(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, dưới bàn tay dàn dựng của NSƯT Kim Tử Long, vở cải lương Rạng ngọc Côn Sơn đã chính thức ra mắt khán giả TP. HCM. Ra đời cách đây gần 40 năm, vở diễn này là một trường hợp khá đặc biệt trong đời sống cải lương, và mang theo nó nhiều câu chuyện.
- Rạng ngọc Côn Sơn: “Nghèo” khán giả nhưng “giàu” chất lượng
- Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dựng lại Rạng ngọc Côn Sơn
1. Trước buổi ra mắt này, Rạng ngọc Côn Sơn (của Công ty dịch vụ giải trí Kim Tử Long) cũng đã có buổi diễn vào ngày 6/9 trong khuôn khổ Liên hoan cải lương toàn quốc và được Hội đồng nghệ thuật đánh giá khá cao.
Thực tế, vụ án Lệ Chi viên - án oan thảm khốc bậc nhất lịch sử Việt Nam - là đề tài không mới và từng được khai thác ở nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu truyền thống. Vậy nhưng, Rạng ngọc Côn Sơn là một trong những tác phẩm được dàn dựng và biểu diễn sớm nhất về đề tài này. Đầu thập niên 1980, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã dựng Rạng ngọc Côn Sơn, với 2 nghệ sĩ tài danh Minh Vương và Ngọc Giàu trong các vai Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Vậy nhưng, ít ai biết, thời điểm ấy, việc vở diễn được dàn dựng không hề đơn giản. Mượn câu chuyện lịch sử về người tài đức bị gian thần hãm hại, vận nước ngửa nghiêng khi tham quan nhiễu hại dân lành, tác giả Xuân Phong đã gửi gắm rất nhiều suy tư, trăn trở về cuộc sống, về thời cuộc vào kịch bản Rạng ngọc Côn Sơn. Vậy nhưng, vì những lý do không ai rõ, vở diễn mãi vẫn bị "treo", không được ra mắt khán giả - cho đến khi người trong cuộc phải nhờ tới Bí thư Thành ủy TP.HCM lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt - Thủ tướng Chính phủ sau này.
"Anh em gỡ rối bằng việc mở một suất hát, mời riêng chú Sáu Dân coi. Xem xong, chú Sáu nói đại khái là: Vở này nếu ai tốt sẽ thấy nó tốt, còn ai xấu sẽ thấy nó xấu" - tác giả Xuân Phong kể - "Sau đấy, vở được diễn, rồi trở thành một hiện tượng của sân khấu cải lương trong suốt nhiều năm ròng".
Ở tuổi 90, tác giả Xuân Phong vẫn còn minh mẫn, ông đánh giá cao bản dựng mới của NSƯT Kim Tử Long với những nỗ lực “làm mới" cải lương về đề tài lịch sử hấp dẫn hơn. Những đại cảnh được dàn dựng hoành tráng, phần vũ đạo, âm nhạc được thêm vào đều hợp lý, giúp đẩy nhanh tiết tấu vở diễn, dễ tiếp cận với khán giả trẻ mà không ảnh hưởng đến tinh thần kịch bản gốc.
Không những thế, NSƯT Kim Tử Long còn mạnh dạn tạo đất diễn cho các diễn viên trẻ đi lên từ các cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ, Bông lúa Vàng, Đường tới Danh ca Vọng cổ, như: Minh Trường, Thanh Hậu, Ngọc Huyền…
“Liên hoan là cơ hội tốt để các nghệ sĩ có thể khẳng định năng lực của mình. Chúng ta vẫn có một lớp nghệ sĩ trẻ giàu tiềm năng, khao khát cống hiến nhưng lại thiếu cơ hội làm nghề, thiếu điều kiện để tỏa sáng khi sàn diễn cải lương gặp nhiều khó khăn" - NSƯT Kim Tử Long chia sẻ - "Do vậy, tôi mạnh dạn tin tưởng và tạo cơ hội cho các em".
2. Rạng ngọc Côn Sơn cũng là vở diễn hiếm hoi nghệ sĩ Trinh Trinh trở thành đào chính trong một tác phẩm do chồng mình, NSƯT Kim Tử Long, dàn dựng. Vậy nhưng, Kim Tử Long thẳng thắn cho biết không phải vì “chế độ người nhà” mà cô được ưu tiên.
Thực tế, cô chỉ là lựa chọn thứ ba cho vai Nguyễn Thị Lộ, sau NSƯT Thanh Ngân và NSƯT Quế Trân. Phải “căng mình” cho 2 vở diễn cùng dự Liên hoan là Rạng ngọc Côn Sơn và Hồn của đá, Trinh Trinh chứng tỏ mình đang ở độ chín của sự nghiệp với giọng ca ngày càng nội lực, diễn xuất ngày thêm chững chạc. Sự đằm thắm và tươi trẻ của Trinh Trinh (vai Nguyễn Thị Lộ) hòa quyện với sự tao nhã, thâm tình của Kim Tử Long (vai Nguyễn Trãi) đã tạo nên các lớp diễn trữ tình đặc sắc cho vở.
Đặc biệt, sau 17 năm mới trở lại “ngày hội” lớn nhất của người làm cải lương, NSƯT Phượng Loan là một trong những gương mặt được chờ đợi nhất tại Liên hoan. Là nữ nghệ sĩ được đánh giá rất cao ở khả năng nhập vai đa dạng, diễn xuất hiện đại, tinh tế, NSƯT Phượng Loan luôn mang đến những màu sắc rất riêng cho các vai diễn của mình. Lần này, với nét diễn “tĩnh mà động”, NSƯT Phượng Loan đã tạo nên một Nguyễn Thị Anh đầy cuốn hút: kiêu sa, quyền lực, luôn nhẹ nhàng, từ tốn kỳ thực lại tàn nhẫn đến tận cùng.
“Trở lại với cải lương sau một thời gian dài tôi như tìm lại được cảm xúc hồi hộp, hào hứng trong những lần đầu dự Liên hoan. Tôi hạnh phúc khi có một vai diễn để thỏa sức sáng tạo cho người nghệ sĩ" – NSƯT Phượng Loan chia sẻ- "Quan trọng hơn, chúng tôi muốn bạn bè đồng nghiệp, khán giả thấy rằng: Vẫn có những sân khấu xã hội hóa muốn làm cải lương một cách chỉn chu, tử tế".
Ninh Lộc
Tags