(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ UBND huyện Ba Vì cho biết: Điểm mới của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh 2020 là màn rước kiệu từ đền Hạ (Ba Vì) lên đền Mẫu Lăng Sương (Thanh Thủy, Phú Thọ) để dâng Thánh Mẫu và Phụ thân của Thánh Tản.
Đây là nghi thức được địa phương khôi phục sau một thời gian dài bị thất truyền. Theo đó, kiệu được rước từ đền Hạ tới đền Lăng Sương (Phú Thọ) bằng ô tô, khi về tới cầu Đông Quang sẽ được rước bộ trở về đền Hạ (Ba Vì, Hà Nội).
“Theo truyền thống, kiệu sẽ có nghi thức rước bằng đường thủy qua sông Đà. Tuy nhiên, do là năm đầu phục dựng lễ rước liên vùng này, chúng tôi tạm tổ chức rước bằng đường bộ để phù hợp với điều kiện hạ tầng và đảm bảo công tác an ninh” - ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì, cho biết - “Trong những năm sau, việc rước kiệu sẽ tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện để trở thành nghi thức chính của lễ hội”.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh 2020 diễn ra trong ba ngày từ 31/1 - 2/2 (tức ngày 7 - 9 tháng Giêng). Vài tiếng trước lễ rước kiệu, một nghi thức quan trọng khác là lễ rước nước từ sông Đà về tế Thánh sẽ được bắt đầu vào rạng sáng ngày 31/1. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của lễ hội, với việc 2 thanh niên nam nữ được lựa chọn để chèo thuyền ra giữa sông Đà, lấy nước rước về đền trong giờ Tí.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh gắn với tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh - từng được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào năm 2018. Theo thống kê, tín ngưỡng này bao trùm một vùng không gian văn hóa rộng lớn khu vực Đồng bằng Bắc bộ, trong đó đậm đặc nhất là vùng Xứ Đoài. Riêng tại huyện Ba Vì có khoảng 100 di tích có liên quan tới tín ngưỡng này, đặc biệt là đền Thượng, đền Trung, đền Hạ (thuộc địa bàn hai xã Ba Vì và Minh Quang), đình Tây Đằng (thuộc thị trấn Tây Đằng), đình Thụy Phiêu (xã Thụy An), đình Khê Thượng (xã Sơn Đà)….
Được biết, huyện Ba Vì đang nghiên cứu ý tưởng mở rộng, biến lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thành lễ hội cấp vùng, bao trùm lên các điểm di tích trên toàn huyện.
Sơn Tùng
Tags