(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản mới nhằm tháo gỡ khó khăn, hướng đến phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện đại, hội nhập quốc tế song tới nay, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) vẫn còn nhiều điểm chưa tìm được tiếng nói đồng thuận giữa các bên liên quan.
Như chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh (cấp phép phân loại phim, tiêu chí - thẩm quyền phân loại phim, trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh); những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; sản xuất, phát hành, phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh.
Cần có tiêu chí rõ ràng về thẩm định, phân loại phim
Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội ngày 23/10 về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) nêu thực tế vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, Hội đồng thẩm định phim đang can thiệp quá sâu vào nội dung phim và ép buộc các nhà làm phim thay đổi nội dung để được cấp phép, phổ biến. Từ quan điểm bản thân, ông Phạm Nam Tiến cho rằng, Hội đồng thẩm định phim đã luôn làm hết trách nhiệm của mình và làm tròn vai, luôn thiện chí với mong muốn đem lại những tác phẩm điện ảnh tốt, chất lượng và bảo đảm nội dung "sạch" khi được phổ biến đến công chúng. Tuy nhiên, một tác phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo cao nên có nhiều góc nhìn khác nhau. Để có sự nhìn nhận đúng mức và đạt được sự đồng thuận cao, theo ông Phạm Nam Tiến, Hội đồng thẩm định phim và các nhà sản xuất phải ngồi lại với nhau, có tiếng nói chung về vấn đề này trên cơ sở của bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, rõ ràng.
Cùng chung quan điểm với đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến, trong một buổi tọa đàm trực tuyến giữa các nhà làm phim để góp ý vào Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) mới đây, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, cô từng là thành viên của Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện. Qua quá trình thẩm định phim, nữ đạo diễn nhận thấy, Luật Điện ảnh hiện hành đang có những quy định mang cảm tính khiến cho có phim, ngay cả ý kiến giữa các thành viên trong Hội đồng cũng không thống nhất. Đơn cử, những cảnh quay nhạy cảm, không có thước đo cụ thể nên với người này như thế là vừa đủ, với người khác lại là kéo dài...
Chính vì có thể tồn tại nhiều cách hiểu, biện dẫn khác nhau về các nội dung bị cấm trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều nhà làm phim cho rằng, thay vì quy định chi tiết các điều cấm trong Luật Điện ảnh, nên ban hành khung tiêu chí có định lượng cụ thể để tránh những nhận định mơ hồ.
Nên coi phân loại phim là dịch vụ công
Bên cạnh việc cấp thiết cần phải có một bộ tiêu chí phân loại phim rõ ràng, định lượng, vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm kiểm duyệt, phân loại phim cũng thu hút sự quan tâm, thảo luận của các nhà làm chính sách, và giới điện ảnh. Hầu hết các ý kiến thống nhất cho rằng, trong bối cảnh số hóa và mỗi ngày có một lượng rất lớn phim được phổ biến, phát hành qua mạng Internet hiện nay, rõ ràng duy trì cơ chế, cách duyệt phim qua một hội đồng thẩm định phim là không phù hợp.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã quy định, giao quyền, trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Theo đó nhà phát hành, phổ biến phim thực hiện theo các quy định về nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh (Điều 10) và phân loại phim (Điều 33) để tự phân loại và hiển thị kết quả phân loại, cảnh báo cần thiết về nội dung phim cho người xem. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật. Đây được xem là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển không ngừng của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh, tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đánh giá giải pháp trên của Luật Điện ảnh (sửa đổi) rất phù hợp với thực tế hiện nay, theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, tiền kiểm thường chỉ áp dụng với mục đích hạn chế rủi ro tiềm năng trong những trường hợp mối nguy hại rất lớn và hiện hữu. Trong khi đó, cơ chế hậu kiểm vừa đủ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm phim được phát hành tuân thủ theo các tiêu chí đánh giá của cơ quan chức năng, vừa phù hợp với thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành điện ảnh, đặc biệt là các dịch vụ truyền hình theo yêu cầu (VOD).
Tuy nhiên, để thực hiện phương án này, cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), các quy định về tiêu chí, nội dung phân loại cần hết sức cụ thể. Bên cạnh đó cần xây dựng bộ máy kiểm tra, kiểm soát, hệ thống phản hồi cùng lực lượng thanh tra hoạt động thường xuyên, liên tục để giám sát và xử lý kịp thời những vi phạm.
Có ý kiến đề nghị, dự thảo Luật quy định: "Chỉ được phổ biến phim khi có Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp hoặc Quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình thì được phép phổ biến trên không gian mạng".
Về ý kiến này, ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất coi phân loại phim là một dịch vụ. Theo đó, lấy mô hình dịch vụ công chứng đang được áp dụng rộng rãi hiện nay, và thực tế nhiều đài truyền hình đang có các hội đồng duyệt phim riêng, ông Nguyễn Quang Đồng đề nghị nên cho phép hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh tham gia cung cấp dịch vụ phân loại nội dung phim. Điều này sẽ giúp giảm áp lực công việc và chia sẻ trách nhiệm với Hội đồng Trung ương về thẩm định và phân loại phim. Lúc này, Hội đồng thay vì trực tiếp xử lý một khối lượng khổng lồ các đầu phim, sẽ chỉ đóng vai trò "cầm cân nảy mực" khi có tranh chấp, khiếu nại về phân loại phim. Cùng với đó, ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất bổ sung quy định phải có công cụ trực tuyến than thiện để người dung có thể báo cáo vi phạm một cách thuận lợi như kinh nghiệm của Singapore.
