(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài 2 lễ hội chùa Hương và đền Gióng đã khai mạc vào ngày hôm qua 2/2, miền Bắc – cái nôi của lễ hội Xuân trên cả nước – vẫn còn hàng loạt lễ hội rất đáng chú ý.
- VIDEO: 15 Lễ hội đầu Xuân 'không thể bỏ qua' của Việt Nam
- Không chém lợn giữa sân đình tại lễ hội làng Ném Thượng
- Xem Lễ hội vịnh Xuân Đài qua góc nhìn của người chọn cảnh 'Hoa vàng cỏ xanh'
- Thủ tướng dự lễ hội kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Chợ Viềng Nam Định, đêm 3/2 (7/1 âm lịch)
Chợ Viềng mở chính thức vào đêm ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, tại Vụ Bản, Nam Định, nhưng ngay từ chiều cùng ngày đã có rất nhiều người ở khắp các địa phương mang hàng hóa về bày bán. Mỗi năm, phiên chợ này ước tính thu hút hàng chục ngàn du khách tới mua đồ cũ, đồ thờ, cây cảnh…và du xuân. . Khách thập phương thường lấy lộc kết hợp luôn cả đi lễ chùa, lễ phủ, tại các điện thờ mẫu thuộc Vụ Bản gần chợ Viềng.
Hội Yên Tử ngày 5/2 (mùng 10/1 âm lịch)Lễ hội Yên Tử là một lễ hội được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến quanh năm.Yên Tử là nơi vua Trân Nhân Tông hóa Phật, nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Khai ấn đền Trần Nam Định: ngày 8/2 (13/1 âm lịch)Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, thường từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Đây là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất Việt Nam nhằm tri ân công đức các vị vua Trần.Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.
Hội Lim ngày 8/2 ( 13/1 âm lịch)
Hội Lim là lễ hội lớn nhất của người quan họ Kinh Bắc nơi du khách được thưởng thức các làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào và đầy tình cảm của các liền anh, liền chị. Hội diễn ra trong hai ngày 12, 13 tháng giêng âm lịch hằng năm trong đó ngày 13 mới là chính hội. Hội Lim do Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bắc Ninh và Uỷ ban Nhân dân huyện Tiên Du phối hợp tổ chức.
Hội Bà Chúa Kho ngày 10/2 (14/1 âm lịch)
Đền Bà chúa kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14 tháng Giêng.Đã thành thông lệ, cứ vào dịp đầu năm, hàng vạn người lại ngược về Bắc Ninh đi lễ Bà Chúa Kho để cầu lộc theo niềm tin “đầu năm vay bà, cuối năm trả nợ”.
Hội Minh thề Hải Phòng: ngày 10/2 (14/1 âm lịch)
Lễ hội Minh thề diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, tại Miếu thờ Thành hoàng bản thổ, thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ. Lễ hội là sự kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý nhân cách. Nhiều người gọi đây là lễ hội “chống tham nhũng” bởi hịch văn Minh thề quy định lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công.
Hội chọi Trâu Hải Lựu Vĩnh Phúc ngày 12 và 13/2 (16/1-17/1 âm lịch)
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu diễn ra tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam.Từ năm 1947, do chiến tranh Đông Dương ác liệt và nhiều lý do khác, lễ hội chọi trâu này không được tổ chức, mãi tới năm 2002 mới được khôi phục trở lại. Từ năm 2004, lễ hội được tổ chức trong hai ngày 16 và 17 tháng giêng.
Cúc Đường
Tags