Có thứ Sáu, báo TT&VH ra muộn, đi làm về chưa mua được, cơm chiều xong tôi đạp xe từ Thanh Xuân ra Ngã Tư Sở. Mua báo rồi còn cố đứng trên vỉa hè đọc lướt dưới ánh điện nhập nhoạng…
Năm 1982, tôi khoác ba lô từ biên giới Lạng Sơn về Hà Nội đi học. Dù thi thoảng vẫn về qua nhà thì sau 8 năm, Hà Nội vẫn khiến tôi vẫn bỡ ngỡ. Bỡ ngỡ không chỉ vì phải bắt nhịp với cuộc sống đô thị, mà còn bỡ ngỡ do sự thay đổi của chính mình. Ngày nào là chú lính trẻ ít bận tâm sự đời, giờ là người lính ít nhiều từng trải. Đến trường nghe giảng và chuyện trò với một số thầy nổi tiếng ở Hà Nội khi đó, tôi hiểu phải học, phải đọc cho tử tế.
Thời ấy sách rất hiếm, các cuốn có giá trị chủ yếu phải tìm mượn, báo chí vẫn theo quán tính thời kỳ trước, thông tin thế giới chủ yếu từ Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, ít bài vở đề cập, bình luận về sự kiện, vấn đề văn hóa, nghệ thuật, thể thao thời sự nổi bật đã và đang được chú ý trên thế giới. Nên lần đầu tiên cầm tờ Văn hóa, Thể thao quốc tế (nay là Thể thao và Văn hóa) tôi tò mò về hình thức hơn là về nội dung, vì chưa bao giờ thấy một tờ báo có khuôn khổ khác lạ, bằng 1/4 mấy tờ nhật báo vẫn đọc.
Đến khi đọc nội dung thì hứng thú đã thay thế tò mò, được tiếp xúc với nhiều vấn đề, hiện tượng, con người trên thế giới tôi chưa từng biết, lần đầu tiên biết. Điều này là quan trọng với người cần tham khảo các thông tin chuẩn xác để truyền bá. Như tôi chẳng hạn, vài năm sau khi tốt nghiệp đại học, đứng trên bục giảng bài Phê phán nghệ thuật tư sản phương Tây hiện đại vẫn rất lớn tiếng “phang” nghệ thuật phương Tây hiện đại cật lực, mà thực tế thì hiểu biết cực kỳ ít, chủ yếu đọc lỏm từ mấy giáo trình mỹ học, từ mấy cuốn Nghệ thuật phương Tây hiện đại, Phương Tây văn học và con người. Tức là phê phán tác phẩm chưa đọc, phê phán xu hướng nghệ thuật chưa tiếp xúc, người khác phê phán thế nào thì phê phán theo. Giờ nhớ lại vẫn thấy xấu hổ.
Tôi nhấn mạnh điều này bởi nếu quy chiếu từ bối cảnh báo chí hôm nay sẽ thấy là bình thường, song vào thời điểm 40 năm trước, thì đó là hết sức mới mẻ. Vì thế hoàn toàn có thể khẳng định TT&VH là một trong số ít tờ báo đã đi tiên phong, cùng tạo nên sự đột phá, để báo chí Việt Nam bước sang thời kỳ mới.
Khổ A4 của TT&VH một thời cũng hay, vì không vướng vít, ngồi đâu cũng đọc được, thuận tiện cho vào cặp, cuốn lại cầm tay, để túi quần sau phủ áo ra ngoài. Cũng hồi đó, nội dung văn hóa, nghệ thuật in trên hơn nửa số trang và ở phần đầu, giở báo là đọc luôn. Về sau phần thể thao in trước, phần văn hóa, nghệ thuật in sau, lại loạt xoạt lần giở.
