Tác giả Mai Văn Phấn ra mắt 2 tập thơ mới: Đi từ 'mái nhà gianh' tới 'ngôi nhà lớn' trong thơ

Thứ Ba, 05/06/2018 10:59 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhận giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển hồi cuối năm 2017, nhà thơ người Hải Phòng Mai Văn Phấn tiếp tục được nhắc đến, khi vừa ra mắt 2 tác phẩm Tĩnh lặng – Silence Lặng yên cho nước chảy. Trong đó, tập Tĩnh lặng – Silence (NXB Hội Nhà văn) ấn hành trong ba ngôn ngữ: Việt, Anh và Pháp.

Trả lời câu hỏi của Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về cơ duyên nào Tĩnh lặng – Silence được "tái sinh" trong 2 ngôn ngữ mới (có kèm phần bình chú của TS Ấn Độ) Ramesh Chandra Mukhopadhyaya, nhà thơ cho biết:

- Khởi đầu, nhà thơ Lê Đình Nhất Lang (Mỹ) đã dịch 45 bài thơ liên khúc Tĩnh lặng của tôi sang tiếng Anh. Tiếp đó, nhà thơ người Anh Susan Blanshard đã biên tập, xuất bản bài thơ này trong tập thơ song ngữ Ra vườn chùa xem cắt cỏ (Grass Cutting in a Temple Garden), in tại Australia và Anh.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Mai Văn Phấn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tháng 10/2016, TS Ramesh Chandra Mukhopadhyaya đã đọc bản tiếng Anh và khởi đầu bình chú bài thơ này. Sau một năm, ông đã hoàn thành bình chú bài thơ liên khúc và lấy tên cuốn sách là Tĩnh lặng – Silence. Ngoài ra, song hành với TS Ramesh, họa sỹ Dominique de Miscault (Pháp) đã dịch những bài bình chú của TS. Ramesh và bản dịch thơ của Lê Đình Nhất Lang từ tiếng Anh sang tiếng Pháp. Còn hai dịch giả Takya Đỗ và Phạm Minh Đăng đã dịch những bài bình chú từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

* Tôi đã đọc "Tĩnh lặng" bản tiếng Việt. Nhiều bài bình chú của TS. Ramesh, theo tôi, rất sâu sắc và độc đáo. Tuy nhiên, có một số bài bình chú đã đi xa, thậm chí quá xa với tinh thần bài thơ của tác giả, ví dụ bài thứ 42 và 45. Vậy nhà thơ có thể lý giải điều này thế nào? Và anh có hài lòng với cách đi xa, thậm chí khác biệt ấy không?

- Tôi quan niệm, bài thơ là không gian mở với đa tầng/ chiều không-thời-gian. Nó sẽ được hiển lộ với những hình tướng, sắc thái khác nhau/ biệt tùy theo kinh nghiệm, tâm trạng của người đọc. Trong cuốn sách này, TS. Ramesh đã tiếp nhận và soi chiếu bài thơ của tôi bằng ánh sáng của triết học Ấn Độ. Hệ thống triết học ấy không chỉ dựa trên lý luận, giống như trong triết học phương Tây, mà còn đối mặt với sự thật tuyệt đối thông qua những thực hành cụ thể

Như anh nói, có một số bài bình chú của TS. Ramesh, đọc lại thấy bài thơ của tôi chỉ là cánh cửa nhỏ, để từ đó ông đi vào thế giới rộng lớn và huyền hoặc của ông, của văn hóa đất nước ông. Tôi coi những bước đi/ đường bay ấy của TS. Ramesh là sự khai mở những kiến thức, chân trời mới để mình khám phá, đi tới.

Cuốn sách lẽ ra được ấn hành vào cuối năm 2017, nhưng vì sự công phu của các dịch giả nên đến giờ Tĩnh lặng mới đến tay bạn đọc. Tôi hài lòng. Và có thể nói, đây là cuốn sách có bản dịch mẫu mực về văn phạm trong cả ba ngôn ngữ.

