(Thethaovanhoa.vn) - Đúng như tên gọi, cuốn tạp văn Loanh quanh Sài Gòn của Lê Công Sơn là cuộc du ngoạn, khám phá loanh quanh một thành phố tưởng quen mà lạ. Thú vị hơn, tác giả là ngòi bút xứ Quảng, vốn có đặc trưng “cãi cọ”, nên nhìn thành phố có nhiều tò mò, phản biện.
Cũng như bao người con tha hương đến mưu sinh ở vùng đất phương Nam, Sài Gòn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Ban đầu có thể là ở sự hiện đại, hào nhoáng của một thành phố năng động với vô số nhà cao tầng và đặc sản… kẹt xe. Tuy nhiên, nếu có thời gian gắn bó và… ngon lành hơn nữa, là lập nghiệp tại đây, thì bất kỳ ai cũng chất chứa trong tâm hồn mình một tình yêu Sài Gòn mãnh liệt.
Vì vậy, không nằm ngoài quy luật đó, Lê Công Sơn có cách yêu riêng cho Sài Gòn khá đặc biệt, đó là ngao du khám phá “miền di sản”, văn hóa trầm tích.
Sách là kết quả của 6 năm loanh quanh, chiêm nghiệm và viết.
Chúng ta ít dành thời gian để khám phá Sài Gòn
Lê Công Sơn nhớ lại quãng thời gian mới vào học đại học, bằng chiếc xe đạp cà tàng mượn của bạn bè trong lớp, anh đã rong ruổi khắp nơi. Ban đầu, bất ngờ khi đến ngôi chùa Một Cột nằm ở quận Thủ Đức, mà bao lâu cứ ngỡ chỉ có ở Thủ đô, rồi ngang qua Nhà thờ Đức Bà, nhìn vội vào Bưu điện TP.HCM…
“Sài Gòn cuốn hút không chỉ bởi lối kiến trúc quá đẹp, mà đằng sau đó quá nhiều câu chuyện lý thú. Cái độc đáo nhất là từng con hẻm, từng góc phố hay hàng cây đơn sơ…, nhiều khi ta vội vàng lướt qua hàng ngày nhưng chính những chúng lại làm nên tầm vóc cho Sài Gòn, khiến ai đã từng rời xa mảnh đất này đều quay quắt nhớ về” - Lê Công Sơn chia sẻ - “Thành phố này cho tôi nhiều thứ mà chắc cho đến tận kiếp sau, tôi vẫn còn nợ không trả hết”.
Nhiều người khi mới đến Sài Gòn, cứ ngỡ nơi này không có ký ức, di sản, truyền thống... Sách của Lê Công Sơn cho thấy không phải như vậy. Khi được hỏi vì sao Sài Gòn như muốn tự che mờ các yếu tố này, anh cắt nghĩa: “Hàng ngày, cuộc sống bon chen mưu sinh cơm áo gạo tiền khiến chúng ta bỏ rơi khá nhiều điều. Sự quan tâm đến ký ức, di sản, truyền thống…liệu có còn/cần không, khi phía trước đầy rẫy nỗi lo toan. Đến Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh…, ngoài số du khách thập phương thì số lượng người dân đang sinh sống ở đây vào xem chắc chắn không nhiều. Lý do đơn giản là quá bận rộn”.
Anh nói thêm: “Trong khi đó, Sài Gòn còn đó rất nhiều câu chuyện di tích, mộ cổ, đình chùa kể mãi vẫn không hết. Nếu có thời gian, hãy thử làm chuyến ngược dòng lịch sử, mọi người sẽ phát hiện ra nhiều công trình kiến trúc xưa, hiện vật quý… tưởng chừng đã lãng quên theo thời gian vẫn đang mỗi ngày song hành với thực tại.
Chỉ cần bước ra khỏi trung tâm, cách thành phố chỉ vài chục cây số vẫn còn cả một khu vực mộ cổ hay ngay tại quận 1 vẫn còn tòa nhà có tên gọi “La Sainte Enfance” - công trình do người Việt tự thiết kế, tự thi công từ năm 1862, như niềm tự hào cho tài và trí của người Việt xưa…
Thực ra chẳng có gì là giấu giếm hay che mờ cả ở đây cả, vấn đề là chúng ta ít dành thời gian để khám phá Sài Gòn thôi”.
“Đất lành chim đậu”
Mảnh đất nghĩa tình phương Nam đầy nắng gió và phóng khoáng này là nơi hội tụ của nhiều người tứ xứ chọn đến lập nghiệp. So với tình cảm ở các vùng quê thì sống tại phố, con người ban đầu gặp thường… cảm giác người lạ, chứ không phải dửng dưng. Đó cũng là điều khá bình thường. Nhưng sau khi đã gắn bó đủ lâu và sâu, sẽ thấy tình người Sài Gòn luôn đầy ắp sự quan tâm và chia sẻ lẫn nhau. Có lẽ chính sự tha hương của những người cùng xa xứ nên tình cảm dễ gắn kết. Chưa thân thiết thì… lạnh lùng vậy, nhưng quen rồi thì “thương nhau không hết”.
Mỗi khi có bão lũ xảy ra ở đâu, người Sài Gòn lại hối hả quyên góp, chia sẻ…, bởi nơi thiên tai đau thương ấy cũng là quê hương của bạn mình, anh chị quen biết với mình.
Hỏi Lê Công Sơn có thành người Sài Gòn chưa mà viết về Sài Gòn tình cảm như vậy? Anh trả lời: “Cho đến giờ tôi vẫn nghĩ mình vẫn là người Quảng Nam, dù mọi thứ dường như đã thuộc về Sài Gòn. Như trên đã nói, tôi yêu thành phố này như máu thịt, nhưng miền Trung vẫn là “đất mẹ ân tình”, đã sinh cho tôi hình hài. Còn nếu là người Sài Gòn phải hội đủ thêm nhiều yếu tố nữa, nên tôi sẽ cố gắng để… một ngày nào đó thành người Sài Gòn, biết đâu được”.
Trong làn sóng sách về Sài Gòn trong vài năm gần đây, Lê Công Sơn nói mình là một “tân binh”, mới tập thử sức trong lĩnh vực rất yêu thích.
“Bởi tôi viết với tư cách một nhà báo nên có lẽ nội dung trong sách ít tính học thuật hơn, mà sa đà vào các câu chuyện kiểu thâm cung bí sử. Góc nhìn của tôi cũng chỉ bó hẹp trong hai chữ “loanh quanh” như tựa của tập sách, hình như chỉ rong ruổi, ngắm nghía, thấy gì nói nấy nhiều hơn. Điều này cũng bớt áp lực cho một người vốn chưa nhiều kiến thức về Sài Gòn” - anh nói.
- Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng: Nhạc ngoại có tác động đáng kể đến việc hình thành 'nhạc trẻ' Sài Gòn
- 'Con chim xanh' Nguyễn Nhật Ánh nay đã 'bay về' Sài Gòn
Đáng mừng là mảng sách về Sài Gòn hiện nay lại được độc giả ưa chuộng và tìm đọc khá nhiều. Sức hút về mảng khảo cứu Sài Gòn càng lôi cuốn không chỉ những độc giả lớn tuổi mà cả những người trẻ. Trong dòng chảy sôi động và tấp nập đó, Loanh quanh Sài Gòn của Lê Công Sơn như khe suối nhỏ róc rách chảy lưng chừng sườn núi. Dẫu có cheo leo, thác ghềnh nhưng cuối cùng rồi cũng hòa mình vào mạch ngầm trong vắt, mát mẻ của hai tiếng thiêng liêng Sài Gòn…
Văn Bảy