Bảo vật Quốc gia là dấu mốc khẳng định những giá trị văn hóa phi vật thể độc nhất của nền văn hóa thời kỳ Hùng Vương dựng nước trên vùng Đất Tổ - Phú Thọ trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có năm bảo vật Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận là: Trống đồng Đền Hùng và Bộ khóa đai lưng bằng đồng thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng; Tượng Mẫu Âu Cơ thuộc Khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa; Sưu tập Nha Chương thuộc Bảo tàng Hùng Vương và Bệ đá hoa sen chùa Xuân Lũng, huyện Lâm Thao. Đây đều là những hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu được bảo tồn và gìn giữ qua nhiều đời nay…
Tại Bảo tàng Hùng Vương thuộc Khu di tích đang trưng bày gần 700 hiện vật và tư liệu hình ảnh, tài liệu, trong đó các hiện vật khảo cổ được lựa chọn trưng bày thuộc bốn giai đoạn văn hóa: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Trong số các hiện vật được trưng bày có hai bảo vật Quốc gia là Trống đồng Đền Hùng và Bộ khóa đai lưng bằng đồng.
Trống đồng Đền Hùng được tìm thấy ngày 5/8/1990 ở mé Tây núi Nghĩa Lĩnh, cách Đền Hùng gần 500m. Theo các nhà khảo cổ học, trong tổng số gần 1.000 trống đồng Đông Sơn được tìm thấy đến nay, đây là chiếc trống đồng thuộc loại Heger I duy nhất tìm được quanh khu vực Đền Hùng nói riêng và khắp vùng tả ngạn sông Thao (từ Lào Cai về đến Việt Trì).
Trống nặng 90kg, có đường kính mặt 93cm, đường kính đáy 94cm, cao 66cm. Trống có kiểu dáng cân đối, được đúc liền mạch, kết cấu vững chãi thể hiện trình độ và kỹ thuật luyện kim đúc đồng đã đạt tới đỉnh cao, trang trí bằng những hoa văn tinh xảo, khá phong phú và cách điệu cao, miêu tả cảnh sinh hoạt rất sinh động, phản ánh tư duy và cuộc sống của con người. Hình người được cách điệu, hình chim lạc, cóc sinh động cho thấy nghệ thuật trang trí đã đạt tới mức điêu luyện.
Thân trống chia làm ba phần: Tang phình ra to hơn mặt trống, thể hiện rõ nét sự tồn tại của người Lạc Việt thời cổ đại với các hình thuyền, hình người được bố trí đồng đều, xen kẽ giữa các hoa văn lông công, vành tròn, vạch xiên... Theo ý kiến của một số nhà khoa học, đây có thể là chiếc trống đã được sử dụng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để cầu cho mưa thuận, gió hòa của cư dân nông nghiệp.
Bảo vật Quốc gia Bộ khóa đai lưng bằng đồng (niên đại văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2500 - 2300 năm), được phát hiện trong lần khai quật di chỉ khảo cổ Làng Cả (phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì) vào năm 1976. Bộ khóa làm từ chất liệu đồng thau, màu xanh xám, gồm bốn cặp rùa (tám con) móc lại với nhau.
Theo nghiên cứu của các nhà lịch sử, khoa học, bảo vật này biểu trưng cho quyền lực của thời Hùng Vương, người đeo bộ khóa đai lưng bằng đồng này là các thủ lĩnh. Cùng với giá trị chứng minh lịch sử, bộ khóa đai lưng bằng đồng còn thể hiện trình độ luyện kim đồng thau tinh xảo, tư duy thẩm mỹ cao của tổ tiên chúng ta thời Hùng Vương.
Đặc biệt, nghệ thuật trang trí rất tinh tế và có tính biểu tượng cao với việc tạo hình mặt ngoài của mỗi bộ phận trong đai lưng là hình bốn con rùa và xen lẫn với các hoa văn xoắn ốc hình chữ S. Hình rùa chạm trên mặt đai lưng cũng đã được cách điệu rất độc đáo. Chính nhờ điều này mà bộ khóa đai lưng bằng đồng thời Hùng Vương được các nhà nghiên cứu, khảo cổ học đề nghị xếp vào danh mục bảo vật Quốc gia còn vì sự hiếm có của nó.
Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang cho biết: Nhằm tăng cường công tác bảo vệ an toàn cho các bảo vật Quốc gia, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã lắp đặt hệ thống camera giám sát để hỗ trợ công tác bảo vệ; hệ thống báo động chống trộm; các phương tiện phòng chống cháy nổ đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra.
Hai bảo vật: Trống đồng Đền Hùng và Bộ khóa đai lưng bằng đồng đều được đặt trong tủ kính năm mặt, trong tủ lắp đặt thiết bị báo động chống trộm; đồng thời bố trí một đội bảo vệ gồm 3 người thay phiên nhau trực gác 24/24h. Các bảo vật được trưng bày ở vị trí dễ thấy để thu hút người dân và du khách đến thăm quan. Hàng năm, riêng Bảo tàng Hùng Vương thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng đón khoảng trên 5 nghìn du khách đến thăm quan, chủ yếu là trong dịp lễ hội.
Không chỉ có hai bảo vật Quốc gia đang được trưng bày tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các bảo vật khác của tỉnh như: Tượng Mẫu Âu Cơ thuộc Khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa; Sưu tập Nha Chương thuộc Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì và Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng, huyện Lâm Thao cũng được các cấp, các ngành, địa phương và người dân đặc biệt quan tâm.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy cho biết: Năm bảo vật Quốc gia trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau, có ý nghĩa, giá trị rất đặc biệt. Các hiện vật được tìm thấy, lưu giữ đã chứng minh văn hóa thời đại Hùng Vương tồn tại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ lâu đời.
Trong đó, mặc dù không phải là hiện vật khảo cổ như Trống đồng Đền Hùng và Bộ khóa đai lưng bằng đồng hay Bộ sưu tập Nha Chương, Tượng Mẫu Âu Cơ có giá trị độc bản, gắn với văn hóa thời đại Hùng Vương, là hiện vật chứng minh cho tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Điểm đặc biệt, đây là tín ngưỡng thờ người Mẹ sinh ra dân tộc Việt, gắn liền với cuộc sống nhân sinh, lịch sử dân tộc và quá trình khai sinh lập ấp, hình thành dân tộc… Khẳng định truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt.
Bảo vật Quốc gia là dấu mốc khẳng định những giá trị văn hóa phi vật thể độc nhất của nền văn hóa thời kỳ Hùng Vương dựng nước trên vùng Đất Tổ - Phú Thọ trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bảo vật Quốc gia là tài sản vô giá không những có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, khoa học, các bảo vật quốc gia còn có ý nghĩa về chính trị, kinh tế…
- Trưng bày 'Tinh hoa Di sản từ những con tàu cổ' - bảo vật Quốc gia
- Thừa Thiên - Huế xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho bảo vật quốc gia Cửu đỉnh
- Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia Cửa võng đình Diềm ở Bắc Ninh
Vì vậy, ngoài việc bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật Quốc gia còn cần chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu, xuất bản các ấn phẩm chuyển tải thông tin, hình ảnh liên quan đến bảo vật, là các tài liệu hữu ích và cần thiết trong tôn vinh, quảng bá văn hóa, lịch sử cũng như các giá trị tốt đẹp của dân tộc với du khách trong nước và quốc tế, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trong hành trình trở về với nguồn cội.
Phú Thọ - Miền đất của những di sản văn hóa
Phú Thọ có tổng diện tích tự nhiên 3528 km2, cách trung tâm Hà Nội khoảng 80km về phía Bắc, cách sân bay Quốc tế Nội Bài khoảng 60km. Với vị trí “ngã ba sông” - điểm giao nhau của sông Hồng, sông Đà và sông Lô, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ - mảnh đất thiêng liêng cội nguồn của dân tộc Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử, nơi đây hiện đang lưu giữ hàng nghìn di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh độc đáo.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Phú Thọ hiện đang bảo tồn, phát huy giá trị 1372 di tích lịch sử: 161 di tích khảo cổ học, 262 chùa, còn lại là di tích kiến trúc nghệ thuật hoặc dấu vết kiến trúc và các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Trong số đó có di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt; 73 di tích được xếp hạng quốc gia, 12 di tích lịch sử; 207 di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Cùng với các giá trị văn hóa vật chất như hệ thống di tích đình, chùa, đền, miếu và các di tích khảo cổ học, Phú Thọ còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, mỹ thuật, nghề thủ công truyền thống... mang đậm sắc thái cội nguồn dân tộc. Theo thống kê, Phú Thọ có 260 lễ hội các loại, trong đó có 223 lễ hội dân gian, 32 lễ hội lịch sử Cách mạng, 5 lễ hội tôn giáo, 1 lễ hội quy mô cấp quốc gia.
