Sự nghiệp lẫy lừng trên biển của vua Gia Long

Thứ Hai, 25/07/2011 07:24 GMT+7

Google News

(TT&VH Cuối tuần) - LTS: Sau khi đăng bài phỏng vấn GS-TS Nguyễn Quang Ngọc trong chuyên đề Đứng trước biển(TT&VH Cuối tuần số 28), BBT có nhận được ý kiến của bạn đọc muốn làm rõ hơn về đánh giá của GS “Gia Long là vị vua có một sự nghiệp lẫy lừng trên biển”. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của GS viết riêng cho TT&VH Cuối tuần đề cập tới vấn đề nói trên (các tít trong bài do TT&VH Cuối tuần đặt).

Thủy quân - sức mạnh triều Nguyễn

Đã quá lâu rồi người ta quen nhìn nhận tất cả những gì của Tây Sơn thì đều là tiến bộ cách mạng, còn của nhà Nguyễn thì chỉ là lạc hậu phản động, mà quên đi rằng Tây Sơn đến thời Quang Toản cũng đã tàn tạ, suy kiệt và đâu còn tiến bộ nữa. Nguyễn Ánh đành rằng phải chịu trách nhiệm hết sức nặng nề trước lịch sử vì đã từng rước quân ngoại bang về dày xéo bờ cõi. Nhưng ông là người có tài cầm quân, có tài tổ chức và tập hợp dân chúng, thừa hưởng được những thành quả của các thế hệ cha ông và của cả Tây Sơn nữa, nếm mật nằm gai mở cõi và định cõi, làm nên một nước Việt Nam thống nhất, rộng dài và trọn vẹn như ngày hôm nay. Sự nghiệp này của ông liệu có lẫy lừng không nhỉ?


Vua Gia Long, người sáng lập nên nhà Nguyễn, vương triều
phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam

Hơn 40 năm trước, từ khi còn là sinh viên khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã từng trăn trở về câu ca dao này:

“Lạy trời cho chóng gió nồm,

Để thuyền chúa Nguyễn thuận buồm trẩy ra”.

Lúc đầu tôi không hiểu và còn buồn cho những người dân mà tôi nghĩ là họ thiếu “ý thức chính trị”. Nhưng khi đi sâu tìm hiểu sự thay đổi tương quan lực lượng giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh từ sau khi vua Quang Trung tạ thế, thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng sự mong đợi của họ là đúng và có lý. Đã đến lúc họ trông chờ đoàn thuyền hùng mạnh của Nguyễn Ánh ào ra Bắc lật nhào ngai vàng ruỗng nát của vua Quang Toản càng sớm càng tốt.

Lực lượng của Nguyễn Ánh lúc này tập trung ở Gia Định và con đường tấn công ra Bắc chủ yếu bằng thuyền. Quân đội Tây Sơn tuy mâu thuẫn, chia rẽ nhưng cũng còn đông, trong đó thủy quân xem ra cũng còn khá mạnh. Cuộc đối chọi một mất một còn giữa thủy quân Nguyễn Ánh và thủy quân Tây Sơn ở dọc dải ven biển từ Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên, Thị Nại, Quy Nhơn, Phú Xuân, Nhật Lệ, cửa Hội... cho thấy sự phát triển hơn hẳn của binh thuyền Nguyễn Ánh. Đến trận đánh cuối cùng vào thành Thăng Long cũng có một đạo thủy quân của Nguyễn Ánh vượt biển vào sông Vị Hoàng và ngược sông Hồng đánh lên...

