Lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 và đấu giá nghệ thuật "Vì mái trường cho em" do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức đã diễn ra tối 31/5/2022 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Kết quả: Không có Giải thưởng Lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight); có 5 giải Khát vọng Dế Mèn được trao cho 5 tác phẩm, chùm tác phẩm trong top 8 Vòng Chung kết - chấm điểm; bên cạnh đó, chương trình đấu giá nghệ thuật cũng thu về hàng trăm triệu đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất cho điểm trường Huổi Khoang (xã Nậm Mằn, Sông Mã, Sơn La).
Là giải thưởng nghệ thuật thường niên do báo Thể thao và Văn hóa sáng lập từ năm 2020 nhằm trao cho các sáng tác - trình diễn nghệ thuật "vì" thiếu nhi hoặc "của" thiếu nhi trong khoảng thời gian từ quý II năm trước đến tháng 5 năm trao giải, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn mùa thứ 3 năm 2022 đã thu hút 89 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi với 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản. Trong đó, có 9 chùm thơ, tập thơ hoặc series thơ nhiều tập; 19 phim hoặc series phim hoạt hình; còn lại là các tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết...
Từ 89 tác phẩm, chọn Top 8
So với mùa giải lần 1 năm 2020 và lần 2 năm 2021, số lượng các tác phẩm dự thi ít hơn, nhưng vẫn phong phú về thể loại, tạo nên một bức tranh chung về văn học nghệ thuật “của thiếu nhi”, hoặc “vì thiếu nhi” trong năm xét giải. Bên cạnh những tác giả đã thành danh, ở mùa giải năm nay, đáng chú ý là một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9-12 tuổi sáng tác. Không chỉ là thơ, truyện ngắn, có những em còn tham gia cùng người lớn trong vai trò là họa sĩ minh họa các cuốn sách tranh hoặc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Có em còn viết tiểu thuyết giả tưởng dài 3 tập, dày hàng trăm trang, dựng lên một thế giới nghệ thuật đồ sộ. Có em còn viết truyện trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt - Anh, xác lập nên một kỷ lục đẹp trong đời sống văn học thiếu nhi vừa qua. Giải thưởng cũng thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam.
Sau 2 vòng chấm chọn (vòng loại và vòng chấm điểm), Ban sơ khảo gồm 9 thành viên đã “lẩy” ra được những “gam màu trội” gồm 11 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, trong đó có 6 truyện dài, 1 chùm truyện ngắn, 1 bộ thơ 5 tập, 1 truyện tranh, 2 sách tranh. Tại vòng chấm chung khảo đầu tiên, Hội đồng Giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên gồm PGS-TS Ngô Văn Giá, họa sĩ Thành Chương, nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ “Thần đồng Đất Việt” Lê Linh và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, đã bỏ phiếu để chọn Top 8 tác phẩm vào vòng Chung kết - chấm điểm.
Thật tiếc cho những tác phẩm lọt vào Vòng chung khảo như bộ thơ Dắt mẹ đi chơi (5 cuốn) của tác giả Mai Quyên (NXB Văn học) – tác phẩm thơ duy nhất lọt vào Vòng chung khảo với những bài thơ dành cho thiếu nhi xuất sắc, xứng đáng được tuyển chọn vào sách giáo khoa - hay truyện dài Nếu một ngày chúng tớ biến mất của Mộc An - một truyện dài đồng thoại có thể biến thành kịch bản một "bom tấn" hoạt hình - đã không đủ phiếu để lọt vào Top 8.
Mặc dù Dế Mèn chỉ là một giải thưởng mới ra đời, có vị trí còn khiêm tốn, nhưng các tác phẩm lọt vào top 8 cũng đã phải trải qua 3 cuộc "sát hạch" rất gian nan, để có thể vượt qua 89 tác phẩm còn lại, vì thế Top 8 tác phẩm đã được tôn vinh tại Lễ trao giải với Bằng chứng nhận của Giải thưởng như một sự xác quyết về chất lượng vượt trội.
