(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 19/6, NXB Trẻ đã có buổi ra mắt 4 ấn phẩm về nghề báo nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, gồm: Làng báo Sài Gòn 1916 - 1930; Hơn cả tin tức - Tương lai của báo chí; Báo Quấc ngữ Sài Gòn thế kỷ 19 (*); Trận tuyến công khai giữa Sài Gòn.
Làng báo Sài Gòn 1916 - 1930 của tác giả Philippe M.F. Peycam do Nguyễn Đức Tài chuyển ngữ, đây là công trình nghiên cứu độc lập về báo chí Sài Gòn thời kỳ đầu Pháp thuộc. Cho đến nay, chưa có công trình nào như vậy bằng tiếng Anh nghiên cứu về báo chí Sài Gòn giai đoạn này.
Hơn cả tin tức - Tương lai của báo chí của tác giả Mitchell Stephens do nhóm: Dương Hiếu, Kim Phượng và Hiếu Trung chuyển dịch. Hầu hết các nỗ lực xử lý khủng hoảng báo chí hiện nay đều nhấn mạnh vào công nghệ. Tuy nhiên, Stephens nhấn mạnh vào tư duy và nhu cầu tư duy lại về báo chí.
Chẳng hạn, báo chí lâu nay triệt tiêu “cái tôi” của người viết, song chính cái tôi của người viết lại tạo ra bản sắc của tờ báo; vì người đọc đôi khi mua báo vì thích giọng điệu, tư duy trong bài của một tác giả mà mình yêu thích…
Tác phẩm Báo Quấc ngữ Sài Gòn thế kỷ 19 của nhà báo Trần Nhật Vy khi tác giả xem lại các tờ báo thuộc làng thủy tổ của nghề, như: Gia Định báo, Thông loại khóa trình, Nam kỳ nhựt trình và Phan Yên báo.
Cả 4 tờ báo này đều đánh dấu sự nỗ lực của các tiền nhân người Việt khi định hình nền báo chí bản địa giữa lòng thực dân. Đặc biệt, ngôn ngữ dùng trên báo thời đó rất khác bây giờ, chẳng hạn người ta viết “Quấc ngữ” chứ không phải “Quốc ngữ” như hiện nay.
Nhà báo Trần Nhật Vy cho rằng: “Ngôn ngữ nói mãi thành quen, dù vô lý nghe hoài cũng thành có lý. Ví dụ khi bị bệnh, hiện nay người ta nói: Đi khám bác sĩ. Lẽ ra phải nói: Đi bác sĩ khám, mới đúng. Ngôn ngữ một thời dùng trên báo ở thế kỷ 19 có rất nhiều sự thú vị”.
Đặc biệt, cuốn Trận tuyến công khai giữa Sài Gòn gồm bài viết của nhiều tác giả, là tập ký sự về báo chí và người làm báo đấu tranh trực diện với kẻ thù ngay tại Sài Gòn. Cuộc đấu tranh này kéo dài từ thời Pháp thuộc, khi trong báo cáo của Thanh tra thuộc địa ngày 3/3/1898 về lý do phải đóng cửa Phan Yên báo: “Họ (nhà báo) tấn công các quan lại và không kính nể mấy chánh quyền Pháp mà họ đã cố tình bêu xấu trước mắt người dân bản xứ…”.
Các nhà báo tại Sài Gòn trước 1975, đã lập trận tuyến đấu tranh với kẻ thù, bằng các “Ngày ký giả đi ăn mày”, “Ngày báo chí và công lý thọ nạn”…
Có thể nói, 4 tác phẩm về nghề báo được NXB Trẻ ấn hành nhân dịp 21/6 khá thú vị cho những người đang làm nghề báo và những độc giả quan tâm đến nghề nghiệp có tính chất đặc thù này.
* Quấc ngữ chứ không phải "Quốc ngữ" như chính tả tiếng Việt hiện nay.
Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa
Tags