(Thethaovanhoa.vn) - Tối ngày 6/12, hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam ngỡ ngàng khi trên một kênh YouTube, đơn vị giữ bản quyền phát sóng trận đấu giữa Việt Nam và Lào trong khuôn khổ giải AFF Suzuki Cup đã “tắt” tiếng trong phần nghi lễ hát Quốc ca đầu trận đấu. Điều này khiến nhiều người nổi giận, bởi cảm giác rằng “tài sản quốc gia” thiêng liêng của mình đang bị “tước đoạt”.
Đơn vị nắm giữ bản quyền phát sóng trên Youtube trận đấu đã gắn dòng chữ thông báo: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm”.
Đây được xem là biện pháp phòng ngừa do họ không biết Ban tổ chức sử dụng bản ghi âm quốc ca nào cho phần nghi lễ đầu trận đấu, nếu Ban tổ chức sử dụng một bản ghi âm của một đơn vị đã gắn định danh bản quyền trên môi trường số thì rất có thể họ bị khiếu nại bản quyền và toàn bộ doanh thu từ việc kinh doanh trên mạng Internet các trận đấu trong khuôn khổ giải này sẽ mất theo từ việc khiếu nại bản quyền đó.
Điều này trên thực tế đã xảy ra đối với FPT khi đơn vị này phân phối nội dung trận Việt Nam - Saudi Arabia diễn ra tối 16/11 trên kênh Youtube vì Ban tổ chức đã phát bản ghi Quốc ca - Tiến quân ca do Hãng đĩa Marco Polo (một hãng thu âm nước ngoài) thu âm trong phần nghi lễ.
Xét về mặt kinh doanh nội dung số, đây là cách xử lý an toàn, khi chưa rõ thực hư thì để đảm bảo bù đắp chi phí đã bỏ ra đầu tư mua nội dung kinh doanh, đơn vị giữ quyền phát sóng và quyền phân phối nội dung có thể cắt đi một phần mà họ cho rằng có thể ít quan trọng hơn trong một trận đấu bóng đá.
Nhưng người hâm mộ là công dân của một quốc gia có chủ quyền thì không nghĩ như vậy, đối với họ đây là sự xúc phạm nặng nề, bởi Quốc ca là thiêng liêng, không thể là sản phẩm âm nhạc thông thường thuộc sở hữu tư nhân để có thể bị “đánh bản quyền”, nhất là gia đình của cố nhạc sĩ Văn Cao - tác giả của Tiến quân ca đã hiến tặng ca khúc cho Tổ quốc và nhân dân Việt Nam.
Quyền tác giả và quyền liên quan, đối tượng nào thuộc sở hữu của ai?
Phần lớn những tác phẩm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong đó có âm nhạc thường sẽ cần một chủ thể trung gian có năng lực chuyên nghiệp với những cách thức trình bày thích hợp để truyền đạt đến công chúng để công chúng có thể dễ dàng tiếp cận được, ví dụ ca sĩ hát một bài hát, diễn viên biểu diễn một vở kịch, đạo diễn một bộ phim… Đây mới là những chủ thể tạo ra sản phẩm mà công chúng thưởng thức, những sản phẩm như vậy sẽ được bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả, gọi tắt là quyền liên quan, và các chủ thể tạo ra chúng tùy thuộc vào vai trò đóng góp của họ đối với sản phẩm sẽ được ghi nhận quyền của họ đối với sản phẩm được bảo hộ quyền liên quan.
Một sản phẩm thuộc đối tượng quyền liên quan sẽ được bảo hộ nếu chúng được tạo ra không gây phương hại tới quyền tác giả(quy định tại Khoản 4 Điều 17 Luật Sở hữu trí tuệ). Pháp luật không đưa ra định nghĩa cụ thể như thế nào là không gây phương hại tới quyền tác giả, nhưng dựa vào các quy định về quyền tác giả có thể hiểu không gây phương hại tới quyền tác giả nghĩa là việc tạo ra sản phẩm được bảo hộ quyền liên quan phải được sự đồng ý của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, hoặc thuộc trường hợp không phải xin phép tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả được quy định cụ thể tại Điều 25 và 26 Luật Sở hữu trí tuệ, hoặc cũng có thể là một sản phẩm được tạo ra dựa trên một tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…
Trong trường hợp Marco Polo -đầu tư tiền bạc, cơ sở vật chất tạo ra bản ghi “không gây phương hại tới quyền tác giả” (tức là một bản ghi âm được sự đồng ý của đơn vị được giao quản lý quyền tác giả ca khúc Tiến quân ca hoặc của gia đình nhạc sĩ Văn Cao nếu việc này được thực hiện trước năm 2016) thì họ có quyền sở hữu bản ghi âm đó.
