(Thethaovanhoa.vn) - Sau vài suất chiếu sớm, phim làm lại Tháng năm rực rỡ (đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng) chính thức khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 9/3. Với lịch chiếu dày đặc như hiện tại, phim rất dễ thành công ở khía cạnh bán vé, nhưng bản sắc điện ảnh thì gần như phai nhạt.
Nhìn chung, đây là một phim duyên dáng, dễ chịu, hài hước vừa đủ, diễn viên tròn vai (trừ các vai của Jun Vũ, Tiến Vũ). Về diễn xuất, ngoài Hoàng Yến Chibi khá hợp vai nhân vật lúc trẻ, thì có vẻ như lớp diễn viên lớn tuổi diễn xuất ổn hơn.
Mỹ Duyên, Tuyền Mập, Hồng Ánh đã cho thấy phong độ từ bề dày kinh nghiệm. Chỉ tiếc là Thanh Hằng và Mỹ Uyên chưa “thoát xác”, dù đất diễn của Thanh Hằng khá nhiều, là cảm hứng trọng tâm của nhóm nhân vật khi trung niên.
Câu chuyện như không có gì
Điểm sáng đầu tiên của phim này là nỗ lực kể câu chuyện nhẹ nhàng như không có gì về một nhóm bạn gái. Bởi thực tế cho thấy nhiều phim Việt lâu nay vẫn còn nặng nề bởi thông điệp, luận đề, tính tuyên truyền, làm cho xơ cứng, nặng nề. Chính vì sự nhẹ nhàng này nên Tháng năm rực rỡ có được sự tự do cần thiết để muốn kể gì thì kể, mông lung và mơ mộng.
Lứa tuổi học trò vô tư, giàu mơ mộng, nên cứ thế mà sống, để khi năm tháng trôi qua, mới biết rằng còn vài điều đáng lý mình phải làm khi trẻ. Chuyện phim chỉ có vậy, lại đan xen giữa quá khứ và hiện tại, nên bối cảnh hoài niệm chỉ thành cái cớ đáng yêu.
Việc tái dựng bối cảnh Đà Lạt giữa thập niên 1970, tuy còn lớt phớt, nhưng lại tỏ ra khá phù hợp với câu chuyện như không có gì.
So với bản gốc, Nguyễn Quang Dũng đã “xén” bớt nhân vật nữ nhà văn thất bại. Nhà văn này phải ở nhờ nhà chị chồng, luôn bị sự nhiếc mắng, để cuối cùng vùng lên, đi dự đám tang, rồi được nhận vào nhà xuất bản và thăng tiến.
Chính động lực bứt phá để tự lập của nhà văn này làm cho nhóm bạn thêm mạnh mẽ, có lý hơn, cắt bỏ đi thật uổng. Nhưng bù lại, việc để Lan Chi mở cửa hàng cầm đồ, vun vén mọi chuyện trong xóm lao động, nó tự chủ và không quá bết bát, cũng là một cách hay.
Làm phim để làm gì?
Nếu trả lời để bán được nhiều vé nhất có thể thì chẳng có gì đáng bàn, vì Tháng năm rực rỡ có thể làm được điều này. Nhiều người dự đoán nó sẽ thu về trên 50 tỷ đồng, có người còn táo bạo cho rằng cả 100 tỷ đồng. Một chiến lược truyền thông áp đặt, “tin đồn dồn dập”, với những khán giả dễ tính, chừng đó đã quá đủ để mua vé đi xem.
Nhưng tác phẩm thực thụ thì luôn cần đến dấu ấn cá nhân và bản sắc văn hóa của câu chuyện. Những ý kiến khắt khe có thể nói Tháng năm rực rỡ là phim Hàn Quốc nói tiếng Việt. Nó cũng tựa như những phim Việt làm lại mới đây, ví dụ như Sắc đẹp ngàn cân, hoàn toàn vắng bóng dấu ấn cá nhân và bản sắc văn hóa.
Nguyễn Quang Dũng là đạo diễn hoạt ngôn và thức thời, nếu hỏi anh nghĩ gì về Tháng năm rực rỡ, anh sẽ có cách trả lời rất trôi chảy, thuyết phục. Nhưng nghệ sĩ thực thụ thì trước sau gì cũng đối diện với “bản lai diện mục” của mình, lúc mà câu trả lời chỉ có chính mình lắng nghe, thì sẽ ra sao?
Nếu so với Những nụ hôn rực rỡ (2010) - cũng là một phim giải trí - thì Tháng năm rực rỡ chẳng còn hồn cốt và bản sắc của Nguyễn Quang Dũng. Nhưng thôi, khi đã chấp nhận cầm tiền làm phim thì phải “chuyên nghiệp” mà lờ đi bản sắc của mình (?).
Mà Tháng năm rực rỡ không phải là trường hợp cá biệt. Việc làm lại phim Hàn Quốc đang trở thành làn sóng, được những doanh nhân người Hàn mạnh mẽ đầu tư. Chiến lược quốc gia của Hàn Quốc là “văn hóa đi trước, quảng bá, bán hàng theo sau”.
Năm 2018, các phim làm lại như Mối tình đầu của tôi, Yêu em bất chấp… sẽ công chiếu; tiếp đó là các phim đình đám như Hậu duệ mặt trời, Vì sao đưa anh tới… cũng sẽ được làm lại. Danh sách đổ bộ còn nhiều và dày đặc hơn nữa. Vậy thì các đạo diễn Việt có năng lực và sự thức thời thì cần gì phải động não sáng tạo, cứ nhận kịch bản gốc mà làm lại, có nhà đầu tư và bao tiêu, cát-sê lại sung túc, không sướng sao?
Văn Bảy - Nguyễn Hà. Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Tags