Danh sách top 8 tác phẩm lọt vào Vòng Chung kết - chấm điểm (xếp theo thứ tự A, B, C tên tác phẩm) gồm:
1. Biệt đội thám tử và Emma thảm họa (2 truyện dài của Quyên Gavoye, NXB Kim Đồng)
2. Cá Linh đi học (bản thảo truyện dài, Lê Quang Trạng)
3. Cơ Bản là Cơ Bản (truyện dài, Phạm Huy Thông, NXB Kim Đồng)
4. Đu đưa trên ngọn cây bàng (bản thảo truyện dài, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy)
5. Trường học chẳng có gì vui? (truyện dài, Hải Nam, NXB Kim Đồng)
6. Bản thảo chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi)
7. Chiếc dép thất lạc (sách tranh; Tác giả: Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển), dịch: Kim Ngọc; NXB Kim Đồng)
8. Covid trong mắt trẻ thơ (sách tranh, 7 tập; Lời: Thanh Tâm; Tranh: Thuần Nhiên - Hoàng Phương - Khôi Nguyên - Sinh Hùng - Nguyên An - Tú Uyên - Gia Linh - Trọng Hiếu; Chuyển ngữ: Thuần Nhiên - Sinh Hùng - Hoàng Phú - Hoàng Long; NXB Phụ nữ Việt Nam)
Top 8 với dấu ấn về Covid, người nước ngoài và “thần đồng”
Trong top 8 nói trên, Cá Linh đi học của Lê Quang Trạng là một thiên sử thi về cá linh, một loài cá của sông Mê Kông, thường xuất hiện ở miền Tây bao la vào mùa nước nổi. Dưới ngòi bút của nhà văn trẻ An Giang Lê Quang Trạng (vừa đoạt giải Ba giải thưởng "Văn học tuổi 20"), cuộc phiêu lưu của chú cá linh được phủ lên sắc màu cổ tích, huyền thoại nhưng vẫn không kém phần khốc liệt bởi những "bẫy giăng, lưới sập" của con người trong cơn lốc tàn hại môi trường. Nó khiến ta liên tưởng đến hành trình "Ngày xửa ngày xưa có một cô cá hồi" của một nhà văn Liên Xô thuở trước. Vượt lên tính chất của những câu chuyện đồng thoại giản đơn, các tác giả đã làm những cuộc hóa thân để có thể "nhập đàn" với những loài cá này và nói lên được những tiếng nói của chúng. Tiếng nói ấy có lẽ sẽ ám ảnh bất cứ ai từng đọc, khiến họ không thể quên được mỗi khi thưởng thức món "gỏi cá hồi" hay "lẩu cá linh".
Cũng thuộc dòng truyện đồng thoại, chùm 4 truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng, cô bé 9 tuổi, vừa học hết lớp 4 trường Tiểu học Quỳnh Lôi (Hà Nội) rất nhỏ xinh, nhưng lung linh kỳ diệu. Điều hay nhất là tất cả 4 truyện đồng thoại này đều có diễn biến rất bất ngờ, và đó là cái bất ngờ hoàn toàn không sắp đặt, không cần đến những kỹ thuật "thắt mở nút" nhà nghề của người viết truyện ngắn.
Đó là cái bất ngờ của tư duy trẻ em, của một nghệ sĩ nhí có tố chất "thần đồng". Có thể, cô bé không cố lồng ghép thông điệp hay gửi gắm bài học gì đâu. Chỉ bởi qua đôi mắt em, sự vật đã hiện lên như thế, sống động, có hồn cốt. Em làm ta nhớ đến những đứa trẻ bình thường xung quanh chúng ta. Những đứa trẻ trò chuyện với đồ chơi, tưởng tượng trong hang kiến là một xã hội thu nhỏ, hay hòn đá nhành cây cũng có cảm xúc nên biết đau, biết giận, vui buồn. Nếu như Dế Mèn mùa đầu tiên phát hiện ra một Cao Khải An (11 tuổi) với Chuyện của Bắp ăn mơ và Xóm Đồi rơm, một truyện dài già dặn đến không ngờ, thấm đẫm nhân sinh từ cái nhìn của một đứa trẻ "thần đồng", thì ở mùa này, Nguyễn Vũ An Băng là một giọng nữ "băng thanh, ngọc khiết" hiếm thấy.
- Đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em': Thanh Lam - Tùng Dương thành công chốt chiếc áo 83 triệu
- Nhà báo Lê Xuân Thành, Trưởng BTC Giải Dế Mèn: Cảm ơn tấm lòng 'vị nghệ thuật' và 'vị nhân sinh' hết mực
Có tới 3 tác phẩm trong top 8 có bóng dáng của đại dịch Covid-19. Trong đó, Cơ Bản là Cơ Bản của Phạm Huy Thông được viết nhanh trong 1 tuần tác giả phải tự cách ly vì F1. Một câu chuyện giản dị với tốc độ kể nhanh, với sự khởi đầu không được tốt, khi hàng loạt các mẩu chuyện ở đô thị mang màu sắc giáo huấn, thiếu tính tự nhiên của con trẻ. Nhưng sau đó (khi nhân vật về quê sống) thì cơ bản là… rất hiệu quả. Cũng với tốc độ kể nhanh đó, tác giả tạo ra “những bài học nông thôn” mới – hay đúng hơn là những bài khi trở về với tự nhiên – vừa hoang dã, vừa ấm áp, lại thấm đẫm văn hóa xứ Mường, quê hương của tác giả. Trừ những đoạn hơi kể lể dài dòng về chèo Ma, rối Chuộc, nhìn chung Cơ Bản là Cơ Bản đã thể hiện được tinh thần thời đại mới, khi toát lên được triết lý giáo dục trẻ em - hãy để cho chúng tự lập hơn để được là chính chúng. Hãy để cho Cơ Bản (tên riêng của nhân vật) được là "Cơ Bản” - đó là một cái nhan đề có tính chất chơi chữ, nhưng tự thân nhan đề ấy đã có thể trở thành một "câu key" trong thời đại ngày nay. Những lời rap trong tác phẩm cũng không thể tuyệt vời hơn, hoàn toàn có thể biến thành những "hot trend" trong âm nhạc, nếu vào tay Đen Vâu!
Cũng với chủ đề Covid-19, Trường học chẳng có gì vui? là một câu chuyện rất hoạt kê, dí dỏm về nỗi chán chường của những đứa khi phải bước vào lớp Một. Nó rất trúng với tâm lý của trẻ em, nhưng đa phần người lớn chúng ta không chịu công nhận và thường ngay lập tức muốn con em mình phải trở thành những con ngoan trò giỏi, những tấm gương hiếu học ngay từ thời tiểu học. Bắt đầu bằng một phản đề như thế, nhưng tác giả Hải Nam rất thông minh khi thực hiện một cú quay xe ngoạn mục để “cứu” lại được ý nghĩa giáo dục của tác phẩm nhờ vào đoạn cuối. Ấy là khi dịch Covid -19 xảy ra, khi trường lớp đóng cửa, phải học online ở nhà, thì tất cả những đứa trẻ chán học kia đều nhận ra đến trường học thực ra rất vui. Giọng văn châm biếm, ngộ nghĩnh của Trường học chẳng có gì vui? khiến ta thoáng nhớ đến “Nhật ký chú bé nhút nhát” (Diary of a Wimpy Kid) - siêu phẩm vẫn đang làm mưa làm gió của Jeff Kinney.
Đề cập trực diện đến đại dịch Covid-19 là Covid trong mắt trẻ thơ - series sách tranh gồm 7 tập, mà chỉ riêng phần lời rất ngắn của chúng thôi đã là những truyện ngắn từ mức độ đọc được, đến mức thật sự xuất sắc. Nếu như Trường học chẳng có gì vui? khiến ta bật cười về cuộc sống của đám trẻ trước, trong và sau đại dịch, thì "Lồng đèn bí đỏ" trong series Covid trong mắt trẻ thơ lại khiến ra bật khóc trước những nỗi đau Covid được cảm nhận qua góc nhìn trẻ thơ. Bộ sách còn là một sự kết hợp thú vị, khi đội ngũ minh họa và dịch thuật đặc biệt, gồm 7 em thiếu nhi phụ trách vẽ mỗi truyện và 4 em phụ trách dịch lời sang tiếng Anh. Dễ thấy khi lật giở từng trang sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ là những nét vẽ minh họa đơn giản, hồn nhiên, thậm chí là hài hước. Tuy nhiên, những bức vẽ này lại chứa đựng đầy ắp cảm xúc của trẻ thơ, khiến người lớn phải thực sự ngỡ ngàng, và thay đổi suy nghĩ về sự biểu đạt sáng tạo của các em. Sau cùng, dịch bệnh cũng sẽ qua đi, bộ sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ vẫn còn đó và đọng lại những thông điệp đáng quý về trẻ em. Nói như tác giả Thanh Tâm: “Đó là một niềm tin vào trẻ em, hãy trao quyền cho trẻ em, chúng sẽ làm rất tốt những công việc liên quan đến sáng tạo, cũng như tất cả những công việc khác”.
