Tác phẩm tiên phong của nghệ thuật đương đại Việt Nam tại triển lãm quốc tế

Thứ Sáu, 01/08/2014 16:25 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Xét về mặt ý niệm và thực hành, tác phẩm License 2 Draw mà họa sĩ Ưu Đàm mang đến sự kiện nghệ thuật Koganecho Bazaar 2014 - Fictive Communities Asia (Cộng đồng tưởng tượng Á châu) sắp diễn ra ở Yokohama, Nhật Bản có thể xem là bước đi tiên phong của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Với tác phẩm License 2 Draw, chỉ cần dùng điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng và ứng dụng License 2 Draw app là bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu cũng có thể vẽ vào tác phẩm mà Ưu Đàm đang trưng bày ở Nhật Bản. Tác phẩm có “phong thái robot” này không chỉ thay đổi ý niệm về quyền tác giả, về chỉnh thể tác phẩm, về mối quan hệ với người xem, mà còn thay đổi cả phương thức sáng tạo và không gian trưng bày.

Liên minh nghệ thuật và công nghệ

Lấy cảm hứng từ thời đại mà vệ tinh, điều khiển từ xa và cả trò chơi điện tử đang chi phối con người; thậm chí còn chực chờ hủy diệt lẫn nhau bằng “chiến tranh vắng mặt”, Ưu Đàm phác thảo nên tác phẩm này. Anh nhờ một nhóm kỹ thuật có am hiểu về công nghệ điều khiển từ xa và thiết kế để cùng thực hiện (gồm Nguyễn Anh Hào chịu trách nhiệm chính về software, app, recruit…, Bùi Ngọc Khánh phụ trách hardware, mạch điện, thiết kế…, Phạm Đức Huy phụ trách server, và hai họa sĩ thiết kế đồ họa Bùi Thiện Quý và Phạm Ngọc Thắng). Họ đã mất gần một năm cho dự án.

Về phía người tham gia vẽ từ xa, họ viết một lập trình có tên License 2 Draw app, cài đặt rất nhẹ và sử dụng đơn giản; về phía tác phẩm (trong hình thù một chiếc xe đồ chơi có gắn viết vẽ) lại là một lập trình để tiếp nhận lệnh (qua wifi) từ khắp nơi, rồi lần lượt vẽ lên một tấm toan hay mặt phẳng trưng bày tại triển lãm. Nói nôm na, Ưu Đàm “chỉ vẽ” nên tác phẩm này bằng ý niệm về kỹ thuật nền tảng, còn kết quả tác phẩm thì được những ai quan tâm trên khắp thế giới tiếp tay.

Họa sĩ Ưu Đàm đang thực hành nháp với “xe vẽ” của mình tại xưởng làm việc

Về bản quyền tác giả, rõ ràng tác phẩm này được cấu thành từ nhiều cộng sự, nhưng động lực chính để họ làm việc và để nó hình thành là của Ưu Đàm. Điều này cũng không khác việc xây dựng một tượng đài hoành tráng hoặc sản xuất phim, nơi điêu khắc gia hay đạo diễn chỉ nắm linh hồn chung, còn việc thi công thì do các bộ phận chuyên trách đảm nhiệm. Điều này làm cho License 2 Draw khác với đa phần tác phẩm thị giác khác của Việt Nam, thậm chí thế giới.

Nó mang tính quốc tế và cập nhật vì đã biết nương tựa vào kỹ thuật điều khiển từ xa, thông qua hệ thống liên mạng toàn cầu. Điều này làm cho “quê hương của tác phẩm” (made in…) cũng bị chuyển đổi từ không gian địa lý sang không gian công nghệ và không gian ý niệm. Rất có thể tác phẩm của họa sĩ Việt trưng bày tại Nhật nhưng lại được một người chơi nào đó ở châu Mỹ, châu Phi vẽ chủ đạo, vì họ nhiệt thành hơn và thấy có cảm hứng sáng tạo nhiều hơn.