Nếu đúng vậy thì với tư cách là chủ sở hữu - người đầu tư tạo bản ghi, họ có quyền tuyên bố, đăng ký sở hữu bản ghi âm ở bất kỳ đâu để thực hiện quyền của họ. Trường hợp ngược lại, họ thu âm, phổ biến, phân phối mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc đại diện chủ sở hữu quyền tác giả thì là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nhưng cũng cần lưu ý khi tác phẩm phổ biến trên môi trường số, hoặc tại nước ngoài thì phải tuân thủ pháp luật của quốc gia sở tại đó.
Như vậy, để xác định phạm vi quyền của các bên tham gia sáng tạo, cần phải phân biệt rõ ràng giữa 2 loại quyền được ghi nhận trong lĩnh vực âm nhạc là quyền tác giả và quyền liên quan. Trong khi quyền tác giả ghi nhậnquyền nhân thân dành cho tác giả, quyền khai thác hoặc cho phép người khác khai thác dưới bất kỳ hình thức nào ghi nhận cho chủ sở hữu, thì quyền liên quan ghi nhận cho đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình, đơn vị tổ chức cuộc biểu diễn, đơn vị phát sóng, các quyền nhân thân dành cho nghệ sĩ biểu diễn, nhạc công, vũ công…
Pháp luật Việt Nam cho phép chủ sở hữu quyền liên quan được độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các hoạt động khai thác kinh doanh sản phẩm được bảo hộ quyền liên quan, bao gồm định hình, sao chép, phát sóng, nhập khẩu, phân phối đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận được (Điều 30 và Điều 31 Luật Sở hữu trí tuệ).
Giải pháp nào cho Quốc ca Việt Nam để không bị … “đánh bản quyền”?
Quốc ca Việt Nam, tiền thân là ca khúc Tiến quân ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944. Năm 2016, gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm này cho Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, và Bộ VH,TT&DL được giao nhiệm vụ quản lý tác phẩm (theo website của Cục Bản quyền tác giả).
Với tư cách là người được ủy quyền quản lý một loại tài sản trí tuệ, Bộ VH,TT&DL cần có cách thức quản trị tài sản trí tuệ giống như quản trị một loại tài sản trí tuệ thông thường, một mặt ban hành quy tắc sử dụng Quốc ca áp dụng cho tất cả các cá nhân, tổ chức sử dụng ca khúc này trong biểu diễn, ghi âm, ghi hình, phát sóng…; quy định các giới hạn trong sáng tạo (như phối khí, làm mới, làm phái sinh tác phẩm, mashup…) để hạn chế các sáng tạo mới có thể gây phản cảm; quy định các giới hạn khác đối với quyền liên quan được tạo ra (nếu có).
Bộ VH,TT&DL nên quy định cho các đơn vị ghi âm, ghi hình, đơn vị tổ chức các cuộc biểu diễn, tổ chức phát sóng được hưởng đầy đủ các quyền liên quan được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ để khuyến khích sự sáng tạo, khuyến khích nhiều hơn các đơn vị đầu tư tạo ra nhiều bản ghi âm, ghi hình, đây là một cách gián tiếp để phổ biến Quốc ca, để công chúng được thưởng thức nhiều hơn những sản phẩm có giá trị nghệ thuật.