Với tuổi đời 8X, nhưng Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã là một biên tập sách kỳ cựu, hiện đang làm ở công ty sách Nhã Nam. Chị chuyển sang viết văn chưa lâu nhưng ngay từ tác phẩm đầu tay (Trong vòng tay mẹ) đã lọt vào vòng chung khảo Dế Mèn 2021, và đến Đu đưa trên ngọn cây bàng thì đã chinh phục được Ban sơ khảo, Ban giám khảo. Một câu chuyện đầy ăm ắp ký ức về một tuổi thơ trung du nghèo đói, thèm ăn, nhưng cả người lớn và trẻ con vẫn vươn lên kiên cường, vẫn sống với đầy tình thương mến thương. Và hơn thế, tâm hồn của họ vẫn “đu đưa trên ngọn cây bàng” - một cảm giác mê say, không rõ ràng, và rất “chill” giữa cuộc sống bộn bề. Số là cô bé nhân vật chính trong truyện, mỗi khi có điều gì lo lắng, cô lại trèo lên ngọn cây bàng nhỏ trước sân để tận hưởng cảm giác "đu đưa" - một cách thư giãn mà bất kỳ đứa trẻ "mục đồng" nào cũng đã từng trải qua, nhưng ít khi chúng có thể diễn đạt được thành lời, nó đã tiếp thêm năng lượng cho chúng.
Đu đưa trên ngọn cây bàng không có những cuộc phiêu lưu kỳ thú hay phép màu nhưng vẫn hấp dẫn bằng sự trong trẻo của những câu chuyện đời thường. Và chỉ thế, nhiều lúc cũng làm độc giả chúng ta tự hỏi, tại sao những tuổi thơ không cùng “thời đại” với tuổi thơ ta, mà sao cảm thấy gần gũi, vẫn khiến ta háo hức dõi theo như chính tuổi thơ mình. Có lẽ, thượng đế đã tạo ra mọi đứa trẻ trên trần gian đều có chung một đôi mắt thiên thần để trẻ con trên đời đều nhìn mọi thứ một cách mới mẻ, đáng yêu và tò mò. Nên đứa trẻ của thời đại này vẫn đáng yêu như đứa trẻ của những thời xưa.
Cuối cùng, thật bất ngờ là các chủ nhân của mùa giải Dế Mèn năm nay còn có 3 cái tên đến từ Bỉ - Thụy Điển - Pháp. Geralda De Vos là một nghệ sĩ Bỉ, bà đến Việt Nam theo một chương trình lưu trú nghệ sĩ, và thật kỳ lạ là bà quan tâm đến những chiếc dép vô tình bị đánh rơi trên các nẻo đường. Bà thực sự là “cô tiên dép rớt” như trong truyện với chiếc xe đạp chở đầy những chiếc dép ngoài đời. Họa sĩ Sofia Holt, người Thụy Điển đã đồng điệu với câu chuyện về Chiếc dép thất lạc của Geralda De Vos, và đã thể hiện bằng những bức tranh minh họa tuyệt vời, thấm đẫm những cảnh sắc Việt Nam.
Một cô bé đánh rớt chiếc 1 dép trên đường. Chiếc dép mà cô rất yêu quý nên cô muốn đi tìm lại nó, bằng cách dán thông báo tìm dép trong làng và còn gửi thư tới các làng bên cạnh.
Đó là điều khiến ta ngạc nhiên trong thời đại tiêu dùng ngày nay, khi trẻ con dường như không còn biết trân quý các đồ dùng của chúng, từ bút mực, sách vở đến các thứ quần áo, đồ chơi được sản xuất hàng loạt dù có mức giá khác nhau. Vì thế câu chuyện gợi lên một không khí rất… bao cấp (cái thời mà những người từ 8x trở về trước) còn biết quý đồ dùng và cảm nhận được từ đó, không chỉ giá trị hữu dụng của vật chất mà cả sự gắn bó của bản thân với các đồ dùng đó - từa tựa như quý các con vật nuôi thân thiết.
