(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, nếu hôm 27/4, các thế hệ học trò của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến tổ chức buổi lễ ra mắt cuốn sách Hoàng Ngọc Hiến trong lòng bè bạn để tưởng nhớ ông. Thì hôm qua, 5/5, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và NXB Hội Nhà văn cũng tưởng nhớ Hoàng Cầm nhân ngày giỗ đầu bằng một hình thức tương tự: ra mắt cuốn sách Hoàng Cầm - Hồn thơ độc đáo.
Sách sắp xếp các bài viết của các tác giả khác nhau vào một số phần nhất định (phần 1: Hồi ức, kỷ niệm; phần 2: Nghiên cứu phê bình; phần 3: Về một số tác phẩm cụ thể; phần 4: Phỏng vấn), tuy vậy, bố cục cũng chỉ là những cái khung ước lệ; từng bài hồi ức - kỷ niệm vẫn có nghiên cứu phân tích và ngược lại.
Từ dự định của chính nhà thơ Hoàng Cầm
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, chủ biên cuốn sách cho biết: “Do chỗ các bài viết về Hoàng Cầm và thơ văn Hoàng Cầm tập hợp vào sách này đều xuất hiện từ những năm 1990 đến đầu những năm 2010, nên cũng có thể gọi đây là một sưu tập Đọc Hoàng Cầm 1990-2010. Bên cạnh đó, tuy có một số bài được viết vào dịp tiễn biệt nhà thơ Hoàng Cầm đi vào cõi vĩnh hằng, song đây không phải một tập sách tưởng niệm. Các bài viết tập hợp vào đây đã đề cập toàn bộ cuộc đời và văn nghiệp Hoàng Cầm. Đặc sắc sáng tạo của ngọn bút Hoàng Cầm, ý nghĩa đa dạng, đa diện tiềm ẩn trong các sáng tác của Hoàng Cầm, được độc giả cảm nhận, được nhà nghiên cứu phê bình phân tích diễn giải”.
Thực ra, sách Hoàng Cầm - Hồn thơ độc đáo là sự tiếp tục một bản thảo đã được chuẩn bị từ lâu: Hoàng Cầm trong lòng bạn đọc, nhưng chưa in. Nhà nghiên cứu kể: “Ý định làm cuốn Hoàng Cầm trong lòng bạn đọc là của chính Hoàng Cầm. Sau khi hoàn thành việc xuất bản bộ Hoàng Cầm Tác phẩm gồm 3 tập (2003-2004), nhà thơ nghĩ ngay đến cuốn sách tập hợp các bài cảm tưởng, phê bình, nghiên cứu về sáng tác của mình. Ông thông báo ý định này với Đoàn Tử Huyến.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lại có ý can, chưa muốn làm ngay lúc đó. Ông kể: “Việc này thật tình đã được nêu ra khi bàn về cấu tạo chung của bộ sách về một tác gia, nhưng với cái ý là “để khi nào đó sẽ làm”. Ngay lúc ấy, ý tôi chưa muốn làm. Có hai lý do. Một là tác phẩm Hoàng Cầm chỉ mới được trở lại với công chúng từ đầu những năm 1990, còn khá ít những bài tiểu luận viết kỹ viết sâu về thơ ông, nếu làm sớm làm vội sẽ chỉ được một tập sách mỏng nhẹ, và cái mỏng cái nhẹ đó sẽ như một điều gì bất nhẫn đối với giá trị thực của văn chương ông. Một điều nữa, hầu như tôi chưa nói với ai: tôi đã thấy những tác gia đang còn khỏe lại đứng ra tổ chức cuốn sách nói về mình, - thứ “tuyển tập văn tế sống” hời hợt kiểu như “Ông X. và bè bạn” ấy chỉ thích hợp với những ai hãnh tiến, đắc thời đắc thế, công lao thì đáng ngờ, lại được hưởng đủ mọi bổng lộc và sự vinh danh, chứ đâu có phù hợp với Hoàng Cầm?”.
Tất nhiên cuốn sách dự kiến ấy vẫn cứ được tập hợp dần dần. Bản thảo tập sách thành hình trên máy rồi trên giấy, dù ban đầu khá mỏng nhẹ, đã lăn qua lăn lại nơi mấy phòng biên tập xuất bản, chuốc lấy những eo sèo đòi cắt xẻo đoạn nọ chữ kia khiến Đoàn Tử Huyến và nhân viên của anh nản lòng, tạm để lại đấy suốt mấy năm. Ban đầu Hoàng Cầm thỉnh thoảng có hỏi han nhắc nhở, nhưng sau biết “Ân, Huyến” gặp khó, ông cũng ngơ đi.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết thêm: “Tôi bận vào nhiều việc khác, vẫn nhớ nhắc anh Huyến bảo nhân viên cập nhật tài liệu mỗi khi thấy xuất hiện các bài viết mới xung quanh sáng tác của Hoàng Cầm. Chính Hoàng Cầm tuy những năm tháng cuối đời chỉ ở yên trên căn gác 43 Lý Quốc Sư (Hà Nội), có lẽ cũng vẫn thường xuyên nhận được từng hồi âm mỗi lúc một dày dặn chắc nặng xung quanh các tác phẩm của mình, từ phía những bạn đọc yêu thơ và những người phê bình nghiên cứu chuyên nghiệp. Cuốn sách mà có lúc ông từng thúc giục bọn tôi làm, có lẽ đã không cần giục giã nữa, vì ông đã được đọc trước, từng trang của nó.
