Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, quan tâm nhiều hơn đến phát triển văn hóa

Thứ Tư, 25/12/2019 21:49 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 25/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị.

Chính thức có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Chính thức có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Từ ngày 1/7/2020, khi Luật Thư viện có hiệu lực thi hành, Việt Nam sẽ chính thức có Ngày Sách và Văn hóa đọc.

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển văn hóa

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân của khó khăn, hạn chế, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hướng đến xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ban hành Chiến lược mới, cũng như xác định những căn cứ cho các chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành văn hóa trong những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả ngành văn hóa đã đạt được trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Các số liệu cho thấy, trong 10 năm qua, ngành văn hóa đã thực hiện được nhiều việc đáng ghi nhận, đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức xã hội về văn hóa ở các cấp, ngành và trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Văn học nghệ thuật có bước phát triển vượt bậc, mức hưởng thụ của người dân đã tăng cao hơn trước...

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn tới, ngành văn hóa cần chú trọng, tập trung vào việc nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, ngành về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa, làm sao để văn hóa được coi trọng ngang kinh tế. Bên cạnh đó, ngành văn hóa cần tiếp tục chú trọng việc đưa ra những số liệu, chuẩn mực, tiêu chí đánh giá cụ thể về văn hóa để định hướng xã hội, Phó Thủ tướng lưu ý.

Theo Phó Thủ tướng, chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn tới cần chú trọng việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa là sức mạnh mềm để lan tỏa văn hóa Việt đến với thế giới. Chiến lược cũng cần chú trọng đến việc phát triển văn hóa trong yêu cầu mới để theo kịp sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Trong đó, ngành cần nhìn nhận nghiêm túc mức độ ảnh hưởng, cũng như thách thức trong sự phát triển văn hóa giai đoạn tới, từ đó có kế hoạch phát triển cho phù hợp để tránh bị tụt hậu.

Chuẩn bị cho việc xây dựng Chiến lược văn hóa mới

Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã thu được nhiều kết quả, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng.

Hàng nghìn di tích lịch sử-văn hóa đã được xếp hạng, tu bổ, tôn tạo, đã trở thành những điểm du lịch-văn hóa đặc thù, gắn kết với những tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thúc đẩy kinh tế du lịch ở các địa phương. Hệ thống bảo tàng ngày càng được hoàn thiện, trực tiếp góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức khoa học, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhiều lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian có giá trị... đã, đang được phục hồi, phát triển. Nhiều nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ, có công bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ phù hợp...

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được mở rộng, đi vào chiều sâu mang lại hiệu quả thiết thực. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ đa dạng của công chúng. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng đáng kể về số lượng, chất lượng, đã, đang hình thành thị trường sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa.

Đời sống văn hóa của nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn như miền núi, hải đảo, biên giới dần được cải thiện. Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa được mở rộng, có nhiều khởi sắc, từng bước đi vào chiều sâu, chú trọng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bước đầu cố gắng giữ vai trò chủ động trong việc tiếp nhận có chọn lọc, làm giàu văn hóa dân tộc, việc quảng bá hình ảnh dân tộc và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài được chú ý.

Các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận, phân tích đánh giá những thuận lợi, khó khăn, thành tựu và hạn chế trong việc thực hiện chiến lược; nêu những kinh nghiệm hay, bài học tốt của các ngành, địa phương trong việc phát triển văn hóa. Các đại biểu cũng kiến nghị các giải pháp, sáng kiến trong việc thực hiện chiến lược, từ đó đề xuất những giải pháp mới để xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, đồng thời nhận định thời cơ, thách thức và các vấn đề đặt ra trong việc xây dựng Chiến lược văn hóa mới.

Phương Lan - TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›