Hiện tại có 92 lễ hội được bảo tồn, lưu giữ hoàn chỉnh cả phần lễ - hội - trò diễn tại các địa phương; 43 lễ hội được tổ chức thường xuyên hàng năm và trở thành nét văn hóa đặc sắc vùng Đất Tổ. Nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, độc đáo như: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, hội Trò Trám Tứ Xã, hội Phết Hiền quan, hội Bơi chải Bạch Hạc, hội Xoan Kim Đức, Phượng Lâu, hội rước voi Đào Xá, hội giã bánh dầy Mộ Chu Hạ, hội nấu cơm thi Gia Dụ… Trong đó, có nhiều lễ hội mà tầm ảnh hưởng đã lan tỏa trong một vùng rộng lớn như Lễ hội Đền Hùng mang tính cả nước được kết tinh từ nét đẹp các hội làng của vùng Đất Tổ.
Bên cạnh đó, Phú Thọ còn có các loại hình di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng khác như: Xoan, Ghẹo, Trống quân, Trình nghề, Chàm thau, Đâm đuống, múa Tùng dí, múa Mỡi, múa Chuông... của đồng bào các dân tộc. Về ẩm thực có các món ăn đặc sắc của các dân tộc như: Xôi ngũ sắc, lợn thui, cá đốt, bánh tai, bánh chưng, bánh giầy... đã khẳng định thêm một lần nữa những dấu tích văn hóa, tín ngưỡng, cuộc sống, phong tục tập quán vô cùng phong phú của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Ngày 24/11/2011, UNESCO đã công nhận Hát xoan - Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại với những giá trị cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác. Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần với hình thức nghệ thuật đa yếu tố, gồm có ca - vũ - nhạc, thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương - Phú Thọ, một tỉnh trung du Việt Nam. Hát xoan còn được gọi là khúc môn đình (hát cửa đình), tương truyền có từ thời các vua Hùng. Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần và thường được tổ chức vào mùa xuân để đón chào năm mới. Hát Xoan có 3 hình thức: Hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên. Hiện nay cả bốn phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét đều nằm ở 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu thuộc thành phố Việt Trì.
Sau khi Hát Xoan Phú Thọ được Unesco ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, việc khôi phục và duy trì thường xuyên hoạt động của bốn phường Xoan gốc được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp cộng đồng nhận diện, bảo tồn phát huy giá trị di sản đã được triển khai như: Khôi phục miếu Lãi Lèn; hỗ trợ, trang phục, đạo cụ biểu diễn, duy trì kinh phí hoạt động, tổ chức các lớp truyền dạy Hát Xoan; giao lưu giữa các phường Xoan; quảng bá Hát Xoan trong dịp lễ hội Đền Hùng, trên các phương tiện truyền thông Trung ương và địa phương; đưa chương trình học Hát Xoan vào trường phổ thông các cấp... Nhờ đó, đã làm cho nhận thức của cộng đồng về Hát Xoan dần được nâng cao, không gian Hát Xoan được mở rộng... Với những nỗ lực trên, Phú Thọ đã thành công trong việc đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hát Xoan Phú Thọ được công nhận tháng 12/2017 là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày 6/12/2012, UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lần đầu tiên một di sản văn hóa của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng.Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là phong tục có từ lâu đời và đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống tiêu biểu, thể hiện chữ hiếu, lòng biết ơn và triết lý “Con người có tổ, có tông”. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của người Việt, có sức lan tỏa rộng khắp trong mỗi gia đình, trong cộng đồng xã hội và trở thành điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ rồi sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm Vua Hùng. Văn Lang là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt, được cai trị bởi 18 đời vua. Các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ tưởng niệm mà trung tâm là núi Nghĩa Lĩnh và lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ.
