(Thethaovanhoa.vn) - Bộ VH,TT&DL vừa trình danh sách kết quả các nghệ sĩ được Hội đồng cấp Bộ xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lên Hội đồng cấp Nhà nước, chuẩn bị cho đợt phong tặng tháng 9 tới. Trong lĩnh vực sân khấu, xôn xao việc NSƯT Chí Trung và NSƯT Minh Hằng (Nhà hát Tuổi Trẻ) đã “trượt” danh hiệu NSND ngay từ Hội đồng cấp Bộ vì chưa đủ số huy chương tham gia hội diễn.
Như vậy, suốt mấy chục năm gắn bó với nghề diễn, dù nổi danh trên sân khấu, không chỉ với các vai diễn hài mà cả chính kịch, được khán giả mến mộ trên truyền hình và điện ảnh, nhưng đến thời điểm này cả Chí Trung và Minh Hằng vẫn chỉ là NSƯT mà thôi!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần ghi nhận các ý kiến chuyên môn quanh việc xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lĩnh vực sân khấu lần này.
TS Nguyễn Thị Minh Thái: Hãy phong cho xứng đáng!
Tôi không biết ai đủ hay thiếu huy chương hoặc như thế nào thì được hay không được phong tặng NSND, nhưng tôi nghĩ, phong NSND thì phong cho nó trúng là nghệ sĩ của nhân dân thật. Mà sự thật thì có một số trường hợp tôi thấy không trúng, gây ra sự thắc mắc từ phía các đồng nghiệp và dư luận.
Do đó, Nhà nước cần cố gắng làm thế nào để những người trong Hội đồng xét duyệt có “con mắt xanh”, thấy rõ: nghệ sĩ nào đóng góp nhiều là NSND, đóng góp ít hơn là NSƯT mà phong tặng cho xứng đáng! Để cho tước vị ấy được tôn trọng và cần phải được tôn trọng, những trường hợp không công bằng sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực của các nghệ sĩ.
Trong sân khấu nói riêng, tôi thấy có vấn đề là số lượng huy chương, rồi còn một số thứ nữa... nhưng tính thế nào với sân khấu xã hội hóa như nghệ sĩ Thành Lộc chẳng hạn, cứ mãi là NSƯT thôi sao? Theo tôi, Thành Lộc phải xứng đáng là NSND hơn một lần rồi. Thành Lộc cùng thời với NSND Hồng Vân, diễn chả kém cạnh gì, vở nào cũng hay, thậm chí còn xuất sắc hơn...
Như trường hợp của bố tôi cũng đáng thắc mắc, nhưng tôi chưa thắc mắc. Bố tôi là ca sĩ Văn Hanh (sinh năm 1927), suốt mấy chục năm đi theo cách mạng rồi về làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông cùng lứa với nghệ sĩ Trần Khánh, Trần Thụ, là em ruột NSND Thương Huyền. Ông là người đầu tiên hát bài Câu hò trên bến Hiền Lương, Tiếng hát rừng cọ đồi chè, Tình trong lá thiếp... Mới đây ông từng xuất hiện trong chương trình Giai điệu tự hào 2 số đầu tiên. Cho đến bây giờ, Đài Tiếng nói Việt Nam đã 2 lần đề nghị xét đặc cách, nhưng bố tôi vẫn chưa được danh hiệu gì. Với tư cách là nhà phê bình, tôi hoàn toàn có thể kêu cho bố tôi, nhưng tôi chưa lên tiếng. Khi nghe chuyện xét tặng lần này, Thành Lộc, Chí Trung không lọt vào danh sách, tôi thấy chẳng có gì lạ, bởi nó vẫn tồn tại sự không công bằng với những người có cống hiến thực sự. Nhưng tôi nghĩ, ranh giới mỏng manh, phức tạp này hoàn toàn có thể chế ngự được. Tôi mong rằng Nhà nước đừng để sót trường hợp như bố tôi. Nhân đây tôi cũng xin nói rằng bố tôi đã gần 90 tuổi, gần đất xa trời rồi mà vẫn cứ đau đáu với chuyện xét duyệt này.
