(TT&VH Cuối tuần) - Từ đầu thập kỷ 1990, một bóng ma với nghệ danh Banksy đã biến nhiều không gian công cộng thành một bảo tàng graffiti loại đặc biệt. Nhiều tác phẩm của Banksy nghiễm nhiên được tôn sùng như những thần tượng thời hiện đại: hai nam cảnh sát hôn nhau thắm thiết, một người biểu tình ném bó hoa như chai cháy molotov, em bé nạn nhân bom napal chạy giữa các biểu tượng của fast food... Graffiti của Banksy hàm chứa nội dung sâu xa hơn những phản ứng phá cách thông thường.
6 chữ cái, 1 câu đố: Banksy
Mọi việc bắt nguồn từ London, đột nhiên khắp nơi trong thành phố xuất hiện tại nhiều góc tường thương hiệu Banksy: một con chuột cống. Thành phố sương mù này không thiếu graffiti, nhưng chẳng mấy chốc dân trong nghề xì xào về một họa sĩ ký tên bằng hình con chuột dưới những hình vẽ mang tính phê phán xã hội rất thông minh. Thời gian trôi đi, người ta còn thấy chữ ký Banksy ở chân đài kỷ niệm chiến sĩ Xô-viết ở Đông Berlin, ở dải Gaza sặc mùi thuốc súng... Hãng bán đấu giá Sotheby’s đã đưa giá 80.000 euro cho một tranh Banksy (cắt từ tường gạch của một ngôi nhà kém giá hơn!), thậm chí chỉ một chữ ký của Banksy còn được rao bán trên mạng với giá 8.500 USD.
Theo các nguồn tin kém tin cậy trên mạng, Banksy sinh năm 1974 ở Bristol, phía Tây London, tên thật là Robert Banks hoặc Robin Banks. Cho đến nay, thậm chí bố mẹ Banksy vẫn tưởng con mình kiếm ăn hằng ngày bằng nghề trang trí nội thất. Tuy nhiên đã có một nhà báo của tờ Guardian được phỏng vấn Banksy nhưng sau đó lại mất liên lạc. Theo lời phóng viên Simon Hattenstone ấy thì Banksy là một chàng trai đeo dây chuyền bạc, quần áo lôi thôi nhưng tính cách thân thiện. Cuộc phỏng vấn thứ hai không thành, vì Banksy đi vào bí mật, tránh bị truy tố vì vẽ graffiti ở những nơi không được phép.
Rất nhiều bà mẹ sẵn sàng làm tất cả vì con, ngoại trừ họ để chúng trở thành những gì chúng muốn - Banksy
Thật khó xếp Banksy vào một ngăn nào đó của kho tàng nghệ thuật. Kẻ gây hấn chống lại ma lực của tiêu thụ? Thằng hề trong triều đình của kim tiền? Cậu bé tinh nghịch thời toàn cầu hóa? Đơn giản là những phỏng đoán kiểu ấy sẽ còn kéo dài, vì hầu như chưa người nào biết Banksy là ai! Đoạn phim nghiệt ngã Exit Through the Gift Shop được đưa vào danh sách ứng cử giải Oscar cho phim tài liệu xuất sắc năm nay, song nếu có được giải thì có lẽ họa sĩ tài ba ẩn danh ấy cũng sẽ chẳng xuất hiện trên sân khấu, dù chỉ một giây. Không sao, dù được Oscar hay không thì Banksy cũng sẽ trung thành trụ lại trong thế giới ảo của mình.
Đã có lần, một tờ báo lá cải của Anh cho rằng nấp sau tên Banksy là một Robin Gunningham, xuất thân từ gia đình giàu có và được học hành tử tế ở trường tư thục. Banksy bình luận với giọng tự trào rất đặc thù: “Nghe miêu tả một họa sĩ tài giỏi là tôi đã đủ biết, đó không phải là Banksy”.
