(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/9 vừa qua đánh dấu thời điểm tròn 40 năm kể từ khi tiểu thuyết The NeverEnding Story (tạm dịch: Câu chuyện không bao giờ kết thúc) của nhà văn Đức Michael Ende xuất hiện trên thị trường. Cuốn sách ấy, cũng như những bộ phim và ca khúc “ăn theo” nó, xứng đáng là một hiện tượng đặc biệt của thế kỷ XX.
Cụ thể, bộ phim chuyển thể từ cuốn sách (thường được biết đến với tựa Việt Chuyện dài bất tận (1984) là một tác phẩm kinh điển của thập niên 1980 và vẫn thường xuyên được đề cập đến trong nền văn hóa đại chúng. Còn ca khúc The NeverEnding Story từng lọt vào nhiều bảng xếp hạng.
Không đơn thuần là sách thiếu nhi
Với tiểu thuyết The NeverEnding Story, nhà văn Ende đã tạo ra một thế giới đan xen giữa sự tưởng tượng và hiện thực thông qua câu chuyện về một cậu bé cô độc tên là Bastian. Bastian là một cậu bé rất mê đọc sách, hay bị bắt nạt và thừa cân. Cậu bị người cha bỏ mặc sau khi mẹ cậu qua đời.
Trong khi cố thoát khỏi tình trạng bị bắt nạt, Bastian vào một cửa hàng bán sách cũ và ở đây cậu đã “chìm đắm” vào một cuốn tiểu thuyết có tựa đề The NeverEnding Story. Không thoát ra khỏi cuốn truyện, Bastian đã đánh cắp nó, ẩn mình trên gác mái của trường học và “vùi đầu’ vào cuốn sách. Trong khi đọc sách, Bustian phát hiện ra mình cũng tồn tại trong câu chuyện kể.
Đó là câu chuyện về một hoàng hậu nhỏ tuổi cai trị vùng đất Fantastica. Một thế lực tà ác, The Nothing, xâm chiếm vũ trụ của cô. Để cứu cô và Fantastica, một đứa trẻ của cuộc đời thật phải bước vào thế giới giả tưởng này - điều mà Bastian sẽ làm.
Sau khi The NeverEnding Story được tung ra, cuốn truyện này đã được ca ngợi khắp châu Âu. Những thông điệp từ cuốn sách trở thành “cú hích” cho hoạt động của các nhà bảo vệ môi trường. Và hơn thế, nữa, nó đã chinh phục được độc giả nhiều lứa tuổi chứ không đơn thuần là cuốn sách của thiếu nhi. Rất nhiều nhà phê bình đã nghiêm túc cùng nhau nghiên cứu và phân tích ý nghĩa của cuốn truyện này
Sau lần phát hành đầu tiên với 20.000 bản, The NeverEnding Story vẫn trụ vững trong các bảng xếp hạng sách best-seller trong nhiều năm. Cuốn tiểu thuyết này đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng, tiêu thụ được hàng triệu bản trên khắp thế giới. Bản dịch tiếng Anh của Ralph Manheim được xuất bản lần đầu vào năm 1983 và bộ phim dựng theo cuốn sách được phát hành một năm sau đó.
Phim ăn khách
Thời điểm đó, đạo diễn Đức Wolfgang Petersen, người nổi tiếng trong thập 1980 với phim chiến tranh Das Boot, đang tìm kiếm chất liệu mới cho dự án kế tiếp của mình.
“Khi thấy The NeverEnding Story có mặt trên thị trường tôi bật kêu lên: “Chúa ơi, sau 3 năm dàn dựng Das Boot, thật tuyệt vời khi mình có thể hoàn toàn đi vào một thế giới khác và làm một bộ phim liên đến những ước mơ và ước muốn của những đứa trẻ” - Petersen chia sẻ với trang web Nerdist.
Mặc dù thời gian đầu Ende đảm nhiệm vai trò đồng sáng tác kịch bản phim với Peterson, nhưng mối quan hệ này đã gặp nhiều xung đột theo thời gian. Kịch bản đi chệch khỏi nội dung trong cuốn truyện và Ende cảm thấy lạc lõng khi biết câu chuyện của mình sẽ được thay đổi theo một số cách tiếp cận. Sự không hài lòng ấy dâng cao đến mức ông đã kiện hãng phim (sau đó ông đã thua kiện).