Trong văn học nghệ thuật cũng vậy, nếu không ghi nhận công lao của thế hệ vàng sẽ khiến người ta nản lòng, như thế thì không có lợi cho sự phát triển nói chung.
Nhà viết kịch Chu Thơm: Tiếc cho Chí Trung
“Tôi từng làm thư ký của Hội đồng xét tặng danh hiệu cấp Bộ, cho nên nghĩ rằng, ý kiến của các nhà chuyên môn khi người ta quyết định bỏ phiếu có những lập luận chính xác, nhưng tôi hơi tiếc trường hợp Chí Trung.
Chưa nói về tài năng, tôi nể trọng Chí Trung, bởi anh là một trong những nghệ sĩ miền Bắc luôn đi đầu trong việc xã hội hóa sân khấu, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tôi rất thích câu của anh đại ý: “Vở diễn của sân khấu xã hội hóa không được quyền chết, còn vở diễn của sân khấu công lập thì được phép chết ngay sau khi cắt băng khánh thành ngập tràn hoa và rộn ràng tiếng vỗ tay nhưng sau đó là đưa thẳng về nhà kho”.
Anh là người luôn xoay xở với công việc cùng anh em, luôn muốn những vở diễn được làm ra phải bán được vé, phải có đời sống dài lâu, đảm bảo được đời sống của ê-kíp làm. Anh được coi là con người làm việc vì cộng đồng. Hiện nay giới sân khấu có rất nhiều NSND, nhưng tôi nghĩ muốn là nghệ sĩ của danh hiệu cao quý ấy, trước tiên phải sống được trong lòng nhân dân.
Nguyễn Anh Dũng, một nghệ sĩ biểu diễn tài năng, vai chính của hàng trăm vở diễn, hàng chục bộ phim nhựa, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nhưng khi mất vẫn chỉ là NSƯT. Trong điếu văn, anh Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đọc đại ý: “Từ trường hợp NSƯT Anh Dũng sống những năm cuối có biểu hiện trầm cảm, xa lánh bạn nghề, chúng ta hãy chú ý tới nhau khi ta còn sống, khi ta còn khỏe mạnh, còn làm nghề... để sẻ chia với nhau những vui buồn, khúc mắc hơn là sống vô cảm rồi nói những lời tiếc thương có cánh sau khi đồng nghiệp đã đi vào cõi vĩnh hằng…”.
Trong bài Tản mạn sân khấu Sài Gòn đăng trên báo Thể thao & Văn hóa cách đây vài năm, tôi viết rằng, mỗi lần vào Sài Gòn tôi lại chạnh lòng khi nghĩ đến việc một nghệ sĩ đầy tài năng, tâm huyết với nghề có ảnh hưởng lớn trong giới sân khấu cả nước như Thành Lộc mà giờ vẫn chỉ là NSƯT hay Ái Như, một nghệ sĩ có tài, có tâm, một trong hai người sáng lập Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn chưa có danh hiệu. Hay Võ Trọng Nam và Lê Văn Định vẫn là những đạo diễn, họa sĩ tài năng không danh hiệu…
Tôi luôn mong muốn Hội đồng xét tặng danh hiệu bên cạnh việc cân đo đong đếm số giải thưởng đủ tiêu chí còn cần tính về ảnh hưởng tích cực của nghệ sĩ được xét tặng đến đồng nghiệp và sự phát triển của nghệ thuật sân khấu”.
NSƯT Đức Trung: Nhiều nghệ sĩ có nhiều huy chương nhưng không có công chúng...
Nguyên là Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Đức Trung bày tỏ: “Tôi đã nghỉ hưu, do vậy không theo dõi các hoạt động chung nhiều. Nhưng lâu nay tôi thấy việc phong tặng các danh hiệu này vẫn còn bất cập, và dư luận xung quanh cũng có rất nhiều ý kiến, tôi có những cái cũng rất phật ý trong xung quanh việc xét chọn này. Tại sao Chí Trung, Minh Hằng không được đưa vào, trong khi so với người ở nhà hát khác được đưa vào, không thua kém gì, thậm chí công chúng còn chẳng ai biết đến tên những người đó? Tôi thấy nhiều nghệ sĩ có nhiều huy chương nhưng không có công chúng...”.
An Như (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags