(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/7, các nhà khảo cổ Israel cho biết đã phát hiện tàn tích của một đền thờ có niên đại cách đây 1.200 năm ở vùng sa mạc Negev, miền Nam nước này. Đây là một trong những đền thờ cổ xưa nhất được biết đến trên thế giới.
Đền thờ hiếm có này được phát hiện gần thị trấn Rahat của bộ lạc Bedouin nằm ở sa mạc Negev. Ngôi đền này có hình chữ nhật, với một gian cầu nguyện có một hốc tường gọi là Mihrab làm dấu chỉ hướng về Thánh địa Mecca, thành phố linh thiêng nhất của người Hồi giáo. Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) cho biết việc khai quật di tích này được thực hiện với sự phối hợp của người Bedouin và các nhóm thanh niên Arab và Do Thái đến từ các ngôi làng và thị trấn trong khu vực.
Ông Jon Seligman, đồng phụ trách công tác khai quật, cho biết những đặc điểm này là bằng chứng cho thấy mục đích sử dụng của tòa nhà này cách đây hàng trăm năm về trước. Theo ông, không giống như các đền thờ lớn khác ở Jerusalem hay Mecca, đền thờ này có thể là nơi cầu nguyện dành cho những người nông dân trong khu vực.
- Israel công bố 'Con đường hành hương' cổ đại dẫn đến Đền thờ Do Thái Jerusalem
- Vụ tấn công đền thờ Hồi giáo Ai Cập, 235 người chết, Tổng thống Putin, Donald Trump lên tiếng
- Tấn công bằng dao ngay sau vụ lao xe tải gần đền thờ ở Anh
Trong khi đó, chuyên gia Gideon Avni - chuyên nghiên cứu lịch sử Hồi giáo, nhấn mạnh đây là một trong những đền thờ cổ xưa nhất từng được phát hiện kể từ thời điểm người Hồi giáo tới Israel. Việc phát hiện đền thờ này phần nào hé lộ những sự thay đổi về văn hóa và tín ngưỡng mà đất nước Israel đã trải qua trong giai đoạn chuyển tiếp từ thời kỳ Đế quốc Đông La Mã sang thời kỳ đầu Hồi giáo.
Phương Oanh - TTXVN
Tags