, “kiểm kê” hay “ciểm cê”,...), thì chúng ta phải làm gì?

- Chính tả và chính âm tiếng Việt vẫn đang tồn tại những cái bất hợp lý. Có những cái do sự khác biệt về xuất xứ (“cuốc” là từ thuần Việt, “quốc” là từ Hán Việt (= nước), còn các trường hợp khác, hoặc do quy ước (cùng âm vị [k] nhưng viết khác: “cái cuốc”, “kể chuyện”, “quả quyết”...). Người ta phải làm quen và chấp nhận cách viết đó như "một phần tất yếu của mỗi ngôn ngữ tự nhiên" (tiếng Pháp, tiếng Nga và nhất là tiếng Anh đều có những sự "vênh" giữa chính âm và chính tả).

Chính tả là vấn đề không thuần túy ngôn ngữ mà còn mang tính văn hóa. Dạy đánh vần, dạy chữ có nhiều cách chứ không phải chỉ có một. Vấn đề là dạy sao cho phù hợp với năng lực nhận thức của trẻ, đơn giản và hiệu quả. Chọn giải pháp thích hợp là yêu cầu quan trọng của nguyên tắc sư phạm "lấy học sinh là trung tâm".

* Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Những đều cần biết trước khi 'lao' vào cuộc tranh luận về Công nghệ giáo dục

Những đều cần biết trước khi 'lao' vào cuộc tranh luận về Công nghệ giáo dục

Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục TV1-CNGD được sử dụng trong nhà trường gần 40 năm qua và đã trải qua nhiều bước thăng trầm, khi được mở rộng, khi bị thu hẹp.

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›