Mặt khác, Bộ VH,TT&DL cũng nên đầu tư tạo bản ghi âm Quốc thiều, Quốc ca nhiều phiên bản khác nhau, quy định cụ thể cách thức sử dụng các bản này trong các lễ khánh tiết, các cuộc gặp gỡ mang tính ngoại giao, trong các cuộc thi đấu thể thao, giao hữu về văn hóa…; cho phép toàn dân sử dụng miễn phí trong khuôn khổ quy tắc đã được ban hành, đăng tải, công bố công khai các nội dung này cùng với quy tắc sử dụng trên tất cả các phương tiện truyền thông chính thống của Chính phủ, của Bộ VH,TT&DL, của Cục Bản quyền tác giả và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Và để bảo vệ các quyền này trên nền tảng số, đặc biệt trên các nền tảng được thiết lập theo pháp luật nước ngoài như YouTube, Facebook, TikTok… Bộ VH,TT&DL cần phối hợp với các đơn vị là đối tác của các nền tảng, mạng xã hội nàyđể gắn định danh sở hữu quyền sở hữu trí tuệ của mình phòng trừ trường hợp có đơn vị “nhận vơ” hoặc sử dụng sai quy tắc hoặc thậm chí sử dụng cho mục đích xấu.
Từ việc các đơn vị khai thác tự đảm bảo quyền lợi của mình…
Trong chuỗi kinh doanh nội dung, các đơn vị như Next Media hay FPT là mắt xích cuối cùng phân phối nội dung tới công chúng. Vốn không phải là người trực tiếp sản xuất, họ sẽ không thể đảm bảo được nội dung mà họ đang mua từ bên khác có bao gồm nội dung đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho bên thứ 3 hay không, kinh doanh như vậy sẽ vô cùng rủi ro.
Thông thường, để kiểm soát rủi ro, đơn vị phát sóng, phân phối nội dung trực tiếp tới công chúng sẽ yêu cầu bên cấp quyền đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ mà họ cung cấp, đảm bảo quyền kinh doanh trên lãnh thổ phân phối đã thỏa thuận cho bên mua; những nội dung như vậy phải được quy định rõ ràng trong hợp đồng, có thể có thêmcác điều khoản bồi thường thiệt hại để ràng buộc trách nhiệm của bên cung cấp, từ đó bên cung cấp cũng sẽ có những biện pháp phù hợp rà soát các phần trong kịch bản nội dung để không xảy ra tình trạng “tình cờ” sử dụng nhạc của một đơn vị đã gắn định danh quyền sở hữu trên nền tảng kỹ thuật số.
Nếu làm việc rõ ràng như vậy ngay từ đầu, có lẽ Next Media không phải “cực chẳng đã” tắt tiếng trong phần nghi lễ trước trận đấu giữa Việt Nam và Lào trong khuôn khổ giải AFF Suzuki Cup để phòng ngừa việc bị khiếu nại về bản quyền. Yêu cầu bên cung cấp nội dung cam kết về quyền sở hữu trí tuệ cũng đảm bảo cho đơn vị phát sóng, đơn vị phân phối được kinh doanh an toàn ngay cả đối với quốc ca của những quốc gia khác tham gia giải đấu.
Pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế cung cấp các công cụ cho các chủ thể tham gia sáng tạo bao gồm các chủ thể đầu tư tiền bạc, cơ sở vật chất và chủ thể trực tiếp sáng tạo, chủ thể mua quyền sở hữu trí tuệ khai thác kinh doanh bảo vệ cho quyền lợi của mình trong sáng tạo, bù đắp các chi phí mà các bên đã bỏ ra đầu tư.
Các bên trong quá trình kinh doanh cần vận dụng các công cụ này để đảm bảo mình không vi phạm pháp luật nhưng vẫn đảm bảo được tối đa quyền lợi của mình trong các thỏa thuận giữa các bên. Dưới góc độ quản lý nhà nước, việc quy định độc quyền khai thác kinh doanh cho các chủ thể sáng tạo là một trong những biện pháp khuyến khích sáng tạo, khuyến khích phổ biến văn hóa, di sản quốc gia. Do vậy, cần khuyến khích các bên sáng tạo, tạo ra nhiều bản ghi Quốc ca và cho phép các đơn vị sở hữu bản ghi được quyền khai thác từ bản ghi mà mình đã đầu tư sản xuất đó.
