(TT&VH) - Vào năm 1898 - 14 năm trước khi con tàu Titanic bị đắm (1912) - nhà văn Mỹ Morgan Robertson đã tung ra một cuốn tiểu thuyết mang tựa đề Futility. Trong cuốn truyện này, Robertson viết về con tàu tên là Titan và những hành khách trên đó. Tàu Titan đã chịu một kết thúc bi kịch khi đâm vào một tảng băng ở Bắc Đại Tây Dương. Tai nạn đó đã khiến con tàu bị phá hủy hoàn toàn và cướp đi mạng sống của hầu hết hành khách trên tàu.
1. Khi con tàu Titanic cũng chịu số phận tương tự vào năm 1912, nhiều người tự hỏi phải chăng câu chuyện của nhà văn Robertson mô tả một sự thật được ông nhìn thấy trước?
Trong tiểu thuyết của mình, nhà văn Robertson cũng mô tả Titan là con tàu lớn nhất thời điểm đó và nằm trong số những “công trình vĩ đại nhất mà con người tạo nên”.
Tuy con tàu Titan chỉ đóng một vai trò nhỏ trong cuốn tiểu thuyết Futility, nhưng nó đã được các học giả coi là một “huyền thoại” sau khi xảy ra thảm họa tàu Titanic. Những gì xảy ra với con tàu Titanic dường như trùng khớp với những gì đã được viết trong tiểu thuyết.
Câu chuyện của Robertson chứa nhiều chi tiết kỳ lạ đối với độc giả của kỷ nguyên hậu Titanic. 2 con tàu có kích thước gần tương đương nhau. Con tàu Titanic chỉ dài hơn tàu Titan (có chiều dài 243m) 25m. Tốc độ tối đa của 2 con tàu đều hơn 20 hải lý và cả 2 chỉ đều mang một lượng nhỏ xuồng cứu sinh, trong khi trên tàu có tới hàng ngàn hành khách. Cả 2 con tàu đều được “tung hô” là không thể bị chìm, song chúng đã biến mất giữa đại dương khi đâm vào tảng băng trôi vào giữa tháng 4.
Báo chí Mỹ đưa tin về con tàu Titanic bị đắm năm 1912.
2. Sự giống nhau kỳ lạ giữa những mô tả của nhà văn Robertson về số phận của con tàu Titan và con tàu đắm Titanic đã khiến danh tiếng của ông nổi như cồn sau năm 1912. Nhưng Paul Heyer, một học giả về tàu Titanic đồng thời là giáo sư thuộc Trường ĐHTH Wilfrid Laurier, nói rằng nếu như đọc cuốn tiểu sử về nhà văn thì có thể dễ dàng giải thích được những sự trùng hợp ngẫu nhiên đó.
“Robertson là người viết đủ thứ thuộc về biển” - ông Heyer nói. “Ông là một người đi biển có trải nghiệm và ông đã nhìn thấy những con tàu lớn cùng mối hiểm họa rình rập của chúng. Ông biết được nguy cơ tàu va chạm vào các tảng băng trôi”.
Sự am hiểu về xu thế đóng tàu của Robertson cùng với hiểu biết của ông về hành trình vượt Đại Tây Dương đã giúp ông có được chất liệu phong phú cho câu chuyện của mình.
Song tiểu thuyết của ông lại không phải là câu chuyện về tàu Titan. Con tàu xấu số này chỉ được mô tả trong nửa đầu câu chuyện và sau đó các nhân vật phải vật lộn sau tai nạn. Phần chính đầu tiên của câu chuyện kể về một sĩ quan hải quân bị thất thế, người đã cai được chứng nghiện rượu, được phục chức và giành lại được tình yêu của cuộc đời mình sau khi trải qua một loạt những gian nan trên con tàu Titan. Câu chuyện còn mô tả nhân vật chính đã giết một con gấu trắng Bắc cực để cứu một đứa trẻ.
“Văn phong của Robertson không nổi trội. Câu chuyện của ông có những tình huống không hợp lý, cách phát triển nhân vật nghèo nàn. Phần bù đắp cho những khiếm khuyết đó chính là thông tin hấp dẫn về con tàu Titan và số phận của nó” - Heyer nhận định.
Do thiếu chất văn học nên cuốn tiểu thuyết Futility không được độc giả đón nhận sau nhiều năm được xuất bản. Tuy nhiên, tiếng tăm của nó đã thay đổi một cách ngoạn mục sau khi con tàu Titanic bị đắm. Lập tức, cuốn tiểu thuyết này đã mang lại danh tiếng cho Robertson, song ông đã khiêm tốn từ chối. “Mọi người đã nói với ông: “Ồ Chúa ơi, ông như một nhà tiên tri vậy”. Nhưng Robertson trả lời: “Tôi chỉ biết những gì tôi viết về nó, vậy thôi” - Heyer kể.
Việt Lâm (lược dịch)