Câu chuyện kết thúc bằng cảnh cô bé tìm lại được chiếc dép của mình nhờ cô tiên dép rớt - thực chất là người phụ nữ đi bán dép rong và kiêm nhặt dép rơi. Câu chuyện là một tiểu phẩm xinh xắn khơi gợi lại tình cảm của mỗi người về những đồ vật thân yêu giữa thời đại tiêu dùng.
Còn Quyên Gavoye là một chuyên gia di sản tại một thành phố ở Pháp, và cũng là bà mẹ của hai đứa trẻ. Hai cuốn sách Emma thảm họa và Biệt đội thám tử là sản phẩm của sự quan sát rất kỹ càng của chị về cuộc sống của hai con, từ những chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày tại trường học, ở nhà và cả khu phố, đến cách các con hành xử với nhau và với bố mẹ. Những bài học về kỹ năng sống, nhờ thế, cứ dần hiện ra….
Hai cuốn sách vốn không được coi là một series, nhưng giữa chúng có một sợi dây xuyên suốt, đó là tâm trạng đầy hăm hở, háo hức của những đứa trẻ, ở nhà cũng như ở trường. Trong cuộc sống sôi động, tươi mới ấy, ta thấy chúng đang lớn lên từng ngày, không phải từ những kiến thức từ trong sách vở mà chính từ những kỹ năng sống mà chúng nhận ra hay tự “thực hành” với sự trợ giúp không quá nhiều của người lớn.
Một chi tiết ấn tượng là hai học sinh va vào nhau trên sân trường, khiến chúng bị thương khá nặng, phải nhập viện (gẫy tay, đau cổ phải bó bột). Một tình huống như thế vẫn xảy ra đây đó trong cuộc sống và ta thường chỉ giải quyết ở mức độ người lớn với nhau (giữa phụ huynh với phụ huynh, giữa phụ huynh với nhà trường). Đại khái sẽ có những việc như thăm hỏi, động viên, phân định lỗi tại ai, rồi bồi thường, cam kết không làm lớn chuyện… Nhưng có lẽ chỉ ở trong “Emma thảm họa”, ta mới nhận ra một việc rất quan trọng cần phải giải quyết, đó là chữa lành những chấn thương tâm lý cho hai nạn nhân và cho cả những học sinh khác vô tình phải chứng kiến cảnh tai nạn ghê rợn ấy? Đó là những điều mà chúng ta vẫn thường xem nhẹ hay bỏ qua. Phải nhấn mạnh là những tình huống tâm lý ấy được chuyển tải trong câu chuyện rất tự nhiên - và đây là những truyện dài có ý nghĩa giáo dục kỹ năng sống chứ không phải là cuốn sách kỹ năng sống đơn thuần.
Điều đặc biệt nữa là cả hai tác phẩm đều lấy bối cảnh ở Pháp nhưng tác giả rất có chủ ý “quảng bá văn hoá Việt Nam”.
Trao 5 giải Khát vọng Dế Mèn
Từ 8 tác phẩm kể trên, Hội đồng giám khảo đã thảo luận và cho điểm, chọn 5 tác phẩm điểm cao nhất để trao 5 giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire), trị giá: 10.000.000 VND/giải, cho (xếp theo thứ tự A, B, C tên tác phẩm):
1. Biệt đội thám tử và Emma thảm họa (2 truyện dài của Quyên Gavoye, NXB Kim Đồng)
2. Cơ Bản là Cơ Bản (truyện dài, Phạm Huy Thông, NXB Kim Đồng)
3. Đu đưa trên ngọn cây bàng (bản thảo truyện dài, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy)
4. Bản thảo chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi)
5. Chiếc dép thất lạc (sách tranh; Tác giả: Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển), dịch: Kim Ngọc; NXB Kim Đồng)
Xin thông báo một tin rất vui là từ mùa giải năm nay, nhóm các nhà tài trợ IDG Capital Vietnam, METAIN Co-Investment Platform và Tinh Vân-Histaff, Dược Hà Nam chung tiền thưởng dành cho các tác giả nhí 100tr/năm, tài trợ trong 5 năm thành 500tr. Nếu số tiền dùng làm giải thưởng cho các tác giả nhí còn thừa thì dùng cho các mục đích khác như học bổng, xuất bản sách…
Trước hết, trong năm nay, nhóm tài trợ sẽ tài trợ riêng cho các tác giả thiếu nhi phần tưởng thưởng triển vọng 10 triệu đồng nếu lọt vào top 8; hoặc nhân đôi số tiền thưởng nếu đoạt giải.
