Thế hệ vàng cải lương: Nghệ sĩ Văn Hường - Người 'dát vàng' cho vọng cổ hài

Thứ Tư, 09/10/2019 11:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Ê bớ làng nước có ai như đời tôi hông chứ? Có vợ làm chi mà phải ăn quán ngủ trưa ở mái sân đình?...”. Giọng ca mùi mẫn, pha một chút hài hước, một chút tự thán đã trở thành huyền thoại của làng đĩa nhựa giải trí và đủ sức làm say lòng những khán thính giả yêu bản vọng cổ hài của soạn giả Viễn Châu. Đó chính là danh ca vọng cổ hài Văn Hường, mà người hâm mộ còn gọi ông cái tên thân quen “Tư Ếch”.

Thế hệ vàng cải lương: NSƯT Bảo Quốc, từ giải Thanh Tâm đến 'đệ nhất danh hài'

Thế hệ vàng cải lương: NSƯT Bảo Quốc, từ giải Thanh Tâm đến 'đệ nhất danh hài'

Nói đến Bảo Quốc là người ta nghĩ ngay đến hai chữ “hiền lành”. Ông hiền đến mức lạ lùng và trời đã ban cho ông một gia đình đầm ấm cũng lạ lùng. Vợ, con, cháu, chắt thành một đại gia đình gắn bó yêu thương, mà trong đó đã có nhiều gương mặt quen thuộc với làng nghệ thuật.

Tôi có may mắn là được trò chuyện cùng ông qua nhiều giai đoạn. Lúc ông tham gia chương trình Vầng trăng cổ nhạc của HTV, rồi sau này là Những dấu ấn không phai, Sân khấu Vàng đến giai đoạn NSND Minh Vương lập nhóm bạn “Cà phê Kim Chung”.

Từ quán giải trí Lệ Liễu, trở thành danh ca

Lúc nào ông cũng hồ hởi khi nhắc về quá khứ vàng son, nhưng không quên thực tại của một danh ca đã về chiều. Hai chữ ông nhớ trong đầu mỗi khi nghe hỏi về xuất phát điểm là “Lệ Liễu”. Quán giải trí nằm bên cầu Thị Nghè thập niên 1960 - 1970 của Sài Gòn đã là nơi đưa ông phiêu lưu vào thế giới nghệ thuật và có nghệ danh Văn Hường.

Ông tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại Mỹ Thành, Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức (nay thuộc Q.9, TP.HCM) trong một gia đình nhà nông. Theo lời ông tâm sự, thuở nhỏ ông mê nghe đài phát thanh, rồi thuộc nằm lòng rất nhiều bài bản, câu hò điệu lý của đờn ca tài tử Nam Bộ.

Chú thích ảnh
NS Văn Hường và NSND Lệ Thủy. Ảnh: Thanh Hiệp

Năm 15 tuổi, ông từ giã quê hương lên Sài Gòn. Cái nghề đầu tiên ông mưu sinh ở mảnh đất phồn hoa đô hội là bán hột dưa ở rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân thuộc Nhà hát Kịch TP.HCM - 30 Trần Hưng Đạo, Q.1). Lúc đó nơi này được xem là rạp hát “Hàng không mẫu hạm”, nơi mà đoàn hát nào khai trương đều thu hút đông nghệ sĩ, báo chí đến xem.

Tuy bán hột dưa, nhưng hễ rảnh rang thì ông ca nghêu ngao vài câu vọng cổ. Rồi một tối nghệ sĩ Lệ Liễu - người có mở một quán ca cổ ở cầu Thị Nghè đi xem hát, bắt gặp anh chàng bán hạt dưa ca ngọt ngào, duyên dáng, nên đã bèn rủ ông đến quán của bà để có dịp song ca.

Tiếng lành đồn xa, nhiều nghệ sĩ của làng cải lương đến quán Lệ Liễu để nghe Văn Hường hát, trong đó có soạn giả - NSND Viễn Châu. Soạn giả Viễn Châu đã hướng dẫn cho Văn Hường cách ca vọng cổ hài và Văn Hường đã nhận Viễn Châu làm thầy.

Chú thích ảnh
Một đĩa CD vọng cổ hài của Văn Hường

Lúc sinh thời, soạn giả Viễn Châu đã nhận xét rằng, nghệ sĩ Văn Hường không được đẹp trai, miệng lại móm và thiếu chiều cao, nên ông nghĩ đến việc khai thác giọng ca này, nhằm thay thế một số nghệ sĩ hài đương thời nhưng làm chảnh, gây tổn thất cho các đoàn hát bởi sự trịch thượng trong đòi hỏi quyền lợi, dẫn đến đoàn hát phải thay đổi vở tuồng vì thiếu nghệ sĩ hài.

