Sức sống của tiếng Việt

Thứ Bảy, 08/10/2016 07:21 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Thay cho bài phỏng vấn, nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương có bài viết đề cập đến những vấn đề mà Diễn đàn văn hóa “Tôi yêu tiếng nước tôi” đã tổng kết. Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết này đến độc giả.

Chứng kiến thực trạng đáng buồn là tiếng Việt đang có nguy cơ ngày càng mất đi những phẩm chất quý giá, nhất là vẻ đẹp cùng vẻ dung dị vốn có, hết thảy những ai nặng lòng với tiếng mẹ đẻ đều không khỏi băn khoăn tự hỏi: “Tiếng ta rồi sẽ đi về đâu?”.

Trả lời cho câu hỏi ấy, mỗi chúng ta, đương nhiên, đều có một lời đáp riêng. Tuy muôn màu muôn vẻ khác nhau, nhưng chúng ta vẫn có thể tạm quy loạt ý kiến đa dạng ấy về hai nhóm chính.

Nhóm thứ nhất gồm những đòi hỏi khá cực đoan, cho rằng cần loại bỏ hoàn toàn và không thương tiếc hết thảy những gì ngoại lai, nhất là mọi từ ngữ mượn của các thứ tiếng nước khác, ra khỏi mọi lời ăn tiếng nói mà chúng ta đang dùng trong giao tiếp hằng ngày. Còn nhóm thứ hai thì chủ trương ôn hòa hơn: chỉ nên dùng những gì mà tiếng ta hiện chưa có từ ngữ tương đương để diễn đạt đủ ngắn gọn và/ hoặc đủ chuẩn xác, đại để như: chat, switch, showbiz, futsal v.v… và v.v…


Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương

Riêng về xu hướng dùng tiếng ta “đá” tiếng Tây (hoặc tiếng Anh) hay được dân gian gọi là tiếng Tây (hoặc tiếng  Anh) “giả cầy” (kiểu như “VTV Awards”), chúng tôi xin mạn phép không bàn tới. Bởi một lẽ hết sức dễ hiểu: cũng như nhiều tác giả khác từng nói, từng viết, chúng tôi cảm thấy khá rõ xu thế này tự nó đã để lộ một cái gì đó ít nhiều chả “thuận tai, thuận mắt” lắm với đông đảo người Việt và trộm nghĩ sớm muộn gì rồi nó cũng tự rơi rụng đi trong một tương lai chắc chả lấy gì làm xa cho lắm.

Ngoài ra, như mọi người đều biết rõ, trên hành tinh này, ngay từ ngày “thế giới phẳng” chưa ra đời, đã chả làm gì có thứ tiếng nào đáng được coi là “thuần khiết” cả, vì mọi thứ tiếng, ngay cả của các cộng đồng cư dân văn minh hơn, có trình độ kinh tế hoặc chính trị phát triển hơn, như tiếng Anh chẳng hạn, đâu phải chỉ có cho vay, mà còn từng đi vay khi thì từ ngữ này, khi thì từ ngữ khác của những thứ tiếng thua xa mình về nhiều mặt.

Chứng kiến tình cảnh tiếng Việt bị tiếng Anh xâm lấn ồ ạt hiện thời trên hàng loạt lĩnh vực, có không ít tác giả từng e ngại rằng với cái đà này tiếng ta chả chóng thì chầy tất có ngày rồi sẽ bị tiếng Anh thôn tính và đi đến chỗ hủy diệt. Sự lo ngại này rõ ràng là thiếu xác đáng vì, theo nhà ngữ học danh tiếng Cao Xuân Hạo, các từ ngữ gốc Hán hiện chiếm tới hơn 70% các đơn vị trong vốn từ tiếng ta; vậy mà tiếng Việt có thấy dấu hiệu gì sẽ bị hủy diệt đâu, trái lại, vẫn không ngừng lớn mạnh!

Sự thật ấy nói lên điều gì? Nó cho thấy rằng tiếng ta vốn có một sức sống tiềm ẩn mà chẳng một thế lực hung hãn nào có thể hủy diệt nổi!

Những ý kiến đa chiều về sử dụng tiếng Việt

Những ý kiến đa chiều về sử dụng tiếng Việt

Qua 10 bài viết, ghi ý kiến của nhiều tác giả, nhân vật thuộc nhiều lĩnh vực như: nhà ngôn ngữ học, nhà ngữ học, dịch giả, nhà văn… và qua rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, diễn đàn đã dấy lên không khí tranh luận sôi nổi...


Viết đến đây tôi bỗng nhớ tới một chuyện vui và rất muốn đem chia sẻ cùng mọi người. Chuyện kể rằng để ngăn bớt làn sóng xâm lấn ồ ạt của tiếng Anh vào tiếng Pháp, một nhóm viện sĩ có uy tín của Viện Hàn lâm khoa học Pháp đầy quyền uy đã khuyên mọi người dân mình hãy thay từ “fax” (mượn của tiếng Anh) bằng một từ Pháp tương đương: “télécopie”.

Ấy thế nhưng giới trẻ Pháp hầu như vẫn chả buồn ngó ngàng gì lời khuyên bảo chân tình ấy. Lấy làm lạ, họ bèn thử cho tìm hiểu lý do. Hóa ra các cô cậu nam thanh nữ tú nước nhà vẫn làm ngơ với giải pháp chí lý đã nêu chung quy chỉ vì một lẽ hết sức giản dị: cái từ dùng để thay kia dài hơn từ nó cần thay thế những ba âm tiết!   

Mấy suy ‎nghĩ tản mạn trên đây xung quanh đề tài đang bàn chắc đã có thể cho phép chúng ta đi đến hai kết luận nhỏ: Một là, tiếng Việt chúng ta rồi sẽ vượt qua mọi thách thức nhờ sức sống tiềm tàng vốn có. Hai là, để giúp cho tiếng mẹ đẻ chúng ta vượt qua dễ dàng hơn mọi thử thách, mỗi chúng ta cần thường xuyên tự nhắc mình và nhắc nhau hãy thận trọng hơn với từng chữ định viết ra, với từng lời định thốt lên hầu tránh cho tiếng Việt phải tự gồng mình nhặt bỏ những hạt sạn lớn nhỏ không đáng có trong mỗi lời ta nói ra hay mỗi câu ta hạ bút.

Nguyễn Đức Dương (nhà ngữ học)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›