Những năm 80 của thế kỷ trước, “gạo châu, củi quế”, mua tờ báo cũng phải tính toán, chứ không phải hễ thích là mua được ngay. Vậy mà từ khi biết TT&VH tôi bỏ sót rất ít, kể lại không quá lời, vì tôi mua TT&VH kể cả khi ví phải vét voi. Có thứ Sáu báo ra muộn, đi làm về chưa mua được, cơm chiều xong tôi đạp xe từ Thanh Xuân ra Ngã Tư Sở. Mua báo rồi còn cố đứng trên vỉa hè đọc lướt dưới ánh điện nhập nhoạng. Có hôm đi về bị mưa như trút, nhét báo vào bụng vẫn bị ướt. Đến nhà chui vào bếp, hơ trên dây mayso bếp điện. Báo cong queo, dày cộp, chữ thì chỗ đậm chỗ nhèo, lấy chai ép cho phẳng, lại dán mắt đọc.
TT&VH ra số thứ Ba, rồi số thứ Bảy, báo hàng ngày và số Cuối tuần, tôi vẫn mua. Công tác dài ngày ở miền Tây và miền Đông, một trong mấy việc tôi quan tâm là tìm TT&VH. Lúc mua sạp báo vỉa hè, lúc mua ở bưu điện, mấy số không mua được, về TP.HCM tìm lại báo cũ. Đọc xong cất va li, mang ra Hà Nội, xếp đống báo lưu.
Còn nhớ hồi đó TT&VH phát hành ở phía Bắc in toàn bộ trên giấy đen, phát hành phía Nam thì có trang ngoài in trên giấy trắng, trang trong in trên giấy đen. Cùng khuôn khổ TT&VH, cũng khá hay và ra đời sau còn có Tiền phong Cuối tuần, Người Hà Nội, nhưng tôi chỉ mua TT&VH, đến mức một công việc nặng nề của tôi mỗi lần chuyển nhà là cẩn thận đóng gói báo lưu. Dần dà báo lưu nhiều quá mà nhà chật chội, tôi buộc phải gọi cô đồng nát, trước khi gọi đã chọn bài cần thiết cắt cất đi. Sau hơn 20 năm cặm cụi lưu giữ, số tiền bán mấy bao tải báo chỉ mua được hơn 10kg gạo, xót hết cả ruột!
Như đã viết, tôi đam mê TT&VH vì gần 40 năm trước, tờ báo đã giúp tôi tiếp xúc với nhiều điều chưa từng biết, lần đầu tiên biết. Theo quan sát của tôi, gần 40 năm qua vẫn vậy, báo chí Việt Nam đã phát triển phong phú, người đọc có thể thoải mái tự chọn “món ăn” báo chí họ yêu thích, thì TT&VH vẫn có ưu thế riêng, nhanh chóng thích ứng sự chuyển dịch của bối cảnh báo chí cùng người đọc.
Từ xuất bản 3 số trong tuần, đổi khổ báo xuất bản từ thứ 2 đến thứ 6, đến triển khai các chương trình Văn hóa toàn cảnh, Radar Văn hóa phát trên Truyền hình Thông tấn - Vnews, tổ chức trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn,… chính là sự thể hiện phong độ, khả năng sáng tạo, và linh hoạt đổi mới của TT&VH qua từng thời kỳ.
Cũng theo tôi, một trong các yếu tố làm nên sự hấp dẫn là ngoài phóng viên, biên tập viên trong tòa soạn, TT&VH đã tổ chức, thu hút được rất nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu cộng tác. Điều này giúp cho tờ báo có nhiều bài vở phong phú, chất lượng, quan trọng hơn là làm nên tính đa dạng của ý tưởng, khả năng tạo lập, triển khai đề tài trực tiếp liên quan văn hóa, văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, tạo hình,… cả trong và ngoài nước rất hấp dẫn, ý nghĩa, thiết thực. Tương tự như thế là với lĩnh vực thể thao.