Thủy quân Nguyễn Ánh trưởng thành trong quá trình giành và giữ đất Nam bộ, lại được sự giúp đỡ và đào tạo trực tiếp của chuyên gia giỏi phương Tây như anh em nhà Dayot, như Jean Baptiste Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng)... được tổ chức, trang bị các phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại, đã đánh bại quân đội và thủy quân Tây Sơn. Sau chiến thắng, thủy quân, hải quân của vua Gia Long được tổ chức lại chính quy hơn trở thành lực lượng chủ chốt bảo vệ đất nước, vương triều và biển đảo rộng mênh mông của Tổ quốc. M.A.Dubois de Jancigny, phái viên của Chính phủ Pháp ở Trung Quốc và Đông Dương mô tả lực lượng hải quân của vua Gia Long: “Hạm đội bao gồm những pháo thuyền mang theo từ 16 đến 22 khẩu đại bác. Những thuyền lớn có từ 50 đến 70 mái chèo, những thuyền nhỏ có hơn 40 hoặc 44 mái chèo”.

GS Vu Hướng Đông, chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu về biển đảo Việt Nam, thừa nhận: “Nhân tố biển đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của các thế lực cát cứ các chúa Nguyễn. Các đời chúa Nguyễn phần nhiều chú ý triển khai hoạt động biển và phát triển sự nghiệp biển. Vua Gia Long nhờ vào biển để phát triển thế lực của mình, đánh thắng thủy quân Tây Sơn bằng thủy chiến. Thời Gia Long đã ra sức phát triển lực lượng thủy quân, đóng thuyền buồm và tàu chiến và cử tàu thuyền ra nước ngoài. Vua Gia Long từng lệnh cho Bộ Công tổ chức biên soạn cuốn Duyên hải lục ghi chép độ sâu của thủy triều ven biển và cây số đường biển. Ông lên ngôi, nước Xiêm xin triều Nguyễn xuất quân từ đường thủy và đường bộ để giúp họ đánh Miến Điện, vua Gia Long cho rằng không thể đi theo đường bộ, nên đi theo đường biển qua Hải Tây để hợp binh với nước Xiêm... Vua Gia Long đã khá quen thuộc về đường giao thông ven biển và đường giao thông trên biển giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á”.

Hoàng Sa, Trường Sa - sự nghiệp lẫy lừng nhất của Gia Long

Như thế, GS Vu Hướng Đông đã nói khá đúng về những công tích lẫy lừng trên biển của vua Gia Long. Chỉ tiếc một điều (có thể ông đã quên, hay cố tình quên) là chưa nói tới hoạt động thực thi chủ quyền của vua Gia Long và Vương triều Gia Long ở Hoàng Sa và Trường Sa, mà theo tôi đấy mới chính là sự nghiệp lẫy lừng nhất của vua Gia Long ở trên biển.


Bản dập mộc bản thời Nguyễn nói về việc vua Gia Long phái thủy quân ra Hoàng Sa đo đạc

Theo sách Đại Nam thực lục Chính biên thì vào năm 1803, nghĩa là chỉ mới mấy tháng sau khi thành lập Vương triều Nguyễn, vua Gia Long đã chính thức “sai mộ dân ngoại tịch lập đội Hoàng Sa” theo như truyền thống có từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên gần 2 thế kỷ trước. Đặc biệt liên tục trong các năm 1815, 1816, ông “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển” và triển khai các hoạt động thực thi chủ quyền một cách kiên quyết và đồng bộ. Ông còn mở rộng quan hệ với các nước, nhận địa đồ đảo Hoàng Sa từ thuyền Mã Cao năm 1817, tuyên bố về hoạt động chủ quyền của Vương triều mình ở Hoàng Sa và Trường Sa mà không có bất cứ một quốc gia nào phản đối hay có ý định tranh giành với ông. Đây là một trong những trang đẹp nhất, rạng rỡ và ngời sáng nhất của lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ riêng Việt Nam, mà cả thế giới đều biết.

Về thăm đảo Lý Sơn - quê hương của đội Hoàng Sa, chúng tôi thấy nhà thờ Phạm Quang Ảnh có đôi câu đối mà theo chúng tôi chính là biểu tượng tuyệt vời của truyền thống anh hùng quả cảm Việt Nam ngoài biển đảo:

“Trung can huyền nhật nguyệt,

Nghĩa khí quán càn khôn”.

