(Thethaovanhoa.vn) - Ngành Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hoàn thành việc xây dựng đề án “Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập giai đoạn 2021-2030” nhằm khuyến khích sự ra đời và phát triển, nâng cao chất lượng của các bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn. Đề án này dự kiến sẽ trình HĐND thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Tính đến nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 5 bảo tàng công lập, gồm: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế); 3 bảo tàng thuộc Sở VHTT là Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng Hồ Chí Minh; Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung (thuộc Sở KHCN, được thành lập nhưng chưa có trụ sở chính thức)… Ngoài ra có 2 bảo tàng ngoài công lập (hay bảo tàng tư nhân) là Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, thành lập năm 2012 tại 114 Mai Thúc Loan - TP Huế và Bảo tàng Thêu XQ thành lập cuối năm 2016, tại trục đường Lê Lợi, ven bờ Nam sông Hương.
Các bảo tàng tư nhân ra đời đã hình thành tư duy mới trong cách thức trưng bày, sưu tầm, thuyết minh, quảng bá, tổ chức dịch, góp phần làm đa dạng hóa không gian trưng bày, thu hút khách tham quan… Tuy nhiên, nếu để “tự thân vận động” thì các bảo tàng tư nhân cũng gặp không ít khó khăn; cơ chế, chính sách ưu đãi cho loại hình thiết chế văn hóa này chưa được cụ thể hóa.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao ngành Văn hóa địa phương nghiên cứu và xây dựng đề án cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT thông tin, theo khảo sát, tại Huế hiện có gần 20 nhà sưu tầm đang lưu giữ nhiều bộ cổ vật độc đáo, và dự tính các nhà sưu tầm này có khả năng sẽ thành lập hoặc phối hợp với các cá nhân, đơn vị khác để thành lập bảo tàng ngoài công lập.
Dự kiến, trong vòng 10 năm tới (từ 2021 đến 2030) sẽ có khoảng 5-7 bảo tàng ngoài công lập ra đời tại Huế. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hệ thống trưng bày tại vùng đất giàu tiềm năng về di sản văn hóa như Huế. Trước mắt, UBND tỉnh đang kêu gọi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng 2 bảo tàng ngoài công lập phù hợp với các đề án và định hướng phát triển của tỉnh là: Bảo tàng Ẩm thực và Bảo tàng Áo dài. Về Bảo tàng Ẩm thực, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và Vietravel đang nghiên cứu khảo sát đầu tư xây dựng.
Theo đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập vừa được xây dựng, có 5 nội dung mà tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hỗ trợ gồm: chính sách hỗ trợ về thuê đất; hỗ trợ về quy hoạch; công tác đào tạo nguồn nhân lực và chuyên môn nghiệp vụ; hỗ trợ công tác quảng bá; và hỗ trợ xây dựng sản phẩm đặc trưng cho mỗi bảo tàng.
“Vấn đề hỗ trợ quy hoạch là rất quan trọng. Cho đến nay, gần như tất cả các bảo tàng tư nhân ở Việt Nam và cả trên thế giới không thể tự sống dựa vào nguồn bán vé tham quan, mà phải có khai thác dịch vụ đi kèm. Chính vì vậy, ngoài hỗ trợ việc thuê đất, thuê mặt bằng thì cũng cần có hỗ trợ quy hoạch cho nhà đầu tư những vị trí xứng đáng để thuận lợi kết nối các tour tuyến, đón du khách và khai thác được các dịch vụ. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng đề án chính sách hỗ trợ đối với bảo tàng ngoài công lập”, ông Phan Thanh Hải nói.
Nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chính sách nói trên khoảng 8 tỉ đồng (trong giai đoạn 2021-2030), riêng chính sách hỗ trợ về thuê đất, ngoài căn cứ các quy định của pháp luật còn phụ thuộc tình hình thực tế của địa phương ở từng thời điểm. Dù nguồn kinh phí không phải lớn, song việc hoạch định cụ thể từng nội dung hỗ trợ nói trên là bước đi thuận lợi, chính đáng cho các bảo tàng tư nhân hiện nay và các bảo tàng tư nhân sẽ thành lập trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Văn hóa
Tags