… đến việc cân bằng giữa lợi ích của chủ thể sáng tạo và quyền lợi của công chúng
Lịch sử phát triển của các quy định pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là lịch sử đấu tranh về việc cân bằng lợi ích giữa các chủ thể đầu tư, chủ thể sáng tạo tạo ra các quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích công cộng. Công cụ để điều chỉnh sự cân bằng này là luôn luôn luôn có các ngoại lệ, các giới hạn để các chủ thể khác sử dụng quyền sở hữu trí tuệ mà không phải trả phí, ví dụ sử dụng cho mục đích cá nhân, sử dụng nhằm nghiên cứu, trích dẫn trong các nghiên cứu, … với điều kiện là việc sử dụng này không gây phương hại tới việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ đó một cách bình thường, hoặc có thể gây phương hại tới việc khai thác bình thường nhưng được sử dụng trong trường hợp cấp bách vì an toàn, sức khỏe của cộng đồng, ví dụ như cấp quyền sử dụng sáng chế bắt buộc đối với vắc xin Covid-19.
- Bộ Ngoại giao: Ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam là trái phép
- Việc Quốc ca bị 'tắt tiếng' tại AFF Cup 2021: Nên ban hành quy định về sử dụng Quốc ca
- Bộ VHTT&DL: Không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca
Một giới hạn khác mà pháp luật quy định để cân bằng giữa lợi ích của chủ thể sáng tạo và lợi ích cộng đồng là giới hạn về thời hạn bảo hộ. Quyền sở hữu trí tuệ không được bảo hộ vĩnh viễn, chúng chỉ được bảo hộ trong một thời hạn nhất định, hết thời hạn đó, tác phẩm thuộc về công chúng, ai cũng có quyền sử dụng mà không phải xin phép và không phải trả phí. Đối với quyền tác giả tác phẩm âm nhạc, Luật Sở hữu trí tuệ quy định thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả cho đến 50 năm sau khi tác giả qua đời, nếu có nhiều tác giả thì thời hạn sẽ là 50 năm sau khi đồng tác giả cuối cùng mất. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình là 50 năm tính từ năm tiếp theo của năm công bố hoặc tính từ năm tiếp theo của năm định hình nếu bản ghi âm, ghi hình không được công bố. Như vậy, đối với những bản ghi âm Quốc ca được công bố hoặc được thực hiện từ trước năm 1970 (nếu bản ghi âm đó không được công bố) tính tại thời điểm này thì công chúng có thể sử dụng miễn phí mà không gặp trở ngại về khiếu nại bản quyền, tất nhiên là bên sử dụng phải chứng minh được điều đó. Nhưng cũng cần phải lưu ý về xung đột pháp luật của các quốc gia, có thể có những quốc gia quy định khác về thời hạn. Nếu kinh doanh nội dung trong phạm vi quốc gia nào thì cần phải nghiên cứu về pháp luật của các quốc gia đó.
Trong thời đại công nghệ kỹ thuật số phát triển ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà sáng tạo nội dung và kiếm được tiền từ các sáng tạo đó, hiểu và vận dụng được khoa học công nghệ, các điều khoản cộng đồng của các nền tảng khai thác một cách phù hợp các nhà sáng tạo sẽ được thưởng công xứng đáng cho những sáng tạo của mình. Tuy nhiên, điều này là là một trong những thách thức vô cùng lớn của các cơ quan quản lý. Linh hoạt vận dung các quy định chung của pháp luật, luôn nghiên cứu xu hướng quốc tế và kinh nghiệm của các quốc gia khác, đặc biệt các quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển, sẽ vừa khuyến khích được sáng tạo, phổ biến văn hóa vừa có thể quản lý được các hoạt động này nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật.
Thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết, nhạc Quốc ca sử dụng trong nghi thức chào cờ trước trận tuyển Việt Nam - Lào tại AFF Cup 2020 được Ban tổ chức AFF Cup 2020 lấy nguồn từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Đây là nhạc Quốc ca của Việt Nam do VFF cung cấp bản chuẩn, được VFF lấy từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. |
Luật sư Tám Trần (Công ty IPCom Việt Nam)
Tags