Hy vọng sẽ tìm được Hiệp sĩ Dế mèn
Đánh giá về chất lượng mùa giải năm nay, PGS-TS Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng giám khảo nhận xét: “Trước tiên, nhìn vào lực lượng người viết dự giải có thể thấy viết cho trẻ thơ vẫn là niềm mơ ước của bất cứ ai, bất cứ người cầm bút nào. Nhìn rộng hơn, khát vọng viết cho trẻ thơ của chính trẻ thơ, và của người lớn vẫn là khát vọng thường trực và đau đáu. Đây là điều may mắn và đáng quý. Giải thưởng đã góp phần kích hoạt, khích lệ những mơ ước, khát vọng này.
Thứ hai, khi viết cho trẻ thơ, các tác giả không còn viết theo lối áp đặt. Thay vào đó, là lối viết về cơ bản đã “thanh toán” được chất “giáo huấn”. Những người viết đã khai thác, huy động được con người trẻ thơ trong chính mình để cất tiếng. Nhờ vậy, khiến truyện tự nhiên, gần gũi với thế giới tâm hồn, cách cảm, cách nghĩ, cách quan sát của trẻ thơ đối với đời sống.
Thứ ba, những người viết ít nhiều đã có ý thức hoặc bằng những cảm thức tinh tế hướng ngòi bút vào các vấn đề sinh thái, môi trường, cụ thể hơn là thiên nhiên với loài vật, cỏ cây, hoa lá. Năm nay, dự giải có rất nhiều tác giả trở về với thiên nhiên, với không gian sinh thái, như để thầm nói với bạn đọc trước nhất là với những đứa trẻ rằng, thiên nhiên chính là bầu bạn, là mái nhà che chở, nuôi dưỡng tâm hồn, và giúp con người cảm thấy yêu và gắn bó hơn với đời sống này. Những tác phẩm như Cá Linh đi học, Nếu một ngày chúng tớ biến mất, Cơ Bản là Cơ Bản v.v… là ví dụ”.
Còn nhà thơ "thần đồng" Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, thì đưa ra một sự liên hệ thú vị với thế hệ thiếu nhi thời ông: “Trẻ em hiện giờ rất giỏi, có những em như một thiên tài. Về âm nhạc có những giọng ca nhí hát hay vô cùng, kéo nhị rất giỏi, biểu diễn hấp dẫn lắm. Có những em tính nhẩm giỏi không khác gì máy tính… Thế nhưng văn chương thì... thời chúng tôi có cả dàn nhà thơ nhí, nhưng hiện giờ không có. Nay xuất hiện những em bé viết văn, đó là điều rất đáng khuyến khích, bởi có các em tham gia thì chúng ta có nền văn học đương đại, có những tác giả trong tương lai”.
Dẫn 2 câu thơ rất nắn nót của Trần Dần: “Tôi tiếc khi chân trời không có người bay/ Và lại tiếc khi người bay mà không có chân trời”, Trưởng BGK nhận định: “Các em hiện giờ có rất nhiều điều kiện chứ không như chúng tôi ngày xưa Hiện giờ trong công cuộc đổi mới của chúng ta, chân trời ngay dưới gót chân của các em, chỉ có điều các em có bay được không.
Giải thưởng năm nay có em bé 9 tuổi, có những tác giả người nước ngoài hoặc Việt kiều, chứng tỏ cuộc thi có sự lan tỏa rộng không phải chỉ trong nước. Tôi hi vọng năm tới chúng ta sẽ có những tác phẩm đặc sắc hơn, sẽ tìm được Hiệp sĩ Dế mèn. Kết quả năm nay cho chúng ta niềm tin ấy, sự hi vọng ấy”.
- Trao Giải Thiếu nhi Dế Mèn và đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em': Sự đầu tư 'có lãi nhất' cho tiến bộ xã hội
- Trực tiếp Lễ trao giải Dế Mèn và đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em'
- Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn: Kiếm tìm thêm một sự bù đắp cho 'Tết thiếu nhi'?