Điều rất đặc biệt là người dân địa phương cho đến nay vẫn còn giữ được rất nhiều tư liệu quý báu minh chứng cho một lịch sử vô cùng gian khó và hào hùng khai chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Trong các nguồn tài liệu phong phú và độc đáo này, có một số tư liệu vô giá của thời Gia Long như Tờ kê trình của Phú Nhuận hầu viết vào năm Gia Long thứ 2 (1803); Đơn của phường An Vĩnh ngày 11 tháng 2 năm Gia Long thứ ba (1804), Văn khế bán đoạn đất của xã An Vĩnh phục vụ cho hoạt động của đội Hoàng Sa lập vào năm Gia Long thứ 15 (1816)...

"Nhân tố biển đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của các thế lực bất cứ các chúa Nguyễn"

Hoạt động chủ quyền của vua Gia Long ở Hoàng Sa và Trường Sa đã được người phương Tây vô cùng khâm phục và đặc biệt đề cao. Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) từng viết hồi ký xác nhận: “Xứ Đàng Trong mà Quốc vương ngày nay mang danh hiệu Hoàng đế bao gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc của Cao Miên, một vài đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Hoàng Sa, gồm có những đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá không người ở. Chỉ đến năm 1816 thì nhà vua hiện nay (vua Gia Long) mới chiếm hữu được quần đảo này”.

Giám mục Jean Louis Taberd cho rằng: Quần đảo Pracel “Vào năm 1816, nhà vua (vua Gia Long) đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc là sẽ không có một ai sẽ tìm cách tranh giành với ông ta”. Ông còn cho xuất bản cuốn Từ điển La Tinh An Nam và kèm theo tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ, trong đó có vẽ một cụm các đảo nhỏ với dòng chữ ghi chú: Paracel Seu Cát Vàng, khẳng định chính thức và chính xác Paracel hay là Bãi Cát Vàng thuộc vào bản đồ nước Việt Nam.

Tiến sĩ Gutzlaff, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn, biên soạn cuốn sách Geography Of The Cochinchinese Empire cho biết: “Chính phủ An Nam nhận thấy lợi ích có thể đem lại được nếu như dựng lên một ngạch quan thuế và đã duy trì những thuyền đánh thuế và một đội quân nhỏ đồn trú ở tại chỗ để thu thuế đối với tất cả những ai đến đó, và để bảo vệ những dân chài của nước họ”.

Năm 1850, M.A.Dubois de Jancigny viết sách nói rõ: “Chúng tôi chỉ muốn nhận xét rằng đã từ 34 năm nay (tức là từ 1816 đến 1850), quần đảo Paracels (mà những người An Nam gọi là Cát Vàng), thật là một chốn mê cung chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát thật sự đã làm những người đi biển kinh hãi và chỉ có thể kể đến trong số những địa điểm hoang vu cằn cỗi nhất của địa cầu, quần đảo do đã bị các người xứ Đàng Trong chiếm giữ. Chúng tôi không rõ họ đã có đặt một cơ sở nào không (có thể với mục đích là bảo vệ công việc đánh cá), nhưng chắc chắn rằng nhà vua Gia Long đã chủ tâm đính thêm đoá hoa độc nhất vô nhị đó vào chiếc vương miện của ông, bởi vì ông đã xét thấy cần thiết phải đi tới việc đích thân chiếm giữ lấy quần đảo đó, và chính vì thế mà năm 1816 ông đã long trọng kéo lá cờ xứ Đàng Trong lên mảnh đất đó”.

Đấy mới chỉ là một vài thông tin ban đầu mà tôi vừa tập hợp được qua một góc nhìn còn nhiều hạn hẹp. Nhưng chỉ với một số lượng thông tin này, theo tôi, cũng có đủ cơ sở để nhận định “Gia Long là vị vua có một sự nghiệp lẫy lừng trên biển”. Còn điều gì thêm nữa, mong bạn đọc bổ sung và chỉ giáo. Tôi xin được chân thành cảm ơn.

Nguyễn Quang Ngọc

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›