Chú thích ảnh
Bìa 2 tập: "Tĩnh lặng – Silence" và tuyển tập thơ "Lặng yên cho nước chảy"

* Còn về tuyển tập thơ “Lặng yên cho nước chảy”. Phía tuyển chọn (Nhã Nam) có viết rằng đây là một tuyển chọn "hướng nhiều đến những độc giả trẻ, yêu thơ, không nhất thiết hoạt động trong chuyên môn có liên quan". Người trẻ bây giờ được cho là lười đọc thơ, tại sao lại có tiêu chí như vậy?

- Tôi tôn trọng cách lựa chọn thơ cũng như cách làm sách của Công ty Nhã Nam. Người đọc ở Việt Nam hiện đang phân hóa theo nhiều khuynh hướng đọc, tự do chọn lựa phong cách thơ yêu thích, từ thơ dễ hiểu (minh bạch, giản dị, rõ ràng…) đến khó hiểu (đa chiều, huyền hoặc, tù mù…). Phía Nhã Nam đã nghiêng về “phương án đầu” và có pha trộn cả “phương án sau” để giúp bạn đọc trẻ hình dung khá đầy đủ diện mạo thơ tôi. Còn bạn đọc trẻ sẽ đón nhận nó như thế nào, hiện còn quá sớm để đưa ra một kết quả “khảo sát”.

* Hai cuốn sách vừa xuất bản, theo anh liệu đã mang được diện mạo thơ Mai Văn Phấn?

- Lặng yên cho nước chảy đã điểm xuyết lộ trình thơ tôi từ bài trình làng đến giờ. Có thể nói đó là một gương mặt đại diện cho thơ tôi dưới góc nhìn của một người trẻ và hiện đại. Cũng có thể bạn đọc lớn tuổi lại đưa ra một lựa chọn khác.

Còn cuốn sách Tĩnh lặng là một không gian riêng trong đa tầng không gian thơ của tôi. Tĩnh lặng là ánh sáng của thiền định phủ ngập và thấm sâu mọi chuyển động, mọi hiện hữu trong đời sống đương đại chúng ta. Tôi đã viết 15 cuốn sách “nguyên thủy”, tức không bị lai ghép, tuyển lựa từ các giai đoạn theo ý đồ của người làm sách. Mỗi cuốn sách của tôi là cách mở rộng, chồng lấn, khai mở không gian trong ngôi nhà thơ. Tôi đã đi từ “mái nhà gianh ba gian hai chái” đến ngôi nhà lớn hơn với nhiều căn phòng như hiện nay.

Có thời gian tôi chuyên chú viết thơ hai câu, ba câu. Đã có bạn đọc đưa ra những dự đoán về thơ tôi trong tương lai. Xin bạn đừng sốt ruột khi thấy một thợ xây đang treo mình lên đặt những viên gạch cho một mái hiên nhà. Xong việc ấy, có thể sang năm, anh ta chắc lại mải mê với một vị trí khác trong tòa nhà nhiều tầng.

Việc sáng tạo thơ, dù tôi có vận dụng, tự tạo thủ pháp, hoặc theo khuynh hướng nào, thì đích đến luôn là một phong cách thơ hiện đại mang đậm căn tính Việt.

* Cảm ơn nhà thơ Mai Văn Phấn!

Mai Văn Phấn nhận giải Cikada của Thụy Điển: 'Đôi khi không biết thơ mình được dịch ở đâu'

Mai Văn Phấn nhận giải Cikada của Thụy Điển: 'Đôi khi không biết thơ mình được dịch ở đâu'

Ngày 1/12 tới, lễ trao giải trao giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển sẽ diễn ra tại Văn Miếu, Hà Nội. Và, tác giả người Việt Nam được xướng tên mùa giải 2017 này là nhà thơ Mai Văn Phấn.

Huy Thông (thực hiện)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›