Điều chỉnh chính sách đặt hàng sản xuất phim
Về Chính sách đặt hàng sản xuất phim, theo Tờ trình của Chính phủ Dự thảo Luật đưa ra hai phương án. Phương án 1: Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Phim là tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, sản xuất phim mang đặc thù riêng, không thể chia cắt đứt đoạn, không thể đấu thầu kịch bản. Trình tự, thủ tục theo cơ chế đấu thầu qua nhiều khâu, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, chất lượng phim. Bên cạnh đó, quan hệ giữa tác giả kịch bản, đạo diễn và nhà sản xuất khó có được thoả thuận để thực hiện hình thức đấu thầu nhằm lựa chọn nhà sản xuất khác, không sở hữu kịch bản để thực hiện bộ phim. Đối với các nhà thầu thực hiện dự án sản xuất phim, đồng thời là đơn vị sở hữu bản quyền đối với kịch bản được lựa chọn đưa vào sản xuất, các quy trình thẩm định và phê duyệt ngân sách theo hình thức đấu thầu kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, hạn chế chủ động, sáng tạo, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, phương án 1 hiện còn những vấn đề chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vốn ngân sách và các quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công.
Trong khi đó, phương án 2 đề xuất giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim. Giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim). Đấu thầu sản xuất phim thực hiện theo Luật Đấu thầu và Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với dự án sản xuất phim. Tuy nhiên, từ khi Luật Điện ảnh ra đời, chưa thể thực hiện việc đấu thầu sản xuất phim do gặp nhiều khó khăn như đã nêu tại phương án 1.
Đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1. Tuy nhiên, qua thảo luận tại tổ vừa qua, đa số các đại biểu Quốc hội lại chọn phương án 2. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng dự thảo Luật quy định về phim do Nhà nước đầu tư sản xuất theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị có đề tài khá rộng gồm sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số và các vấn đề của cuộc sống đương đại. Do đó, cần quy định hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước theo phương án gồm giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu để bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện.
Cơ quan thẩm tra dự án Luật là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, thực hiện đấu thầu để tạo bình đẳng giữa nhà nước và tư nhân. Ủy ban đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu. Đấu thầu cần có quy định chi tiết để đảm bảo tính khả thi vì đây là lĩnh vực đặc thù.
Băn khoăn Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Hiện nay, Luật Điện ảnh 2006 đã có quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo đó, Quỹ được thành lập để sử dụng cho các hoạt động: thưởng cho phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao; hỗ trợ sản xuất phim thể nghiệm nghệ thuật, phim đầu tay được tuyển chọn để đưa vào sản xuất; hỗ trợ cho các hoạt động khác để phát triển điện ảnh. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh bao gồm nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh...
Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa được triển khai. Cơ chế hiện hành chưa quy định về mô hình, cũng như nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả.
Mặc dù đánh giá cao ý nghĩa của Quỹ, tuy nhiên qua thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) các chuyên gia làm chính sách, giới làm phim đều băn khoăn việc luật hóa Quỹ cũng như chỉ ra những khó khăn thực thi trên thực tế.
Từ phía cơ quan lập pháp, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội, trong đó có cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng không nên quy định về Quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh trong luật vì nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập, đồng thời đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng và làm rõ tính khả thi của quy định này.
Trong khi đó, từ góc độ đơn vị sản xuất, phát hành phim, bà Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Thaole Entertainment cho rằng, doanh nhân trong lĩnh vực điện ảnh muốn ủng hộ điện ảnh nước nhà, muốn ủng hộ quỹ và có thể kêu gọi doanh nghiệp đóng quỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn về hiệu quả hoạt động của quỹ, về việc họ sẽ được điều gì khi đóng góp vào quỹ chung…Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, doanh nghiệp nào cũng khó khăn nên việc lập quỹ sẽ không được tất cả các doanh nghiệp ủng hộ.
- Sửa đổi Luật Điện ảnh: Tạo khuôn khổ pháp lý cho ngành công nghiệp điện ảnh phát triển
- Quốc hội xem xét dự án Luật Điện ảnh sửa đổi
- Giới làm phim Việt 'góp ý' dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi
Bên cạnh hai luồng ý kiến khác nhau trên, có ý kiến mang tính "trung dung" đó là Nhà nước đóng vai trò cung cấp vốn mồi lập Quỹ, còn lại là từ huy động vốn đóng góp của xã hội, cộng đồng làm phim.
Cùng với những vấn đề trên, trong quá trình thảo luận liên quan đến dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn có các vấn đề như việc đưa phim đi dự các liên hoan phim, thủ tục hành chính để các đoàn làm phim quốc tế vào Việt Nam làm phim... cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, giới chuyên môn điện ảnh.
Có thể nói, điện ảnh là lĩnh vực văn hóa nhưng đang phát triển trở thành một ngành kinh tế có thu nhập, có đóng góp ngày càng nhiều vào thu nhập quốc dân. Sau khi ban hành luật mới, ngành Điện ảnh Việt Nam được kỳ vọng có một bước phát triển, hội nhập mới và thu hút được điện ảnh nước ngoài tìm đến với Việt Nam, không phải chỉ đem phim nước ngoài đến chiếu mà còn là hợp tác về trường quay, làm phim, lồng tiếng, kỹ thuật điện ảnh...
Do đó, như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật với tầm nhìn xa hơn. Sửa luật lần này là sửa đổi toàn diện chứ không phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung, đã sửa đổi toàn diện là phải sửa cả nền móng, cả về hình thức, nội dung.
TTXVN
Tags