Vậy là cho đến nay Banksy vẫn là một nghịch lý ẩn dạng: nổi tiếng thế giới mà không ai biết mặt, phê phán thế giới hàng hóa tư bản nhưng đạt giá ngất ngưởng cho tác phẩm của mình - ngôi sao nhạc pop Christina Aguilera đã trả giá 25.000 bảng để chiếm được bức tranh Banksy vẽ Nữ hoàng Anh đang... làm “chuyện ấy” với một phụ nữ khác. Người ta có quyền tọc mạch, giả sử được giải Oscar thì Banksy sẽ làm gì? Sẽ đem mấy hộp sơn xì lên sân khấu Nhà hát Kodak để trang trí tại chỗ cho bức tượng vàng? Kể cũng thú vị, nhưng khó hình dung.
Ý tưởng thiên tài
Một nhà sưu tầm tranh Banksy không kém nổi tiếng, Brad Pitt, nói: “Banksy dắt mũi thế giới xung quanh chứ không bị nó dắt mũi”. Do Angelina Jolie cùng chia sẻ niềm thán phục đó mà tranh Banksy ngày càng có giá. Điểm đặc trưng ở tranh Banksy là trào phúng thông minh và phê phán cay độc. Các họa sĩ trường phái pop-art nổi danh như Andy Warhol hay Roy Lichtenstein vẽ trong xưởng, còn Banksy hơn họ ở những thông điệp rất nhân bản ngoài phố, cộng với một triết lý thần tình từ khi chưa có Internet và Google: “Trong tương lai, ai cũng sẽ phải được phép ẩn danh mười lăm phút”.
Một tác phẩm của Banksy
Banksy vào bảo tàng?
Đúng vậy, nhưng cũng bằng con đường phi chính thống như mọi nghệ sĩ “du kích” khác. Banksy không đột nhập vào bảo tàng để lấy tranh, mà để đem thêm tranh vào! Một buổi sáng, các nhân viên bảo vệ Metropolitan Museum Of Art (New York) tá hỏa thấy tranh một quý bà đeo mặt nạ chống hơi độc trên tường. Còn Louvre (Paris) cũng được nhận tranh Mona Lisa, song thay cho nụ cười bí ẩn là một khuôn mặt cười Smiley. Một phi vụ khác diễn ra ở Bảo tàng Anh (London): một mảnh đá khắc hình săn bắn thời tiền sử, song bên cạnh con bò bị đâm bằng cây lao là một người đẩy xe mua hàng siêu thị. Mảnh đá này treo 8 ngày mới bị phát hiện và gỡ xuống, sau này ban giám đốc quyết định đưa lại lên tường như một tác phẩm thường trực của bảo tàng.
Banksy phát biểu với Simon Hattenstone (tờ Guardian): “Vài trăm người quyết định về nghệ thuật, khách vào bảo tàng không khác gì người du lịch chiêm ngưỡng chiến lợi phẩm của các nhà tỷ phú cả”. Với một chút thiện ý, có thể nhận ra rằng Banksy không khoe tài trào lộng của mình bằng cách để các tính xấu của con người đối chọi với nhau như ở một số đồng nghiệp khác, mà mọi phá cách của Banksy đều đập vào tâm thức và bắt người quan sát phải ngẫm nghĩ.
Tranh của Banksy ngày càng được hâm mộ hơn, tuy không được nâng niu trong bảo tàng và galery, một phần vì nó phản ánh được não trạng của người dân thành thị bị vây quanh bởi những tệ nạn nan giải. Ở Mỹ, năm 1982 nhà chính trị học James Q.Wilson và nhà hình sự học George Kelling đã đưa ra một học thuyết mang tên “broken window theory”: sự xuống cấp về xã hội ở các đô thị cũng như tình trạng tội phạm thường bắt nguồn từ những nguyên cớ rất nhỏ; đầu tiên là vài cửa sổ bị hư mà không được ai sửa, sau đó bọn trẻ con ném vỡ nốt các cửa sổ còn lại, chẳng mấy chốc có người vẽ bậy và đổ rác và chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi xảy ra vụ phạm pháp đầu tiên. Tiếc thay, phải vài trăm khu phố tàn tạ mới sinh ra được một Banksy, nhưng nếu con chuột cống đó không đánh động nổi ý thức cộng đồng của người dân, không thuyết phục họ đừng làm ngơ trước cái ác, thì cái giá phải trả không phải đợi lâu.
Lê Quang