“Vua vọng cổ hài” ra đời

Thời đó, soạn giả Viễn Châu sáng tác nhiều bài ca vọng cổ hài. Ông nghĩ rằng, tại sao bài vọng cổ có thể làm khán giả khóc mà không làm khán giả cười. Bởi, mỗi sáng ông thường ngồi đọc báo ở quán cà phê đầu ngõ, trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, nơi mà mỗi ngày đủ thứ chuyện xã hội được diễn ra trong thế giới thu nhỏ. Từ chuyện vợ ghen chồng, chồng say xỉn hành hung vợ, đến chuyện mua số đề, chơi đua ngựa những mong sẽ đổi đời của bà con lao động nghèo trong các con hẻm nhỏ mà ông biết.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Văn Hường và người bạn đời

Đang được thời làm giám đốc nghệ thuật cho nhiều hãng đĩa Sài Gòn thời đó, ông đã nghĩ phải làm mới bài vọng cổ sau cú hích “Tân cổ giao duyên”, đưa tên tuổi NSND Lệ Thủy đi vào huyền thoại - người ca thể điệu tân cổ giao duyên đầu tiên. Và từ ngày phát hiện ra nghệ sĩ Văn Hường, ông đã nghĩ đến buổi hừng đông của bài vọng cổ hài, khi có trong tay một giọng ca đặc sệt Nam Bộ, lối xuống xề nhừa nhựa, kéo dài mỗi chữ hò như chất chứa trong từng câu ca nỗi niềm trắc ẩn.

Thế là ông mạnh dạn sáng tác thể điệu vọng cổ hài, nhằm đưa vào đó sự châm biếm những tiêu cực của gia đình, xã hội, mà nhân vật Tư Ếch là điển hình cho dòng ca cổ hài do ông sáng chế.

Chính xác, vào năm 1961, bài Tư Ếch đi Sài Gòn ra đời. Đưa tên tuổi Văn Hường trở thành đỉnh điểm khiến các danh hài thời đó nể phục bởi sự nổi tiếng nhanh như vũ bão của một anh chàng bán hạt dưa phút chốc có “đôi hài bảy dặm” bay vào thế giới vọng cổ hài.

Năm 1972, Văn Hường cùng nghệ sĩ Thanh Hải lập đoàn hát “Thanh Hải - Văn Hường”. Giai đoạn làm bầu đã tạo cơ hội để ông dấn thân vào nghiệp diễn xuất.

NSND Lệ Thủy kể: “Tôi và anh Văn Hường có một kỷ niệm khó quên, đó là tôi đóng vai Ngân Tâm, anh đóng vai Tứ Cửu trong vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài trên sân khấu Kim Chung. Thời đó chúng tôi còn rất trẻ, một bên vừa nổi với bài Chàng là ai theo thể điệu “tân cổ giao duyên”, một bên vừa được khán giả yêu thích với Tư Ếch đi Sài Gòn, chúng tôi đều mang ơn thầy Viễn Châu đã đặt nền tảng để cả hai tỏa sáng. Anh Văn Hường biết hạn chế của mình chỉ có giọng ca hài, với chất giọng ự ự hào sảng Nam Bộ và cái duyên ca vọng cổ làm khán giả phì cười, nên anh chịu khó học nghề diễn, từng bước đúc kết kinh nghiệm để mỗi vai diễn mang lại cho người xem sự phấn khởi”.

Sau ngày đất nước thống nhất, nghệ sĩ Văn Hường về cộng tác với Đoàn Cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh), sau đó về Đoàn Cải lương Sống Chung (Phước Chung). Năm 1987 do lớn tuổi, ông từ giã sân khấu, lui về mở quán nghệ sĩ Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM cho đến ngày nay.

Ở tuổi 82, nghệ sĩ Văn Hường không quên các vai diễn đã cho ông cảm xúc dạt dào dù là vai phụ, chuyên đem lại tiếng cười thư giãn trong một vở bi, nhưng đó là những bài học quý của đời nghệ sĩ mà ông gìn giữ.

Có lần ông bộc bạch: “Đã qua tuổi thất thập cổ lai hi, còn có khán giả yêu mến là hạnh phúc. Tôi nhớ các vở tuồng mình đã đóng như: Nửa bản tình ca, Nửa mảnh kim tiền, Qua cầu vọng thê, Tướng cướp và mảnh lụa đỏ, Mấy nhịp cầu duyên, Đôi mắt liêu trai, Mưa rừng, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài… Tất cả đã đi vào ký ức. Còn bài vọng cổ hài thì ôi thôi nhiều lắm. Hàng trăm bài ông thầy Viễn Châu viết cho tôi, giúp tên tuổi tôi bay cao, bay xa, rồi có tiền mua nhà, mua xe, cưới vợ, lo cho con cháu”.

Khán giả nhớ đến Văn Hường đã không quên các bài vọng cổ đã gắn liền với tên tuổi của ông như: Ba ông thầy bói, Chó mực đầu cáo, Đời là gì?, Đi hát cải lương, Hiệp sĩ say giải nghệ, Kể tuồng sân khấu, Tai nạn Honda, Tại tôi tuổi Sửu, Tiền bạc, bạc tiền, Tôi đi hớt tóc, Tư Ếch đi chợ, Tư ếch đi hội chợ, Tư Ếch, Ba Râu đi xem đại nhạc hội, Tứ đổ tường, Văn Hường đại chiến Tư Ếch, Vợ tôi đẹp ác, Vợ tôi đi coi bói, Vợ tôi mê tân nhạc… Đó là những báu vật quý của sân khấu cải lương đã hơn 100 tuổi, mà công trạng về người đưa thể điệu vọng cổ hài đến gần với công chúng, chính là nghệ sĩ Văn Hường.

(Hỏi đáp về quá khứ - hiện tại - tương lai)

“Đừng sống vì quá khứ”

* Ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại? Điều gì khiến ông hài lòng khi nhìn lại sự nghiệp của mình?

- Tôi hài lòng khi ở tuổi này khán giả còn thương mình. Hễ thích nghe vọng cổ hài thì họ tìm đến quán của tôi để ca nghêu ngao. Ban đầu họ muốn song ca với tôi, nhưng sau này do sức khỏe, tôi khó mà chìu hết các thực khách nên tôi ngồi nghe họ ca. Nhiều bài tôi đã quên nhưng họ thuộc vanh vách. Tôi hạnh phúc lắm. Hiện nay nhiều thứ bệnh trong tôi lắm. Các con và vợ thay tôi chăm sóc quán, có khách quý lắm mới ráng ra ngồi tiếp, còn lại thì nằm nghỉ ngơi nghe khách cười nói, ca vọng cổ hài, vậy là xong một ngày nhàn hạ của tuổi về chiều.

* Nếu trở về ngày xưa, ông sẽ làm gì? Ông có hối tiếc điều gì chưa làm được ở quá khứ?

- Nếu tôi có một phép màu thì sẽ biến nhà tôi thành quán Lệ Liễu. Tôi khoái xuất phát điểm của đời mình. Cái quán đó ngộ lắm, hễ tôi lên ca thì khán giả ngồi nghe rất lịch sự, họ nghe trong sự tôn trọng. Có lẽ nhờ vậy mà tôi bắt đầu yêu thánh đường sân khấu từ cái thời còn ca ở quán Lệ Liễu. Tôi hối tiếc một điều, thầy Bảy Viễn Châu chưa sáng tác bài ca cổ nào về quán Lệ Liễu để tôi ca.

* Với những tác phẩm đã ca diễn ngày xưa, hiện nay ông có mong muốn sẽ trao truyền cho thế hệ trẻ?

- Tôi không có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với các bạn diễn viên trẻ. Nhưng tôi xem họ trên màn ảnh, thấy họ ca diễn tôi mê lắm. Nhưng ngày nay hiếm có bạn trẻ nào đi theo trường phái ca vọng cổ hài như thế hệ của tôi. Tôi ca diễn hồi xưa trên sân khấu Kim Chung rồi sau này lập gánh với anh nghệ sĩ Thanh Hải thì có ca diễn một số vai. Kịch bản xưa mất hết rồi, tiếc lắm. Bây giờ thế hệ trẻ phải ca diễn những vai tuồng nói về cuộc sống hôm nay, chứ đừng ca ngợi quá khứ vàng son của cải lương xưa, phải từ nền tảng đó mà tiến tới, chứ đừng sống vì quá khứ. Tôi nghĩ như vậy đó.

Thanh Hiệp

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›