(TT&VH Cuối tuần) - Cái tên NTK Phương My còn xa lạ với làng thời trang Việt nhưng thương hiệu thời trang Phương My đã có những thành tựu được ghi nhận tại làng thời trang Mỹ.
Năm 2010 cô thắng giải Discarded To Divine (gây quỹ từ thiện cho người vô gia cư) và được triển lãm ở DeYoung Museum - bảo tàng lớn nhất tại San Francisco; 9/2010 thắng giải Are You Runway Ready và được tài trợ 10.000 USD để tham gia New York Fashion Week - mở màn show Spring 2011 của New York Fashion Week năm đó; tháng 9/2010 được mời tham dự Macy’s Fashion Night Out, một trong những sự kiện thời trang lớn nhất tại Mỹ; 5/2011 được mời tham gia Black V Fashion Show với vai trò 1 trong 5 nhà thiết kế đang có tiếng nhất ở San Francisco; 8/2011 được mời tham gia Tokyo Fashion Fuse ở Nhật với sự tài trợ của hãng xe Lamborghini; 9/2011 tham gia New York Fashion Week Spring 2012. Không chỉ thiết kế, kinh doanh thời trang, Phương My còn là stylist của những tạp chí thời trang danh tiếng như Vogue, Harper’s Bazaar, Elle, Her World…
Và trong Elle Fashion Show Thu Đông đã diễn ra tại khách sạn InterContinental TP.HCM vào tối 29/10, khán giả Việt Nam lần đầu tiên được ngắm bộ sưu tập của Phương My, một trong 4 nhà thiết kế tham gia sự kiện thời trang đáng chú ý này.
NTK Phương My (đứng giữa) tại New York Fashion Week Spring 2012
* Vốn là dân chuyên toán, điều gì đã thúc đẩy chị dứt khỏi môi trường toán học mà chị đã gắn bó suốt những năm học phổ thông để “nhảy” từ Khoa Toán UCLA sang học thiết kế thời trang tại Academy Of Art University (San Francisco)?
- Từ nhỏ tôi đã rất thích vẽ, mỗi lần đi học ngồi trong lớp có thời gian rảnh là tôi lại hí hoáy ngồi vẽ, vẽ lên vở tập, lên những chỗ trống của sách, lên bàn…, cứ có chỗ nào trống trống trước mặt là lấy bút vẽ lên. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghề vẽ cả. Có lẽ vì gia đình tôi không chú trọng nghệ thuật và bố mẹ luôn muốn tôi học thật giỏi những môn như Toán, Anh, Văn, còn Hội họa chỉ là giải trí nếu có thời gian. Ba mẹ luôn kỳ vọng rất cao ở tôi và anh trai, muốn 2 anh em phải học trường giỏi nhất, được điểm cao nhất, đi theo con đường kinh tế, bác sĩ hay luật sư. Nên cho tới khi vào đại học, tôi vẫn không có ý định theo nghệ thuật. Tình cờ một hôm đi ăn tối với một người bạn mới quen, bạn hỏi tôi thích làm gì nhất, tôi thành thật trả lời là mình rất thích vẽ, thích thời trang và quần áo, thích có thể tự vẽ những kiểu quần áo cho riêng mình. Bạn hỏi: “tại sao lại học chuyên toán ở UCLA?”, tôi nghĩ mãi mà vẫn không biết câu trả lời. Đêm hôm đó tôi không sao ngủ được, một câu hỏi đơn giản như vậy sao mình lại có thể nghĩ mãi mà không hiểu. 2 tuần sau tôi xin rút hồ sơ khỏi UCLA và chuyển sang Trường nghệ thuật San Francisco để đi tìm câu trả lời cho riêng mình. Bây giờ nghĩ lại thấy lúc đó mình thật trẻ con và bốc đồng, nhưng nếu được làm lại, có lẽ tôi sẽ vẫn làm y như thế.
Một mẫu thiết kế của Phương My
* Chị xây dựng thương hiệu thời trang của mình như thế nào ở xứ sở của hằng hà sa số những thương hiệu thời trang và cái nào cũng thuộc hàng “khủng”?