Ngay trong lễ tang nhà thơ Hoàng Cầm, nhiều bạn bè trong và ngoài giới văn nghệ quen biết đã nhắc nhở bọn tôi (Đoàn Tử Huyến và Lại Nguyên Ân), cần làm một tập sách xung quanh sự nghiệp văn chương Hoàng Cầm. Chúng tôi biết, cuốn sách dự kiến từng sợ bị quá mỏng, bây giờ độ dày của nó đang tăng lên. Chúng tôi không còn ngần ngại nữa. Đã đến lúc có thể thực hiện nội dung sau cùng trong bộ sách về tác gia Hoàng Cầm”.
Nhà thơ Hoàng Cầm (trái) và nhà văn Kim Lân
Đây là lần thứ 2, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân làm sách liên quan đến Hoàng Cầm. Lần thứ nhất là với bộ 3 tập đồ sộ Hoàng Cầm - Tác phẩm dày trên dưới 2.000 trang. Lý do để ông làm bộ sách này là bởi đề nghị của chính Hoàng Cầm chứ không ai khác. Cụ thể, năm 2000, nhà thơ Hoàng Cầm liên lạc với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và nhà xuất bản Hội Nhà văn để thực hiện một bộ tuyển tập tác phẩm của ông. Người được ông lựa chọn làm công việc biên soạn là Lại Nguyên Ân. Khác với cách xử sự của nhiều tác gia, trong việc này, Hoàng Cầm có hẳn một cử chỉ chính danh, trang trọng: ông viết một bức thư chính thức - thư viết tay, rất nắn nót - cho GĐ Nhà xuất bản Hội Nhà văn, đề nghị chọn Lại Nguyên Ân là người biên soạn bộ tuyển tập tác phẩm của ông. Nhà xuất bản tất nhiên chẳng đắn đo gì khi tiếp nhận đề nghị ấy.
Về phần nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, ông đi tìm và thống kê tất cả những sách của Hoàng Cầm đã xuất bản hiện có trong Thư viện Quốc gia ở Hà Nội rồi đem đến cho nhà thơ Hoàng Cầm, nhờ ông xem qua trước khi đến mượn chụp (photocopy) mỗi thứ một bản để bắt tay vào dựng bộ tuyển tập. Nhà nghiên cứu cho biết: “Hoàng Cầm chỉ liếc qua rồi bảo, ông cần Lại Nguyên Ân làm công việc sắp xếp cấu tạo bộ sách, còn văn bản các tác phẩm thì gia đình ông sẽ cung cấp, khỏi cần Ân đi sưu tầm. Hồi ấy con trai cả của ông, nhà báo Hoàng Kỳ (nay đã mất) từ Bắc Giang chuyển về làm báo Sức khỏe và đời sống ở Hà Nội, đã đóng vai trò con thoi, thay mặt ông liên lạc với nhà xuất bản, với người biên soạn, với Trung tâm Đông Tây, nên chỉ khi thật cần tôi mới đến gặp ông”.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đề nghị không gọi bộ sách là “tuyển tập” hay “toàn tập” như nhiều người sính dùng, trái lại, chỉ gọi là “tác phẩm”. Ông giải thích: “Từ tiếng Việt vốn không phân chia số ít - số nhiều nên gọi thế đã bao hàm “những” tác phẩm nằm trong bộ sách; hơn nữa, với tên gọi ấy, bộ sách được coi như “tuyển tập” hay “toàn tập” là tùy con mắt người đọc, lại cũng tùy thuộc dung lượng thực của nó, gọi thế lại khỏi bị hớ khi có ai đó bắt bẻ. Tôi sắp xếp tác phẩm Hoàng Cầm trong ba quyển chính: Q. 1: Thơ; Q. 2: Truyện thơ, kịch; Q. 3: Văn xuôi. Ông căn bản tán thành cách làm của tôi”. Đầu năm 2003, bộ sách ra mắt 2 quyển đầu (Thơ; truyện thơ và kịch), đầu năm 2004 ra nốt quyển 3 (Văn xuôi). Hoàng Cầm rất vui.
Nguyễn Phạm