(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 10/6, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ra mắt bạn đọc cuốn sách Đất & Người của Đạo diễn - Nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh.
Cuốn sách dày gần 500 trang, tập hợp các bài viết, các hình ảnh và tư liệu lịch sử được Đạo diễn – Nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh tìm tòi, thu thập trên hành trình đi quay phim của ông cách đây đã 50 năm. Nhiều tư liệu đã được ông dựng thành phim, những tư liệu còn lại được ông đúc kết và tập hợp trong cuốn sách này.
Cuốn sách được chia thành 2 phần. Phần 1 có chủ đề là “Cách mạng”, tập hợp các bài viết bằng góc nhìn khác thẫm đẫm “tinh thần nhăn văn cao cả” về Cách mạng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… về giá của chiến thắng là cái chết trước giây phút hòa bình của những người dân vô tội và cả của những người lính ở hai bên chiến tuyến trưa 30/4/1975 lịch sử.
Phần 2 cuốn sách có chủ đề Đất và Người, gồm các bài viết về bạn bè, về những nghệ sỹ, những đồng nghiệp của ông như nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh, Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, Đạo diễn Hồng Sến, nhà thơ Lưu Quang Vũ, nhà thơ Thi Hoàng, nhà thơ Thanh Tùng…
Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, khi viết về bạn bè, về các nghệ sỹ, đồng nghiệp, Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh rất tinh trong việc "bắt" được đặc điểm nhân vật, ai cũng có hình hài, thần thái không lẫn vào đâu được: “Những năm chiến tranh, Lưu Công Nhân áo chim cò, quần soọc, to như ông tây, đứng phơi nắng bên sông như người nhập hồn”; “Thanh Tùng áo thợ lấm những vết dầu mỡ, lúc đọc thơ mắt đỏ lên như không biết gì”…
Đào Trọng Khánh cũng viết nhiều về Hải Phòng – nơi ông sinh ra và lớn lên, những Sở Dầu, Sáu Kho, Chợ Sắt, Tam Bạc. Đi dọc đất nước, ở đâu ông cũng thấy những hòn đá vọng phu: “Đó là những người vợ lính, chồng đi mãi không về, ôm con lên núi ngóng trông, lâu ngày rồi cả mẹ lẫn con đều hóa đá. Trên thế giới, có lẽ chỉ có những dân tộc nào hiền lành, bị chiến tranh biến thành thảm họa, mới sinh ra những huyền thoại thủy chung đau lòng như vậy suốt mấy ngàn năm”…
Đạo diễn - Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại Kiến Thụy, Hải Phòng. Đầu những năm 1960, trước khi đến với điện ảnh, ông từng là công nhân làm việc trong Cảng Hải Phòng những năm chiến tranh chống Mỹ. Năm 1965, Đào Trọng Khánh quyết định chọn lĩnh vực phim tài liệu cho sự nghiệp nghệ thuật của mình. Ông đã trực tiếp cầm máy quay ghi lại những thước phim lịch sử về Hải Phòng trong những ngày bị máy bay Mỹ bắn phá.
Đạo diễn - Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh đã có nhiều năm làm việc tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Ông đã đảm nhiệm qua hầu hết các vai trò như viết kịch bản, viết lời bình, làm đạo diễn cho hàng chục bộ phim tài liệu khác nhau. Dù làm việc ở cương vị nào thì những bộ phim ông tham gia sản xuất luôn tạo được một phong cách nghệ thuật riêng, bởi chất thơ được khéo léo sử dụng trong một thể loại điện ảnh vẫn thường được coi là khô khan, khó tiếp nhận với phần lớn khán giả như thể loại phim tài liệu. Ông là một trong những đạo diễn, nhà sản xuất hàng đầu của nền điện ảnh tài liệu Việt Nam.
Với những đóng góp cho điện ảnh Việt Nam nói chung và lĩnh vực phim tài liệu nói riêng, Đạo diễn - Nghệ sỹ Nhân dân Đào Trọng Khánh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân năm 2000 và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007.
Phương Lan/TTXVN
Tags