Và nghệ thuật không giới hạn

Cũng chính nhờ công nghệ mà tác phẩm này không bị giới hạn về kích cỡ đoán định từ đầu của tác giả, mà tùy vào thực tế của không gian trưng bày và điều kiện đầu tư, tác phẩm có thể nới rộng rất dễ dàng. Chúng ta có quyền hình dung về một không gian trưng bày rộng lớn - một bảo tàng chẳng hạn, nơi có từ một đến nhiều “xe vẽ” này đang nhận lệnh khắp nơi để hoàn thành tác phẩm. Người thưởng thức sẽ không còn vào bảo tàng để xem một tác phẩm đã hình thành, mà là đang hình thành; chính họ cũng có thể vẽ ngay tại chỗ nếu chấp nhận tải License 2 Draw app về điện thoại, máy tính bảng của mình.

License 2 Draw app có thể được cài đặt dễ dàng vào điện thoại thông minh và máy tính bảng

Trong quan niệm thời cổ điển và thời hiện đại thì tác giả là người quyết định trọn vẹn tác phẩm của mình, cho nên khi tiếp nhận và phê bình tác phẩm, đa phần vẫn căn cứ vào đây. Về sau này và gần đây, quan niệm này đã thay đổi khá nhiều, nơi quyền của người thưởng thức được đề cao hơn.

Thậm chí có nhiều quan điểm còn cho rằng người thưởng thức mới có quyền quyết định sự sinh tử của tác phẩm, nên cái cách mà họ diễn giải về sau quan trọng hơn ý niệm và ý tưởng mà tác giả muốn hướng đến từ đầu. Tác phẩm License 2 Draw của Ưu Đàm và cộng sự còn đi xa hơn, khi anh cho người thưởng thức được phép đồng sáng tạo trước khi thưởng thức. Chính vì thế cũng sẽ đồng tiếp nhận, nơi sức diễn giải không chỉ dừng lại ở từng chủ thể diễn giải, mà sẽ là liên chủ thể diễn giải. Và thú vị hơn nữa, khi mà sau mỗi diễn giải lại nảy sinh những diễn giải khác, bởi nếu trưng bày dài lâu hoặc vĩnh viễn, tác phẩm sẽ tiếp tục hình thành. Nhóm công nghệ cũng đã nghĩ đến việc nâng cấp và cập nhật License 2 Draw app về sau này.

Sự kiện Koganecho Bazaar 2014 - Cộng đồng tưởng tượng Á châu diễn ra từ ngày 1/8 đến 3/11/2014 tại khu đô thị Koganecho thuộc thành phố Yokohama, Nhật Bản. Sự kiện này khởi động từ mùa Thu năm 2008, bao gồm hội thảo, sân khấu, lễ hội, sự kiện nghệ thuật…; đã thu hút hơn 140 nhóm nghệ sĩ, giám tuyển, các kiến trúc sư từ Nhật Bản và nước ngoài. 

Năm nay, ngoài 15 nghệ sĩ tại chỗ, sự kiện mời 22 nghệ sĩ từ nhiều nước, Việt Nam còn có Trương Công Tùng và Liar Ben (TP.HCM, do Ga 0 tiến cử). Họ sẽ lưu trú sáng tạo và giới thiệu tác phẩm trong vòng 3 tháng.

Cũng xin nhắc lại, từ sau Thế chiến 2, khu vực Koganecho được biết đến với tệ nạn mại dâm, ma túy, tội phạm… gần như vô chính phủ kéo dài. Chính vì thế, Hiệp hội Hatsunecho, Koganecho và Hinodecho Environmental Cleanup đã phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là giới nghệ sĩ để giúp hồi sinh khu vực này. Sự kiện bán vé Koganecho Bazaar được xem là một điểm sáng điển hình của tinh thần hồi sinh văn hóa, nghệ thuật cho thành phố.


Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›