Dế Mèn “Vì mái trường cho em”
Khác với mùa trao giải trước, chỉ tổ chức offline tại trụ sở tòa soạn báo Thể thao và Văn hóa vì lý do dịch Covid-19, lễ trao giải mùa 3 trang trọng, hoành tráng hơn gấp bội bởi sự kết hợp nhiều hoạt động trong một, vừa mang tính lễ nghi, vừa mang tính nghệ thuật. Nhưng điểm chung là đều “nhắm” vào hai mục đích: vinh danh những tác giả, tác phẩm xuất sắc của Dế Mèn mùa 3 và vận động quyên góp “Vì mái trường cho em”.
Biểu diễn trong lễ trao giải là các gương mặt nghệ sĩ đến từ nhiều đơn vị nghệ thuật như từ Dàn nhạc Young Maius Philharmonic, CLB Ngôi sao nhỏ và Nhà hát Tuổi trẻ. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lưu Quang Minh, dàn nhạc và nhóm tứ tấu Sunshine Strings (gồm Trần Bích Thảo: Contrabass - Lê Hoàng Ngọc Minh: Viola - Nguyễn Vân Anh và Trần Phúc Thịnh: Violin) đã biểu diễn xuất sắc tác phẩm Theme of concerto for string “Spring” (Vivaldi) và liên khúc Minuet and Trio (Beethoven) - Dance of the little swan (Tchaikovsky). CLB Ngôi sao nhỏ sẽ thể hiện ca khúc Em bé quê của nhạc sĩ Phạm Duy và các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Tuổi trẻ sẽ trình diễn trích đoạn vở nhạc kịch Bầy chim thiên nga.
Xen kẽ với các tiết mục, các màn trao giải là phần đấu giá nghệ thuật "Vì mái trường cho em". Trước phiên đấu giá trực tiếp này, BTC đã tổ chức 3 cuộc đấu giá trên mạng xã hội bán được hơn 66% trong tổng số hơn, thu về gần 300 triệu đồng. Tại Lễ trao giải, chương trình đấu giá trực tiếp 6 vật phẩm, đó là:
1. Chiếc áo có đủ chữ ký của Đội tuyển Việt Nam 2018, vô địch AFF Cup năm 2018, do hai nhà sưu tập Cao Minh Tuấn và Nguyễn Văn Sỹ tặng.
2. Tranh lụa của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, khổ 130cm x 50cm, mực acrylic trên lụa, 2022.
3. Tranh sơn dầu trên toan, 50 x 40cm, 2021 của họa sĩ Phạm An Hải.
4. Tranh sơn dầu 160cm x 110cm, 2021, của Phạm Duy Quỳnh.
5. Đồng hồ nam Ernest Borel GS8380C-221 do hệ thống bán lẻ đồng hồ chính hãng Galle Watch tặng.
6. Chiếc xe Vespa được họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ lên.
Kết quả, phiên đấu giá tại Lễ trao giải đã thu được hàng trăm triệu đồng.
Báo Thể thao và Văn hóa cũng gửi lời cảm ơn tới các văn nghệ sĩ, các mạnh thường quân đã ủng hộ tranh, vật phẩm cho chương trình đấu giá nghệ thuật "Vì mái trường cho em". Cảm ơn các đơn vị đã ủng hộ tiền mặt và vật phẩm cho chương trình này, đó là Tập đoàn NetWorld Asia, đã ủng hộ 200 triệu đồng; Bệnh viện mắt Hà Nội 2 ủng hộ tiền mặt và vật phẩm có tổng giá trị 200tr đồng. Hãng Piaggio tặng xe Vespa, trị giá ban đầu khoảng 80 triệu; Thingo Group 50 triệu; Hệ thống phân phối Galle Watch tặng đồng hồ nam Ernest Borel (Thuỵ Sỹ) trị giá 40 triệu; Công ty INAX tặng hơn 35 bộ sứ vệ sinh.
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 3 - 2022 đã khép lại, nhưng hành trình “Vì mái trường cho em” vẫn cứ tiếp diễn. BTC xin được cảm ơn các nhà tài trợ: Tập đoàn NetworldAsia, đối tác chiến lược của báo TT&VH; IDG Capital Vietnam; METAIN Co-Investment Platform, Tinh Vân-Histaff và Dược Hà Nam. Cùng các đơn vị bảo trợ đồng hành: Yan News, Netsport.vn, Netlife, MOOD Entertainment, Truyền hình Thông tấn, báo Tin tức, Vietnamnews, Vietnamplus...
BAN TỔ CHỨC
GIẢI THƯỞNG THIẾU NHI DẾ MÈN
Tags