(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp nối thành công của Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện Bùi Xuân Phái với Hà Nội, nhằm tôn vinh giá trị di sản tranh dân gian Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện Tranh dân gian Hàng Trống, khai mạc vào ngày 20/11vừa qua. Một triển lãm đáng xem vào dịp Cuối tuần này.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
Triển lãm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2019), sẽ diễn ra đến hết ngày 27/11 tại Bảo tàng Hà Nội.
Đắm mình trong không gian nghệ thuật đa giác quan
Triển lãm trưng bày 50 tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người được coi là nghệ nhân duy nhất còn nắm giữ bí quyết in, vẽ dòng tranh này. Không gian trưng bày được giới thiệu theo chủ đề: Tranh thờ, Tranh Tết, Tranh thế sự, mang đến cho người xem cái nhìn tổng quan về nghệ thuật tranh Hàng Trống - dòng tranh nức tiếng Hà thành một thời.
Được dàn dựng bằng một không gian mở, Triển lãm dẫn dắt người xem từ không gian thực với những góc văn hóa đặc trưng của tranh Hàng Trống xưa dần dần đến với không gian ảo trình chiếu hơn 100 bức tranh Hàng Trống nhờ công nghệ 3D mapping (phủ hình ảnh bằng ánh sáng lên vật thể 3D). Với công nghệ này, những bức tranh được phóng lớn chồng lên nhau, lan tỏa lên nhau trên những mảng tường gấp khúc, tạo ra chiều sâu không gian, giúp người xem thực sự được đắm chìm trong một không gian đa giác quan. Tất cả những bức tranh đều được phóng to lên, người xem sẽ nhận rõ được những đường nét, bố cục tranh, màu sắc của tranh.
Bên cạnh đó, với ứng dụng công nghệ nhận diện gương mặt, trí tuệ nhân tạo (AI), khách tham quan được trải mình, hòa mình vào trong các bức tranh dân gian, gương mặt của người xem sẽ được thể hiện trực tiếp trong tranh.
Tham quan Triển lãm, nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ: “Triển lãm với những phương thức, phương tiện tân kỳ, hiện đại đã làm sống lại dòng tranh Hàng Trống một cách sinh động, linh hoạt, rất có nghệ thuật và mang tính chất của khoa học hiện đại. Tôi tin rằng với cuộc triển lãm này, dòng tranh Hàng Trống có được một cơ sở, một nguồn lực để rồi sẽ được phục hồi mạnh mẽ, phát huy được các giá trị như trước đây dòng tranh này đã tham gia, đóng góp vào lịch sử văn hóa của dân tộc”.
Sống được với nghề… vẽ bằng sự tự thân
Là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, cùng với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Kim Hoàng (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế)… tranh Hàng Trống đã góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển mỹ thuật dân gian Việt Nam, làm cho nghề tranh truyền thống trở nên cực thịnh một thời.
Nói về sự thăng trầm của tranh Hàng Trống, nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho hay, hiện nay, đời sống nâng cao khiến nhu cầu về trang trí nhiều hơn. Bất cứ nghề gì khi còn có nhu cầu thì nghề đó còn tồn tại. Trong khi rất nhiều làng nghề truyền thống không thể tồn tại được vì không có thị trường thì tranh Hàng Trống vẫn có chỗ đứng vững chắc với một sắc thái riêng, thiên về về tính chúc tụng, về tâm linh, nên vẫn đáp ứng được nhu cầu của nhiều tầng lớp trong xã hội.
Nhiều năm theo nghề làm tranh, nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn giữ được lối làm tranh truyền thống của ông cha để lại. Gia đình ông vẫn sử dụng những ván khắc mộc có tuổi chừng 200 năm từ thời xưa để làm tranh. Những ván khắc này được coi như gia bảo trong nhà. Tranh được in ra từ những mộc bản hàng trăm năm, nhưng theo ông, vẫn phải vẽ lại để cho tranh đẹp lên, không để đơn sơ mang ra bán vỉa hè như ngày xưa. Tuy nhiên, để giữ gìn những giá trị cốt lõi của dòng tranh Hàng Trống, ông vẫn trung thành với tất cả những cách in mộc bản, cách làm màu, cách bồi giấy, và những công đoạn khác để có bức tranh hoàn chỉnh.
Trước sự phát triển nở rộ của những dòng tranh hiện đại, những trường phái hội họa tân tiến, những dòng tranh dân gian trong đó có tranh Hàng Trống dường như yếu thế hơn hẳn về thị trường. Thế nhưng, dòng tranh Hàng Trống vẫn có vị thế riêng. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết, hiện tại, có rất nhiều người, từ cao tuổi cho đến các bạn trẻ, quan tâm đến tranh Hàng Trống. “Khách nước ngoài mua tranh cũng nhiều mà khách trong nước mua tranh còn nhiều hơn”. Với mức giá khoảng hơn 1 triệu đồng một bức tranh so với các hình thức nghệ thuật khác, tranh Hàng Trống vẫn thuộc hạng bình dân, dễ mua bán.
“Việc làm tranh là tự thân tôi làm, tôi yêu quý những người mua tranh hơn là trông chờ vào sự quan tâm. Có người thích tranh thì tôi vẽ tranh. Việc vẽ tranh mang đến cho tôi thu nhập, đủ sống, đủ tiêu” - nghệ nhân Lê Đình Nghiên bộc bạch.
Vài nét về tranh Hàng Trống Tranh Hàng Trống xưa được làm chủ yếu tại trung tâm 36 phố phường Hà Nội và bày bán tại các phố Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt… phục vụ thị hiếu nghệ thuật của tầng lớp thị dân quý tộc Thăng Long. Tranh Hàng Trống có hai loại tranh chính là tranh thờ và tranh Tết. Tranh thờ dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng phục vụ đền phủ của Đạo giáo, Đạo mẫu. Tranh Tết có nhiều đề tài: Chúc phúc, Tứ quý…Không gian bày tranh Hàng Trống thường là những phòng khách thoáng đãng hoặc nơi linh thiêng thờ cúng. Khác với tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ, tranh chỉ in ván nét đen lấy hình, còn màu là thuốc nước tô bằng bút lông. Tranh Hàng Trống sử dụng giấy và màu khổ rộng, sắc tươi. Có những tranh bộ khổ to và dài, thường bồi dày, hai đầu trên dưới lồng suốt trục để tiện treo, phù hợp với kiểu kiến trúc nhà cao, cửa rộng nơi thành thị. |
Công Bắc
Tags