Cộng đồng người Việt nhận rõ sự thờ phụng Hùng Vương là Di sản văn hóa của mình cần được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ sau. Có thể coi đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập, tự chủ lâu dài và ước mơ về sự phồn vinh của Quốc gia dân tộc. Ngày nay, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đạt đỉnh điểm của sự thăng hoa để trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân. Khẳng định vị thế vững chắc trong đời sống xã hội đương đại.
Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới có tục thờ Quốc Mẫu độc đáo như ở Việt Nam. Tục thờ Quốc Mẫu không chỉ phản ánh nét sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng của dân gian mà còn cho thấy sự tri ân và tấm lòng tôn trọng đạo hiếu đối với tổ tiên của người việt. Phú Thọ là nơi khởi thủy của mỹ tục thờ mẫu Âu Cơ, là nơi tương truyền rằng mẹ Âu Cơ cùng 49 người con chọn dừng chân khai khẩn đất hoang, dạy dân cày cấy. Đền Mẫu Âu Cơnay thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọlà một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc.Ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ phủ tán xum xuê, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Tuy không đồ sộ nhưng Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ có giá trị cao về mặt nghệ thuật kiến trúc.
Đền Mẫu Âu Cơ gắn với Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ đã trở thành một nét đẹp trong tinh hoa văn hóa của người Việt.Hình tượng mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng nước Việt trong một bọc trăm trứng đã trở thành hình tượng bất hủ sống mãi trong tư tưởng tình cảm và tâm trí của các thế hệ người Việt Nam. Hàng năm, không chỉ người dân trong vùng mà cả du khách thập phương từ nhiều nơi khác cùng hội tụ về đây vui đón Lễ hội Đền mẫu Âu Cơ diễn ra vào ngày 7 tháng Giêng là ngày “Tiên giáng”.Trong các ngày diễn ra lễ hội, trước sân đền và tại đình làng còn có nhiều trò chơi dân gian như: đu tiên, cướp cờ, đánh phết, hát ghẹo, hát xoan... thu hút sự tham gia của người dân địa phương lẫn du khách hiếu kỳ.
Ngày nay, đồng bào ta dù đi xa tới đâu, dù đang hạnh phúc hay hoạn nạn, vẫn có một nơi để trở về. Đó là nơi mẹ Âu Cơ đã để lại dải lụa đào rồi bay về trời. Hình ảnh người mẹ nhân từ của dân tộc vừa nhắc nhở mỗi chúng ta luôn khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa tiếp thêm sức mạnh cho dòng giống Tiên Rồng giữ vững tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường để xây dựng và bảo vệ từng tấc đất tổ tiên truyền lại.
Phú Thọ còn được biết đến với nhiều điểm văn hóa tâm linh, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham quan, bái lễ, cầu may mắn, bình an, hạnh phúc cho toàn thể gia đình. Một trong những ngôi đền và lễ hội được người dân chờ đón, hàng năm thu hút hàng nghìn lượt người đến bái lễ đó là Đền Lăng Sương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Đền Lăng Sương là ngôi Đền gắn liền với thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham quan, bái lễ, nhất là dịp đầu năm và cuối năm (đầu năm đi bái lễ, cuối năm đi tạ lễ). Khi đến đây, du khách không chỉ cầu may mắn, bình an, hạnh phúc cho gia đình và người thân mà còn được trở về với nguồn cội dân tộc. Đây cũng là ngôi đền duy nhất hiện nay thờ cả gia đình Thánh Tản Viên Sơn - một trong những vị thần được nhân dân tôn vinh là “thượng đẳng tôi linh” “đệ nhất phúc thần” đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian thờ thần của người Việt đã có công giúp dân trị thủy, khai hóa đất hoang, dạy dân trồng lúa nước, giết thú dữ, dẹp giặc ngoại xâm. Đặc biệt, khi lớn lên thành tài, là bộ tướng, là phò mã, chính Tản Viên Sơn đã khuyên Vua Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi cho Thục Phán để giữ tình đoàn kết, tránh nội chiến kéo dài không cần thiết rồi về núi Tản sống với vợ là Công chúa Ngọc Hoa. Với những công lao to lớn của Ngài, nhân dân đã lập đền thờ, quanh năm hương khói tri ân công đức.
Thảo Nhi
Tags