Từng giữ một số mục trên mấy báo khác nhau tôi cũng có tí chút tự tin về khả năng, nhưng khi biết nhà báo Phạm Thanh Hà đã giữ các mục Nhật ký Remote, Chuyện vỉa hè, Camera, Muôn màu cuộc sống,… trên TT&VH với nhiều ý tưởng, ý kiến sắc sảo thì tôi tự thấy mình chưa là gì. Thậm chí mục Truyện cười bốn phương do Anh Vũ sưu tầm, giữ mục mấy chục năm cũng có nét độc đáo riêng, vui, hóm hỉnh, không lặp lại…
Bắt đầu viết báo từ cuối những năm 80, các năm sau, với TT&VH, tôi vẫn chỉ là bạn đọc. Nhìn tên tuổi các tác giả, đọc những vấn đề, sự kiện, hiện tượng, con người đã được báo đề cập, tôi không dám nghĩ đến việc gửi bài. Vậy nhưng một lần gặp anh Ngô Hà Thái - Phó tổng biên tập khi đó, được mời cộng tác, tôi khấp khởi mừng thầm, cố gắng viết. Bài đầu tiên được đăng, tí tởn ra mặt. Viết mãi thành quen, lúc tòa soạn đặt bài, lúc nảy sinh ý tưởng mới thì gọi điện trao đổi, được đồng ý là triển khai.
Hồi đó bài vở chủ yếu viết tay, khi giữ mục Tin Văn nghệ hằng tuần, tôi phải đến tòa soạn nộp bản thảo. Có bài vở ưng ý được đăng trên tờ báo mình yêu thích quả là niềm vui không dễ có. Vui hơn là luôn nhận được sự tôn trọng của tòa soạn. Bài nào cần sửa hay cần cắt đều cẩn trọng trao đổi qua lại để tìm tiếng nói chung. Trong một số trường hợp, qua trao đổi, tôi nhận ra chính tôi cũng cần rút kinh nghiệm.
Mấy chục năm qua, tôi từng cộng tác với nhiều tờ khác nhau, thường thì vài ba năm viết báo này lại chuyển sang viết báo khác, riêng với TT&VH tôi đeo đẳng cộng tác suốt mấy chục năm. Có lẽ mối thân tình ấy có được là từ sự tin cậy của tòa soạn và sự gắn bó của tôi.
- MỜI ĐẶT MUA ĐẶC SAN KỶ NIỆM 40 NĂM BÁO THỂ THAO & VĂN HÓA
- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: 'TT&VH - người đồng hành thân thiết và thầm lặng của văn nghệ sĩ'
Không rõ với các cộng tác viên khác của TT&VH thì như thế nào, riêng tôi vẫn nhớ từ anh phát nhuận bút xưa ngồi trong góc phòng bé xíu ở số 5 Lý Thường Kiệt, đến bạn Tường Vi, rồi Phạm Truyền ở số 11 Trần Hưng Đạo bây giờ. Người phát nhuận bút vui vẻ, dễ gần cũng là yếu tố giúp cộng tác viên khỏi e ngại. Lâu nay bài vở viết trên máy tính, gửi qua email, liên lạc qua điện thoại, nhuận bút chuyển vào tài khoản, nên vài năm tôi không tới tòa soạn. Dù hầu như không ra sạp mua báo thì hằng ngày tôi vẫn đọc TT&VH điện tử. Và nỗi háo hức khi có bài được “lên mạng” vẫn nguyên vẹn như ngày nào tôi háo hức đạp xe đi mua báo.
Không có ý nghĩa nào khác, từ khi còn trẻ đến khi lớn tuổi, TT&VH luôn là bạn tinh thần của tôi. Với mối thân tình đã có, nhân 40 năm TT&VH ra số đầu, xin chúc bạn tinh thần của tôi tiếp tục giữ vững phong độ vốn có, tiếp tục sáng tạo và linh hoạt đổi mới để phát triển.
"Qua TT&VH, tôi có cơ hội được đọc chuyên khảo rất công phu đăng nhiều kỳ về lịch sử báo chí Việt Nam do nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn thực hiện; đoc nhiều chuyên luận thú vị về văn hoá của tác giả Hoàng Định, tới mức phải dò hỏi đó là ai, rồi biết đó là nhà phê văn Trần Chiến" (Nhà phê bình Nguyễn Hoà) |
Nhà phê bình Nguyễn Hoà
Tags