The NeverEnding Story là bộ phim tiếng Anh đầu tiên của Petersen. Sau này, ông tiếp tục dàn dựng 2 sử thi Hollywood khác là Troy (Người hùng thành Troy - 2004) và Poseindon (Con tàu tuyệt mệnh - 2006).
Được phát hành năm 1984, The NeverEnding Story là bộ phim có kinh phí tốn kém nhất của Đức thời điểm đó, song doanh thu phòng vé “không tưởng” của bộ phim đã khiến cho khoản đầu tư đầy tham vọng này trở nên đáng giá.
Phần lớn phim được quay tại Bavaria Studio ở ngoại ô thành phố Munich (Đức), trừ một số cảnh được quay ở Vancouver (Canada) và San Jose, Almeria ở Tây Ban Nha. Ngày nay người hâm mộ vẫn có thể tới thăm phim trường Bavaria Filmstadt.
Trên đà thành công của phim, 2 tập tiếp theo đã được tung ra, gồm The NeverEnding Story II: The Next Chapter, tiếp nối câu chuyện của tập đầu tiên và kể ngắn gọn về phần 2 của cuốn sách. Trong khi đó, tập 3 phim là The NeverEnding Story III: Escape from Fantasia kể một câu chuyện hoàn toàn mới không liên quan gì đến cuốn sách.
Ca khúc biểu tượng
Ca khúc chủ đề trong phim của Petersen được Giorgio Moroder (được coi là “cha đẻ” của dòng nhạc disco) sáng tác nhạc với phần ca từ của Keith Forsey. Ca sĩ Anh Christopher "Limahl" Hamill, cựu thành viên ban nhạc Kajagoogoo, và Beth Anderson trình bày ca khúc.
Với phần đệm đàn “synthesizer” (nhạc cụ điện tử tạo ra tín hiệu điện sau đó được chuyển đổi thành âm thanh thông qua amplifier và loa) như trong mơ, ca khúc phản ánh hoàn hảo cảm giác về thế giới giả tưởng của bộ phim. Đối với nhiều người hâm mộ, đĩa đơn là thứ duy nhất được nghe đi nghe lại để khiến họ nhớ về bộ phim cho đến khi nó được phát hành trên VHS.
Kể từ khi The NeverEnding Story lọt vào các bảng xếp hạng hồi năm 1984, nhiều ban nhạc đã “cover” ca khúc và sự hiện diện của nhạc phẩm này trong phim Stranger Things những năm gần đây đã khơi lại sự quan tâm của công chúng tới giai điệu này.
Rhino Records, công ty thu âm chính thức của ca khúc gốc, đã tái phát hành video trên YouTube hồi tháng 7 sau khi mùa thứ 2 phim Stranger Things kết thúc (năm 2017). Clip này đã nhận được gần 2,5 triệu lượt truy cập. Một phiên bản trước đó của video cũng đã nhận được hơn 44,5 triệu lượt xem.
Như tựa đề của bộ phim, ca khúc gốc không có phần giới thiệu hay kết luận, nó nhỏ dần ở đầu và ở cuối như thể “không bao giờ kết thúc”. Tương tự, câu chuyện của Michael Ende cũng sẽ tiếp tục sống mãi trong tâm trí của những người đã đọc cuốn sách, xem phim và nghe ca khúc.
Vài nét về nhà văn Michael Ende Michael Andreas Helmuth Ende (12/11/1929 - 29/8/1995) là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của Đức thế kỷ 20. Có thể coi ông là một trong những tiểu thuyết gia toàn năng: Bên cạnh sách dành cho thiếu nhi, ông còn viết sách cho người lớn, sáng tác nhiều vở kịch và thơ. Nhiều tác phẩm của ông đã được dựng thành phim và sử dụng cho sân khấu, truyền thanh, truyền hình. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra 45 thứ tiếng và lượng sách bán ra đã đạt hơn 20 triệu cuốn. Việc chuyển thể phim cả hai quyển sách thành công nhất của ông Momo và The NeverEnding Story cũng góp phần tạo nên danh tiếng cho ông. Ende qua đời năm 66 tuổi do bệnh ung thư dạ dày. Viện lưu trữ văn học Đức (Deutsche Literaturarchiv) hiện quản lý di sản văn học của ông. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags