(Thethaovanhoa.vn) - Trong nhiều sự kiện văn hoá của tuần này, có lẽ đáng chú ý nhất là 2 sự kiện: Tuần lễ sách kỷ niệm 320 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM từ ngày 30/11 đến 9/12 tại Đường sách TP.HCM và Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 từ ngày 4 đến 10/12 tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Hà Nội.
1. Bộ sách kỷ niệm 320 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM gồm 12 tập, chia thành 2 phần. Đây là kết quả của chương trình nghiên cứu cấp nhà nước, do Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai từ năm 2008, với 11 đề tài khoa học.
Phần tổng quan do cố GS Phan Huy Lê chủ biên, gồm 2 tập, viết về quá trình hình thành, thăng trầm, phát triển của vùng đất đặc biệt này. Phần hai gồm 10 tập, do nhiều chuyên gia chủ biên, đi vào các nhánh nghiên cứu hẹp và cụ thể hơn.
Độc giả có thể thấy các tập riêng về điều kiện tự nhiên - sinh thái, về cội nguồn của vùng đất từ xa xưa đến thế kỷ 19, về cột mốc từ năm 1859 đến năm 1945, từ năm 1945 đến năm 2010… Trong phần này, những ai quan tâm về đặc trưng văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, về các thiết chế quản lý xã hội, về tiến trình hội nhập quốc tế… cũng có tập riêng để đáp ứng.
Tuy lấy cột mốc 320 năm để nói về “thành phố trẻ” là Sài Gòn sau này, nhưng thực ra, vùng đất này đã rất dài lâu, từ nền văn minh lưu vực sông Đồng Nai, sông Mê Kông thời tiền sử cho đến sự phát tích, thịnh vượng, suy tàn của nền văn hóa Óc Eo…
Khi nói về Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, cũng là nói về cả vùng đất Nam bộ, với 17 tỉnh và 2 thành phố trực thuộc trung ương, với đại diện cho 54 dân tộc anh em, trong đó người Kinh, người Hoa, người Khmer, người Chăm… là chủ đạo. Nơi đây còn nhiều gốc tích của người Ấn Độ và nhiều nước khác nữa, nên tính chất giao lưu, hoà nhập đã có ngay từ đầu, nên tính chất phóng khoáng, trọng khác biệt đã thành bản sắc.
Cũng trong đợt trưng bày này tại Đường sách TP.HCM, chúng ta sẽ có dịp xem các tấm bản đồ cổ về Sài Gòn xưa. Chúng được vẽ trong các năm như 1799, 1860, 1864, 1870, 1875, 1878, 1881, 1882, 1893… cũng như xem 5 bản đồ chiến sự gốc về việc Pháp tấn công Sài Gòn từ năm 1859 đến 1863.
2. Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 có sự tham dự của 67 nghệ sĩ từ 6 đơn vị xiếc. Với ưu thế sân nhà, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có 9 tiết mục, với 31 diễn viên tham gia diễn xuất. Nhà hát Phương Nam của TP.HCM có 6 tiết mục, với 19 diễn viên. Không chỉ áp đảo về số lượng, mà hai đơn vị này cũng ưu trội hơn về chất lượng, nên đã có những dự đoán rằng họ cũng sẽ ưu trội hơn về số lượng huy chương.
Các đơn vị còn lại gồm Trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam (4 tiết mục, 10 diễn viên), Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội (3 tiết mục, 4 diễn viên), Trung tâm Văn hóa Long An (1 tiết mục, 2 diễn viên), Đoàn Nghệ thuật Tây Hồ, tỉnh Hải Dương (1 tiết mục, 1 diễn viên).
Mỗi tiết mục dự thi có thời lượng từ 7 phút đến 12 phút, phải đạt được sự chính xác, phức tạp về kỹ thuật, kỹ xảo của nghệ thuật xiếc. Đồng thời việc chầm điểm cũng chú ý đến sự kết hợp giữa xiếc với các yếu tố phụ trợ như âm nhạc, vũ đạo, trang phục, đạo cụ, sân khấu…
Như Hà
Tags