- Thương hiệu Phương My ra đời trong khi tôi đang học đại học năm thứ ba. Lúc đó nhà trường muốn các học sinh học thiết kế năm thứ ba phải đi đến quỹ từ thiện dành cho người vô gia cư, và tham gia vào dự án để gây tài trợ cho quỹ. Tôi đã xin tham gia để thiết kế một bộ quần áo từ những đồ second-hand mà mọi người quyên góp vào cho quỹ từ thiện trong năm vừa rồi. Trong dự án đó, tôi được chọn 2-3 vật liệu để tạo nên 1 bộ quần áo mới. Tôi đã dùng rèm treo cửa và áo sơ-mi cũ để may thành váy đầm. Thật may mắn là tác phẩm tôi làm được chọn và thắng cuộc thi năm đó. Váy của tôi được triển lãm ở DeYoung Museum, viện bảo tàng lớn nhất ở San Francisco. Khi tôi đưa bài dự thi, tôi quyết định giữ tên tiếng Việt của mình, và cũng lấy tên đó làm thương hiệu luôn.
* Nước Mỹ rộng lớn và có quá nhiều người tài giỏi, khát khao tìm đến đó lập nghiệp, chị làm thế nào để tạo dựng chỗ đứng của riêng mình?
- Tôi nghĩ bất cứ nhà thiết kế trẻ nào khi muốn xây dựng thương hiệu riêng của mình ở một trung tâm thời trang lớn như ở Mỹ đều gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ riêng gì NTK gốc Á. Ở đây họ rất trọng dụng người có tài. Không phân biệt bạn là người Á, Âu hay từ bất cứ quốc gia nào, nếu bạn có bản lĩnh, tài năng và chăm chỉ, bạn sẽ tìm được chỗ đứng của riêng mình ở đây. Có nhiều người nói, ngành thời trang không quan trọng bạn biết những gì, mà quan trọng là bạn quen những ai. Vì vậy, những bước đầu để một NTK trẻ bắt đầu gây được tiếng vang ngoài việc phải tạo nên phong cách riêng, ghi lại được dấu ấn, còn phải tạo ra rất nhiều mối quan hệ có thể giúp mình đi được xa hơn, vững chắc. Để làm được điều đó, ngoài việc có tài, còn phải rất chăm chỉ và khéo léo trong mỗi bước đi. Tôi nghĩ quan trọng không phải là mình chạy được thật nhanh, thật xa, mà là mỗi bước đi của mình phải thật vững chắc.
Những thiết kế của Phương My trên sàn diễn thời trang quốc tế
* Chị đến được với các Fashion Week danh tiếng như New York, Tokyo chỉ sau một thời gian ngắn gia nhập làng thời trang. Chị có thể chia sẻ về con đường đưa chị đến những chương trình đáng mơ ước của các NTK trẻ này?
- Để có thể trình diễn BST trong tuần lễ thời trang tại New York cần kinh phí rất lớn. Một show nhỏ ở các phòng tranh hay những điểm nghệ thuật đang “hot” trong thành phố đã cần tới 30.000 - 50.000USD/đêm diễn. Một show diễn của các thương hiệu lớn ở Lincoln Center hay Bryant Park sẽ phải trả kinh phí xấp xỉ 100.000USD. Tôi là NTK trẻ và không có nhiều tiền như vậy nhưng tôi luôn mơ ước, từ những năm đầu tiên học tại trường nghệ thuật, để bộ sưu tập của mình có thể được trình diễn trong 1 show riêng tại thành phố New York vào tuần lễ thời trang. 4 tháng trước khi tuần lễ thời trang diễn ra, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc làm sao có thể ra mắt BST của mình với mọi người. Rất may mắn, qua sự giới thiệu của một số người bạn quen trong thời gian làm việc, tôi được gặp chủ một quỹ đầu tư ở New York. Ông nổi tiếng vì trong thời gian gần đây đã dành ra rất nhiều tiền đầu tư vào nghệ thuật, cũng như đóng góp rất nhiều cho các quỹ từ thiện thông qua các chương trình thời trang. Quỹ từ thiện do ông sang lập có thành viên là những người có tiếng nói và tên tuổi trong làng thời trang như: Laura Brown (Giám đốc Harper’s Bazaar’s), Pamela Skaist-Levy (Founder Of Juicy Couture), Miranda Kerr, Eva Hughes (Tổng biên tập Vogue Latin)… Tôi mang rất nhiều đồ do mình thiết kế đến văn phòng ông và xin được tài trợ để làm show tại New York. Tôi đã thật sự may mắn khi con gái của ông lúc đó cũng có mặt, cô rất thích váy do tôi thiết kế. Ông đã đồng ý tài trợ cho show diễn của tôi ở New York với điều kiện tôi sẽ may váy cho con gái ông, và 5 bộ váy đắt nhất trong BST sẽ được bán đấu giá để quyên góp cho quỹ từ thiện.
