Phim truyền hình Việt thời "chạy sô"

Thứ Bảy, 07/05/2011 14:58 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, buổi tọa đàm Giải pháp nâng cao chất lượng phim truyền hình do báo Phụ nữ TP.HCM tổ chức đã thu hút được tiếng nói của một số nhà chuyên môn, người trong cuộc và đặt ra được những vấn nạn cần khắc phục. Tuy nhiên, do tính chất của buổi tọa đàm là nói cho nhau nghe, nên thật khó để đi đến những kết luận chung cuộc.



Buổi họp đánh giá bộ phim "Anh chàng vượt thời gian" là một bộ phim cực dở

Với định mức phim truyền hình Việt phải chiếm được khoảng 30% thời lượng lên sóng, trong mấy năm qua, điều này đã kích hoạt việc tăng năng suất của nhiều hãng phim và nhiều đơn vị xã hội hóa. Nhiều đến mức, mà ngay với những người làm nghề, nếu hỏi hiện nay có bao nhiêu hãng, bao nhiêu công ty đang sản xuất phim truyền hình, chắc khó mà trả lời ngay được.

Sôi động là thế, nhưng chất lượng đi theo thì cần phải bàn luận nhiều, vì do chạy theo số tập, nhiều phim kéo dài lê thê, kịch bản vô duyên, nhảm nhí, diễn xuất hời hợt... đã gây thất vọng cho người xem.

Chạy sô vì chỉ tiêu

Từ tháng giữa năm 2010, trong một báo cáo, VTV cho biết phim truyền hình Việt đã đạt thời lượng từ 35% - 40%, HTV thì từ 41% - 43%, sau đó tăng lên 45% vào cuối năm 2010. Bà Minh Hà (Phòng Khai thác phim truyện HTV) nói, để có được 1.600 tập phim mỗi năm, đơn vị này phải đọc đến vài ngàn tập kịch bản. Hệ thống đài VTV thì cần khoảng 1.400 tập mỗi năm để phát sóng. Mà để sản xuất được 3.000 tập mỗi năm (chỉ tính VTV và HTV thôi, gần đây truyền hình Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Dương... cũng đã bắt đầu sản xuất riêng), dù có đột biến về nhân lực sản xuất, thì vẫn chưa đáp ứng được, nên chuyện chạy sô là khó tránh khỏi.

Khi đã chạy sô, thì các thành phần trong ê-kíp khó mà đủ thời gian chu toàn mọi việc. Nhiều nhà báo và nhiều nghệ sĩ tham gia buổi tọa đàm như Lê Cung Bắc, Hạnh Thúy, Khương Ngọc, Kim Phượng, Vân Trang... cũng đồng ý với điều này. Nhưng nếu không chạy sô, không kéo những người tay ngang vào phim truyền hình, thì làm sao đạt được chỉ tiêu 30% thời lượng phát sóng. Đúng là sự luẩn quẩn.

Một khó khăn nữa là thiếu kịch bản nói chung, chứ chưa nói đến kịch bản hay, trong khi linh hồn của phim truyền hình vẫn là kịch bản. Chị Trúc Mai (GĐ Công ty M&T Pictures) cho biết các kịch bản Việt hóa, có thể chưa hay, nhưng cái nền của nó tốt, nên sản xuất phim khá ổn. Tuy nhiên, nếu chỉ được phép Việt hóa khoảng 20% như hiện nay thì còn quá ít, vì bây giờ tìm kịch bản thuần Việt khó tìm lắm, 40% kịch bản Việt hóa thì hợp lý hơn.

Xem thường khán giả, xem thường cả diễn viên

Nhà báo Lê Minh Quốc nói rằng xem cái cách mà một vài phim truyền hình Việt “chào hàng” hiện nay, có thể nói họ đang xem thường khán giả. “Một vài phim còn không có người biên kịch, khi họ dùng một nhóm những người trẻ, thường là sinh viên mới ra trường, chưa đủ vốn sống và nghề viết, nên ngây ngô là điều khó tránh khỏi. Nhà sản xuất cũng tỏ rõ sự ít đọc của mình, khi xung quanh có nhiều tác phẩm văn học hay nhưng họ đã không đọc để chọn chuyển thể.

“Tại sao các nhà sản xuất không kết nối với Hội Nhà văn để tìm kiếm các tác giả có nghề và có kinh nghiệm hơn, hẳn tác phẩm sẽ khá hơn. Vì các phim hay thường có gốc từ tác phẩm văn học hay”, Lê Minh Quốc khẳng định.

Không chỉ coi thường khán giả, mà ngay cả với diễn viên (vốn được xem là người bắt nhịp cầu giữa nhà sản xuất với khán giả) và đoàn phim cũng bị xem nhẹ, coi thường. Khương Ngọc nói rằng hãy nhìn vào những kịch bản dài lê thê, nhảm nhí mà diễn viên phải học thoại thì đủ biết họ ức chế như thế nào. Đó là chưa nói, nhiều nhà sản xuất đối xử với diễn viên rất o ép, cả về mặt tiền bạc và tinh thần; lịch quay thay đổi như chong chóng.

Kim Phượng nói nhiều đạo diễn còn “gạ tình”, đòi xem “hàng” này nọ, nên những diễn viên yêu nghề và có lòng tự trọng thường mất cơ hội. Nếu nhận lời thì phải làm chung với những kiểu người không ra gì, mà không nhận lời thì mất cơ hội làm nghề.

Kết lại buổi tọa đàm, có lẽ giải pháp hay nhất để phim truyền hình khá lên là nên làm theo lời nói của đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc: “Nếu gặp kịch bản dở, nhà sản xuất tồi, đạo diễn lăng nhăng... thì chúng ta phải biết từ chối”.

Văn Bảy


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›