* Quan sát đời sống thời trang trong nước thời gian gần đây, chị nhận xét thế nào?
Tôi nghĩ quan trọng không phải là mình chạy được thật nhanh, thật xa, mà là mỗi bước đi của mình phải thật vững chắc.
- Thời trang Việt đang có những bước tiến lớn nhưng vẫn gặp những vấn đề khó tránh. Từ chuyện nhỏ như tìm một tờ giấy vẽ tốt hoặc mẫu vải để lên được màu mình mong muốn cũng khó. Tôi biết có rất nhiều NTK nổi tiếng của Việt Nam phải qua Thái Lan mua vải ở 2 tiệm vải nổi tiếng bán hàng nhập từ châu Âu và nhiều nước có vải đẹp nhưng với giá rất đắt, có những loại vải họ bán đắt gấp rưỡi so với mua ở Mỹ. So thu nhập của NTK ở VN thì làm như thế là rất xa xỉ nhưng họ không có sự lựa chọn. Trong khi đó, để làm nên một bộ thời trang thì cần rất nhiều thứ, từ vải, thợ may… Tôi từng đi tìm thợ may ở Việt Nam thì thấy họ thường là cha truyền con nối, không được đào tạo bài bản nên có tình trạng khi may lên một cái váy đáng lẽ phải cần 5 bước thì chỉ may 2 bước thôi, 3 bước kia bị bỏ vì cho là không cần thiết, nhưng thực chất, 3 bước kia là 3 bước làm cho cái váy lên được cái dáng mà nó cần có. Chính vì thế, để sản xuất hàng đại trà thì ở VN chỉ may được những kiểu đơn giản vì những mẫu quá khó sẽ không đủ kỹ thuật để làm. Thợ may ở nước ngoài chuyên biệt từng ngành, ví dụ thợ chuyên về quần thì chỉ làm quần còn thợ chuyên áo, váy thì chỉ làm áo, váy. Có thợ chuyên về may đồ nam thì làm những đường nét ở vai rất tốt, có thợ chuyên về đồ nữ thì làm những đường nét mềm mại. Một bộ sưu tập thường cần 5-6 người may để chuyên trách từng bộ phận.
Ở Mỹ, khi học thiết kế phải tạo được kiểu bằng vải nháp lên từng phom người rồi lấy vải nháp xuống vẽ lên giấy, từ giấy mới rập lên vải chính. Nhưng ở VN, người ta thường vẽ lên vải chính trước rồi may luôn, đó là lý do vì sao VN có thể may một cái váy trong vòng 1-2 ngày, trong khi ở Mỹ người ta phải mất 1-2 tuần, nhưng dáng lên sẽ rất khác.
* Tham gia nhiều show thời trang quốc tế, sao đến bây giờ chị mới quyết định xuất hiện tại Elle Fashion Show lần này?
- Tôi tham gia Elle Fashion Show vì rất muốn giới thiệu BST của mình với người Việt Nam. Tôi rất kỳ vọng và rất vui vì những thành quả mà thị trường thời trang Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được. Tôi thật sự vinh dự khi được đóng góp trong sự phát triển này.
* Cảm ơn chị.
Dương Vân Anh (thực hiện)